17/04/2013 10:22 GMT+7

Đưa hôn nhân đồng giới, mang thai hộ vào luật

LAN ANH - TÂM LỤA
LAN ANH - TÂM LỤA

TT - Đưa hôn nhân đồng giới, mang thai hộ, thỏa thuận tài sản trước hôn nhân vào luật. Đây là những nội dung mới được nêu lên tại hội thảo tổng kết 13 năm thực hiện Luật hôn nhân - gia đình và bàn về sửa đổi luật này do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16-4.

OU1Z6A9i.jpgPhóng to
Những người đồng tính trong bộ ảnh The pink choice của Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan)

Ông Dương Đăng Huệ - vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp), tổ trưởng tổ biên tập Luật hôn nhân - gia đình sửa đổi - cho hay thực tiễn đời sống đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, nên mục tiêu sửa đổi Luật hôn nhân - gia đình năm 2000 lần này là sửa cơ bản và toàn diện.

Những vấn đề mới

Những vấn đề mới đáng quan tâm nhất tại hội thảo là có nên giảm độ tuổi kết hôn hợp pháp, có cần quy định giấy chứng nhận sức khỏe trước khi kết hôn. VN đã có đủ điều kiện công nhận hôn nhân đồng tính, có hay không cho phép mang thai hộ, cho phép cơ quan hành chính xử ly hôn nếu hai bên thuận tình và không có tranh cãi về tài sản cũng như con cái, bổ sung quy định kết hôn với người nước ngoài, thỏa thuận tài sản trước hôn nhân...

Chính vì sự mới mẻ của những vấn đề được nêu (nhất là trên lăng kính của những người VN theo tư duy truyền thống) khiến hội nghị rất sôi nổi. Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tưởng Duy Lượng được đông đảo cử tọa tán thành khi cho rằng với người VN, tâm lý chung là chưa cho phép hôn nhân đồng tính, nhưng không nên quy định cấm, không nên can thiệp hành chính vào cuộc sống của họ. “Đồng tính là do lỗi của tạo hóa, cần chia sẻ với họ” - ông Lượng cho biết.

Cũng theo ông Lượng, quy định có hay không cho mang thai hộ không phải là vấn đề pháp lý đơn thuần mà mang tính xã hội nhạy cảm và sâu sắc. Ông Lượng khẳng định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, vì những người mắc bệnh lý về sinh sản, bị bệnh tim... không thể mang thai. “Họ thiệt thòi, không ủng hộ họ là không nhân văn. Nhưng cũng cần có thêm quy định để giải quyết hậu quả nếu có tranh chấp như xác định trẻ là con ai, trách nhiệm nuôi dưỡng thế nào, giao trẻ cho ai nếu có tranh chấp” - ông Lượng đề xuất.

Bà Hoàng Phương Hoa - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc - mang đến hội nghị một đề xuất khá ngạc nhiên so với thực tế lĩnh vực bà phụ trách. Bà Hoa cho rằng không giảm tuổi kết hôn xuống đủ 16 tuổi với nữ và đủ 18 tuổi với nam như nhiều đề nghị. Theo bà Hoa, thực tế đang có nhiều vấn đề như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, dẫn đến không ít hệ lụy về sức khỏe, nòi giống. Theo bà Hoa, trong trường hợp phong tục tập quán của đồng bào không trái với quy định của luật thì việc xử lý những vấn đề phát sinh nên thực hiện theo phong tục tập quán.

Xử ly hôn tại cơ quan hành chính?

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng Luật hôn nhân - gia đình sửa đổi phải sát sườn với đời sống. Theo Phó thủ tướng: “Luật hôn nhân - gia đình liên quan đến toàn dân. Khi đưa vào luật những vấn đề mới và nhạy cảm cần tôn trọng ý kiến nhân dân”.

Trong số những vấn đề mà thực tế đời sống đang nảy sinh, Vụ trưởng Dương Đăng Huệ cho biết luật hiện hành không đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng có tài sản khác nhau, luật nên đa dạng hóa nhu cầu, bổ sung chế độ tài sản ước định (thỏa thuận), bảo đảm minh bạch hóa, công khai hóa các giao dịch mà hai bên thực hiện.

Ông Huệ cho biết vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang nổi lên các bức xúc về điều kiện kết hôn. Ông Huệ nói có những ý kiến đề nghị bổ sung vào luật quy định chênh lệch tuổi bao nhiêu là không được kết hôn, chú rể nước ngoài phải có chứng nhận được tập huấn về phong tục tập quán VN, có hiểu biết nhất định về tiếng Việt, có quy định rõ vai trò của các cơ quan đoàn thể và có chế tài nghiêm khắc với các hành vi trục lợi.

Trong dự thảo luật, có một vấn đề rất mới được đề cập là các vụ ly hôn không có tranh chấp về tài sản, con cái có thể được xử tại cơ quan hành chính, chỉ các vụ có tranh chấp mới cần phải ra tòa, thay cho việc 100% các vụ đều phải ra tòa như hiện hành. Quy định này có thể khiến nhiều người lo ngại ly hôn dễ dàng sẽ làm gia tăng ly hôn, nhưng thực tế cho thấy nếu cả hai bên thuận tình và không có tranh chấp, có làm khó khăn thì họ vẫn ly hôn cho bằng được. Về vấn đề hôn nhân thực tế, bà Hoàng Phương Hoa đề xuất nên công nhận hôn nhân ở các gia đình được bà con lối xóm, gia đình hai bên công nhận.

Cần có quy định về tài sản chung - riêng

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến bàn về quyền tài sản của vợ chồng trong hôn nhân. Điểm mới của dự thảo luật lần này là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (chế độ ước định) với những nội dung như: vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc áp dụng chế độ tài sản, sự thỏa thuận này có thể lập thành văn bản công chứng hoặc có chữ ký của cả hai bên.

Ông Tưởng Duy Lượng bày tỏ sự băn khoăn khi thực tế có nhiều vợ chồng nhập tài sản chung nhưng không lập văn bản thỏa thuận, vì vậy rất khó xác định, phân xử khi hôn nhân có vấn đề. “Thế nên tôi kiến nghị phải có quy định cụ thể về tài sản riêng, có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân” - ông Lượng đề xuất.

Ông Lượng cũng kiến nghị nên lưu ý để những phụ nữ nuôi con có quyền được bảo vệ. “Nhiều người vợ ở nhà nội trợ, nuôi con, chồng đi làm, phần của chồng là tài sản phát sinh sau khi chia, trong khi tài sản của vợ đã dùng hết cho việc gia đình nên người vợ rất thiệt thòi. Phải đề cập đến tình huống này, nếu không người phụ nữ đang nuôi con khi phân chia tài sản sẽ rất bất lợi” - ông Lượng nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đồng tình cho mang thai hộ, không can thiệp hôn nhân đồng giớiKhông nên định kiến với người đồng tínhBộ Y tế ủng hộ kết hôn đồng tínhNhiều đề xuất ủng hộ hôn nhân đồng giới

LAN ANH - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên