Một chiếc tàu lặn chở 5 hành khách đi xem xác tàu Titanic đã mất tích từ hôm 18-6. Theo New York Times, chuyến thám hiểm này đã làm dấy lên tranh luận về thói quen du lịch rủi ro của nhiều người giàu có.
Du lịch rủi ro thường rất đắt đỏ, nên những người sử dụng dịch vụ thường thuộc nhóm giàu có. Chẳng hạn, với vụ tàu lặn mất tích khi thám hiểm xác tàu Titanic, trong số 5 hành khách có tỉ phú người Anh Hamish Harding và tỉ phú Anh-Pakistan Shahzada Dawood.
Ngoài dịch vụ trên, còn nhiều hoạt động phiêu lưu mạo hiểm với mức giá ngất ngưởng khác cũng rất thu hút tầng lớp thu nhập cao.
Thám hiểm điểm sâu nhất trong lòng đại dương: 750.000 USD (17,64 tỉ đồng)
Thực tế, nơi con tàu Titanic bị chìm chưa phải là địa điểm sâu nhất mà các nhà du lịch cung cấp cho khách. Một số người siêu giàu còn mạo hiểm đến tận vực sâu Challenger Deep của Rãnh Mariana, điểm sâu nhất được biết đến trong lòng đại dương.
Công ty du lịch EYOS Expeditions đã bắt đầu cung cấp các chuyến đi trị giá 750.000 USD vào năm 2020. Đó là một chuyến đi kéo dài 14 tiếng, trong đó 10 tiếng là thời gian lặn xuống độ sâu vào khoảng 11.300m dưới mực nước biển, cũng như đưa khách trở lại bờ.
Còn chuyến đi khám phá tàu Titanic của những vị khách đang mất tích do OceanGate Expeditions cung cấp, có giá khởi điểm từ 250.000 USD.
Bay vào không gian: 450.000 USD (10,58 tỉ đồng)
Các đại gia không chỉ lặn xuống đáy đại dương. Họ cũng đang bay cao hơn nhiều người khác.
Năm 2021, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã đến thăm rìa không gian thông qua công ty hàng không vũ trụ của chính mình, Blue Origin. Tỉ phú Richard Branson cũng thực hiện chuyến hành trình tương tự với công ty du lịch vũ trụ của riêng mình, Virgin Galactic.
Giá vé bay vào vũ trụ kéo dài 11 phút của Blue Origin đã được bán đấu giá 28 triệu USD vào năm đó. Năm 2018, công ty của ông Bezos ước tính giá vé sẽ rơi vào khoảng 200.000 đến 300.000 USD. Có thể hiện nay mức giá đã cao hơn khi nhiều đối thủ cạnh tranh cũng đã tăng giá.
Chẳng hạn, Virgin Galactic gần đây đã thông báo họ sẽ sớm khởi động các chuyến bay thương mại đầu tiên vào không gian, với giá vé 450.000 USD/lần/người. Trong đợt vé đầu tiên được bán trong thập kỷ qua, mỗi suất có giá 200.000 USD.
Ông Harding, người trên tàu lặn khám phá tàu Titanic bị mất tích, cũng từng lên vũ trụ. Đó là vào năm 2022, sử dụng dịch vụ của Blue Origin.
SpaceX của Elon Musk hy vọng sẽ đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030. Không rõ vị tỉ phú này có đích thân trải nghiệm hay không.
Leo lên đỉnh Everest: Hơn 200.000 USD (5,14 tỉ đồng)
Những người hâm mộ đỉnh Everest có thể bỏ ra 199.000 euro hay 218.400 USD và 3 tuần để tận hưởng bầu không khí của đỉnh núi cao nhất thế giới.
Thực tế, có nhiều công ty cũng cung cấp các chuyến đi Everest với giá bình dân hơn, từ 40.000 đến 100.000 USD, theo National Geographic.
Vậy chuyến đi 200.000 USD có gì đặc biệt? Theo Công ty du lịch Furtenbach Adventures có trụ sở tại Áo, chuyến đi này bao gồm một loạt dịch vụ an toàn cũng như đảm bảo các vị khách sẽ lên được đỉnh núi (các chuyến "thân dân" không có đảm bảo này).
Máy phát điện và lều được gửi đến nhà khách hàng vài tuần trước chuyến đi, có thể mô phỏng điều kiện không khí ở độ cao lớn, giúp khách thích nghi trước khi khởi hành.
Leo lên đỉnh Everest rất nguy hiểm. Đã có hơn 300 trường hợp tử vong được ghi nhận đến nay, theo National Geographic. Dịch vụ thám hiểm cao cấp sẽ cung cấp "oxy không giới hạn" để giảm thiểu một trong những mối đe dọa lớn nhất trong những cuộc phiêu lưu khắc nghiệt.
Lukas Furtenbach, người sáng lập Furtenbach Adventures, cho biết: "Đỉnh Everest với độ cao lớn là một môi trường nguy hiểm, tương tự như chiếc tàu lặn đi theo con tàu Titanic. Thường chỉ có oxy trong một khoảng thời gian giới hạn".
Furtenbach cũng cho biết lượng oxy dự trữ dành cho khách hàng của gói cao cấp chiếm phần lớn trong số tiền hơn 200.000 USD mà họ phải chi ra.
Du lịch đến miền bí ẩn: 100.000 USD (2,35 tỉ đồng)
Đối với những người muốn lang thang ở vùng đất xa xôi, được các chuyên gia đảm bảo an toàn, Công ty du lịch Black Tomato có gói "Get Lost" (Tạm dịch: Mất tích).
Khi sử dụng dịch vụ này, khách chỉ đưa ra ý tưởng về không gian muốn khám phá, còn địa điểm thực sự sẽ được công ty giữ kín cho đến khi khách đến nơi. Công ty cũng đưa ra các tùy chọn mức độ "mất tích" mà khách muốn.
Brendan Drewniany, giám đốc truyền thông của Black Tomato, cho biết khách sẽ từ bỏ điện thoại di động, chỉ sử dụng điện thoại vệ tinh. Họ sẽ được theo dõi bởi một nhóm chuyên gia từ xa. Công ty còn ký kết hợp đồng với cựu lính thủy quân lục chiến để sẵn sàng giúp khách hàng khi cần thiết.
Drewniany nói với trang Insider: "Điều đó sẽ giúp giảm bớt cảm giác sợ hãi trước một vùng đất xa lạ, nhưng vẫn đủ phấn khích cho những người muốn trải nghiệm cảm giác thám hiểm. Dịch vụ này thực chất cũng giống xu hướng du lịch ngắt kết nối kỹ thuật số thông thường, nhưng theo cách triệt để hơn".
Giá dịch vụ dao động từ 15.000 đến 100.000 USD một người, tùy vào thời gian và mức độ phức tạp của chuyến đi. "Chúng tôi xây dựng nhiều lớp theo dõi và đảm bảo an toàn cho khách hàng", Drewniany cam kết.
Du lịch Nam Cực: 30.000 USD (705,6 triệu đồng)
Những du khách giàu có cũng có thể chọn khám phá Nam Cực. Công ty Intrepid Travel cung cấp dịch vụ này với mức giá 30.000 USD một người cho chuyến đi kéo dài 3 tuần. Trong hành trình, du khách sẽ được đi qua vùng nước đặc biệt "phấn khích".
Ngoài ra, phóng viên của Insider, cũng từng trải nghiệm gói tương tự với mức giá cao hơn một chút, kể lại điều nguy hiểm nhất của chuyến đi là thời tiết có thể "lật mặt" nhanh chóng. Du khách có thể trải nghiệm "bầu trời đầy nắng" và "dông tố bão tuyết" chỉ trong một thời gian ngắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận