Cạnh tranh về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ cả trong cấp sản phẩm cho doanh nghiệp và các địa phương.
Nhiều giải pháp công nghệ
Theo công bố mới nhất trong tháng 9-2022 của Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST), công nghệ nhận diện và tìm kiếm khuôn mặt của VNPT (VNPT FaceID) nằm trong tốp 15 thế giới hạng mục KIOSK (khuôn mặt đa dạng màu da và dân tộc), vượt qua nhiều tên tuổi lớn trên thế giới.
Đây là hạng mục thu hút sự quan tâm của nhiều hãng công nghệ lớn do yêu cầu độ chính xác cao và tính ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Với thành tựu này, VNPT FaceID đã ghi một dấu mốc mới bằng các sản phẩm có thể cạnh tranh thế giới.
Một sản phẩm khác của VNPT là định danh điện tử VNPT eKYC cũng đã đạt đến độ chính xác xấp xỉ 100%, tương đương và có thể thay thế hoàn toàn công nghệ ngoại nhập. Tính tới tháng 9-2022, sản phẩm nền tảng này đã phục vụ gần 700 triệu giao dịch trong hầu hết các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, thương mại điện tử...
Trong khi đó, "loa phường 4.0" lại là một sản phẩm thú vị trong chuỗi sản phẩm, giải pháp công nghệ được nhà mạng MobiFone đầu tư phát triển. "Loa phường 4.0" hoạt động như loa phường truyền thống nhưng loại được những nhược điểm của giải pháp truyền thông có dây hay sóng AM/FM truyền thống.
Với công nghệ chuyển đổi văn bản thành bản tin phát thanh... các địa phương có thể dễ dàng phát thanh thông tin tới người dân bằng những thiết bị phổ biến như điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy tính để bàn...
Đua ở thị trường chuyển đổi số trong nước
Ứng dụng Hue-S đang nổi lên như một "ngôi sao" ở Thừa Thiên Huế, cho phép người dân Huế trực tiếp đóng góp ý kiến, phản ánh bức xúc với chính quyền và theo dõi tiến độ xử lý hoàn toàn qua smartphone.
Nhờ kết hợp trí tuệ nhân tạo áp dụng vào hệ thống giám sát camera, Hue-S đã ghi nhận và tiếp nhận cả chục ngàn trường hợp vi phạm giao thông, hỗ trợ công an truy vết các hành vi có yếu tố hình sự. Đây cũng là kênh cảnh báo và theo dõi diễn biến tình hình thiên tai, bão lụt, ngập lụt qua hệ thống camera. Nhiều thời điểm mỗi ngày có tới 47.600 lượt mở ứng dụng.
Hue-S là một phần trong hệ thống Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) của Huế do Viettel Solutions (thuộc Tập đoàn Viettel) tư vấn và triển khai. Dự án IOC Huế là một trong 36 dự án trung tâm điều hành thông minh đang được Viettel thực hiện tại 32 tỉnh thành.
Các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số cũng được Viettel triển khai cho Chính phủ, bộ, ngành và khối doanh nghiệp tại các thị trường Myanmar, Campuchia, Lào, Haiti, Burundi và Úc. Doanh thu lĩnh vực dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin của Viettel trong sáu tháng đầu năm 2022 tăng tới 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Quyết thành công ty công nghệ
Ngay khi vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, ông Tô Dũng Thái đã khẳng định sớm đưa VNPT trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu. Theo định hướng phát triển, VNPT sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030.
Trong khi đó, ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định: "2022 là năm thứ ba Viettel tuyên bố chuyển dịch thành một công ty công nghệ, công ty cung cấp dịch vụ số". Mục tiêu đặt ra là "trở thành doanh nghiệp số 1 về an ninh mạng, các sản phẩm chuyển đổi số để xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng việc các nhà mạng mở rộng kinh doanh sang cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, trở thành những công ty công nghệ là việc nên khuyến khích.
Tuy nhiên, việc mở rộng này luôn cần được kiểm soát để tránh rủi ro một vài doanh nghiệp "nắm" mọi khâu trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng viễn thông phải luôn được xem trọng bởi đó chính là cơ sở để Việt Nam tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ, trở thành một trong những trung tâm công nghệ của thế giới.
* Ông Lê Quốc Vinh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê): Tránh doanh nghiệp phải đi đường vòng
Mạng viễn thông đang trở thành mạng liên kết, trao đổi dữ liệu số và là nền tảng cho các ứng dụng số. Nên các nhà mạng di động có những lợi thế nhất định trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ, các loại dịch vụ số, họ chuyển dịch thành công ty công nghệ là điều tất yếu.
Hiện nay Nhà nước đang ưu tiên phát triển các công ty công nghệ. Tuy nhiên nếu so sánh với các doanh nghiệp FDI được kêu gọi đầu tư, với các ưu đãi thuê mặt bằng, ưu đãi miễn giảm thuế... thì các doanh nghiệp công nghệ vẫn chỉ được đối xử rất bình thường. Thực tế nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đang phải đi đường vòng ra nước ngoài trong quá trình gọi vốn mạo hiểm. Vì vậy, Nhà nước nên nghiên cứu các giải pháp để nút thắt này được tháo gỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận