Trứng của một số loài côn trùng - Ảnh: S.h Church/S.Donoughe
Côn trùng là nhóm động vật đa dạng và lớn nhất Trái đất với khoảng hơn 1 triệu loài được ghi chép và nhiều loài chưa được mô tả. Chúng sống ở hầu hết các môi trường, từ nơi giá lạnh đến nơi nóng bức, núi cao cho đến đại dương.
Sự phong phú của loài này cũng đồng nghĩa với việc trứng của chúng có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau.
Trước đây các nhà khoa học từng có nhiều nghiên cứu về lý do trứng côn trùng không giống nhau. Một giả thuyết được đưa ra là do kích thước các loài khác nhau sẽ cho ra những quả trứng khác nhau.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Harvard dựa trên cơ sở gần 10.500 dữ liệu mô tả về trứng của khoảng 6.700 loài côn trùng lại cho thấy sự khác biệt ấy đến từ việc chúng đẻ trứng trên bề mặt nào.
Nhà sinh vật học Cassandra Extavour cho biết trứng chỉ là những tế bào đơn lẻ không quá phức tạp nên có thể làm các so sánh. Nhóm của Cassandra Extavour phát triển chương trình máy tính trích xuất các dữ liệu hình ảnh và văn bản từ 1.756 ấn phẩm số hóa, sau đó sử dụng phép đo để ước tính kích thước và hình dạng của trứng.
Phân tích dữ liệu trứng cho thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc. Một số loài đẻ trứng có hình elip, một vài loài khác hình giọt nước, có loài trứng lại thuôn dài, tròn hai đầu giống xúc xích. Có loài đẻ trứng to bằng quả việt quất, có loài đẻ trứng nhỏ xíu mà mắt người không thể nhìn thấy...
Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó là sự tương đồng rõ rệt. Cụ thể, dù là cùng một loài nhưng những quả trứng được đẻ trong hoặc trên mặt nước có xu hướng nhỏ hơn và tròn hơn, trong khi những quả trứng được đặt bên trong một con vật khác có xu hướng nhỏ hơn và không đối xứng. Trứng đẻ trong đất hoặc trên lá có xu hướng lớn hơn bề mặt khác.
Phát hiện này được công bố trên tạp chí Nature. Hiện vấn đề này vẫn đang được các nhà khoa học quan tâm và đưa ra các giải thích khác nhau.
Họ tin rằng bề mặt môi trường không phải là lý do duy nhất giải thích sự khác biệt về kích thước và hình dạng trứng của côn trùng, nhưng phát hiện mới này vẫn là một cơ sở cho các nghiên cứu tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận