09/09/2019 09:23 GMT+7

Đức chi 100 triệu euro cứu côn trùng

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Những khoản tiền khổng lồ mà các quốc gia dùng giải cứu hổ, tê giác, cá voi, cá mập… không còn lạ với nhiều người, nhưng dùng cả ‘núi tiền’ để cứu trợ những loài côn trùng bé nhỏ thì quả thật rất đặc biệt.

Đức chi 100 triệu euro cứu côn trùng - Ảnh 1.

Đức vừa lên kế hoạch chi đến 100 triệu euro để bảo vệ các loài côn trùng - Ảnh: SCIENCE

Năm 2017, các nhà khoa học nước Đức công bố kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng côn trùng địa phương đang suy giảm nghiêm trọng: giảm đến 76% chỉ trong vòng 30 năm.

Trước áp lực từ dư luận, mới đây chính quyền liên bang đã công bố một chương trình hành động bảo vệ côn trùng trị giá đến 100 triệu euro, trong đó 25 triệu euro dành cho việc nghiên cứu và theo dõi các đàn côn trùng trong tự nhiên.

Kế hoạch còn bao gồm chương trình bảo vệ môi trường sống của côn trùng. Theo TS Lars Krogmann - nhà khoa học chuyên nghiên cứu sâu bọ, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Stuttgart, Đức, nguyên nhân chính của cuộc "khủng hoảng" côn trùng ở Đức là do môi trường sống của chúng nhường chỗ cho các hoạt động phát triển kinh tế.

Chẳng hạn, những đồng cỏ khô phổ biến ở vùng đồng quê Đức nay đã được tận dụng để chuyển đổi thành những cánh đồng cỏ "công nghiệp" làm thức ăn cho gia súc. Nông dân bón phân cho đám cỏ này và thu hoạch thường xuyên thay vì một năm cắt gọn một hai lần như trước đây. Nông dân còn mở rộng diện tích cánh đồng, phá vỡ những bờ rào tự nhiên um tùm ngày trước.

Đức chi 100 triệu euro cứu côn trùng - Ảnh 2.

Dự án sẽ kiểm soát gắt gao hơn các loại thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật - Ảnh: GETTY IMAGES

Dự án sẽ quản lý gắt gao hơn các loại thuốc diệt cỏ trên thị trường, đặc biệt sẽ loại bỏ hoàn toàn thuốc glyphosate - một trong những loại phổ biến nhất trên thế giới. Những loại thuốc bảo vệ thực vật nếu muốn lên kệ kinh doanh cũng phải chịu những quy định khó khăn hơn, trong đó phải đảm bảo sẽ tác động tích cực đến môi trường.

Thậm chí, ngay cả thuốc thú y hay thức ăn chăn nuôi cũng phải được xem xét các vấn đề đến côn trùng.

Chính quyền cũng sẽ tiến đến việc giảm ô nhiễm ánh sáng có thể phá vỡ thói quen sinh hoạt của các loài côn trùng hoạt động về đêm, ngăn chúng tìm thức ăn hoặc bạn tình. Thay vào đó, các đơn vị được khuyến khích sử dụng các loại đèn thân thiện với côn trùng, chẳng hạn loại có cảm biến cử động, chỉ bật lên khi thực sự cần thiết.

Dự án cũng hỗ trợ các chương trình giáo dục cộng đồng, đặc biệt hướng đến lứa tuổi mẫu giáo, để lan rộng chiến dịch xây dựng những khu vườn thân thiện với côn trùng.

Đức chi 100 triệu euro cứu côn trùng - Ảnh 3.

25 triệu euro của dự án sẽ dành nghiên cứu và quan sát các loài côn trùng - Ảnh: JAPAN TIMES

Đáng chú ý, ¼ trong khoản tiền dự án 100 triệu euro sẽ dùng cho việc nghiên cứu và quan sát côn trùng. Đức đang xây dựng một mạng lới quan sát các nhóm côn trùng lớn, giúp các nhà khoa học có thể hiểu sâu hơn các nguyên nhân gây hại.

GS.TS Wolfgang Wägele - nguyên Viện trưởng Viện đa dạng sinh học Leibniz - cho biết trong quá trình gây quỹ, dự án này chắc chắn sẽ nhận được nhiều hơn số lượng 100 triệu euro, con số được kỳ vọng có thể lên đến 200 triệu euro. "Dự án này là một điều vô tiền khoáng hậu" - ông Wägele nói.

Vì sao trứng côn trùng có nhiều hình dáng lạ? Vì sao trứng côn trùng có nhiều hình dáng lạ?

TTO - Cùng là côn trùng nhưng trứng của loài này hình tròn đối xứng, loài khác sẽ dài như xúc xích. Vì sao vậy?

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên