11/03/2012 02:43 GMT+7

"Dự án bác Lê"

VŨ HỮU LÊ
VŨ HỮU LÊ

TT - "Giàu cũng đã giàu rồi, nghèo thì cũng từng trải qua, tôi chỉ mong muốn để lại cho bà con cái gì đấy". Đến Yên Bái hỏi những người trồng nấm, ai cũng biết ông Vũ Hữu Lê. Nhờ ông, nhiều người đã thoát nghèo...

K4sOElXP.jpgPhóng to
Ông Vũ Hữu Lê bên những túi trồng nấm giúp nhiều người nghèo ở Yên Bái thoát nghèo - Ảnh: Hương Giang

1. “Nhờ bác Lê đấy...”

"Giàu cũng đã giàu rồi, nghèo thì cũng từng trải qua, tôi chỉ mong muốn để lại cho bà con cái gì đấy"

Hai vợ chồng chị Thủy - anh Thùy lấy nhau đã mười mấy năm. Gặp nhau lúc hai bàn tay trắng. Hai người mượn đất của một bà chị họ, lấy cọ lấy cây sẵn có lợp mái ấm cho mình trên mảnh đồi cheo leo bên bờ suối. Cuộc sống đơn sơ và chật vật với hai đứa con một trai một gái cứ lặng lẽ trôi qua.

Mãi cách đây hơn một năm, hai người mới sắm được tủ lạnh - vật dụng hiện đại có giá trị đầu tiên trong gia đình. Chiếc tủ lạnh mới cứng, sáng bóng chẳng ăn nhập vào đâu với căn nhà tối om, lại không phải để cất thức ăn hay làm đá. Nhiệm vụ duy nhất của nó là chứa những túi nấm giống quý báu trong những ngày hè nóng nực. Chỉ vào chiếc tủ, chị Thủy nói: “Nhờ có dự án bác Lê đấy”.

Cách đó không xa, bà Phạm Thị Cầu, 71 tuổi, sống một mình. Tám người con của bà đều đã yên bề gia thất và sống riêng mỗi người một nơi. Bà từng làm nhiều việc để xoay xở với cuộc sống, lúc trồng rau, lúc trồng lúa, lúc lại tham gia dự án trồng keo nhưng không lúc nào đủ ăn đủ mặc. Cách đây không lâu, cả năm bà chỉ kiếm được 1-2 triệu đồng. Nay bà Cầu không còn làm ruộng như trước nhưng lúc nào cũng tất bật với hơn 10.000 bịch nấm treo khắp gian trong gian ngoài. Chị Thơm hàng xóm bảo cánh chị em tuổi con cháu ở xung quanh không ai bắt kịp sức làm việc của bà. Sau hơn một năm tham gia “dự án bác Lê”, năm ngoái bà để được hơn 10 triệu. “Lần đầu tôi có nhiều tiền như thế cô ạ” - bà Cầu cười móm mém.

Đi khắp xóm Con Cá ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, ai cũng nhắc đến bác Lê. Người đàn ông 78 tuổi này được mệnh danh là “vua nấm” của Yên Bái khi thành công trong việc đưa nghề trồng nấm kỹ thuật mới tới các gia đình thuần nông. Hiện có khoảng 150 hộ gia đình tham gia trồng nấm. Riêng sáu tháng đầu năm ngoái, sản lượng nấm của thành phố đạt 128,5 tấn nấm tươi các loại, vừa mộc nhĩ, nấm sò và linh chi. Vụ xuân năm 2011, toàn thành phố có 121 cơ sở nuôi trồng nấm, trong đó có 43 hộ nghèo và cận nghèo. Ông Lê thu gom toàn bộ số nấm các gia đình trồng, phân phối cho thị trường Yên Bái và Hà Nội. Lượng nấm làm ra không đủ tiêu thụ cho thị trường nội địa.

2. Thuyết phục Quỹ thách thức Việt Nam

“Ông ấy thật sự có đầu óc cải tiến - anh Buddhika Samarasinghe từ dự án Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo (Market for Poor) nói - Cách làm của ông Lê còn tốt hơn cả những thứ ông ấy học được từ các khóa đào tạo”. Năm 2009, ông Vũ Hữu Lê, khi đó đã 75 tuổi, tham dự một khóa tập huấn về trồng nấm. Ông nhận thấy đây là một lối mở cho nông dân, nhất là ở Yên Bái nơi người dân nhiều xã có rất ít đất trồng lúa, thời gian nông nhàn nhiều, lao động thừa mà hoàn cảnh kinh tế nhiều hộ rất khó khăn.

Trở về, ông mày mò cách làm, tự thử nghiệm trong chính xưởng cơ khí của mình tất cả các quy trình trồng nấm từ A đến Z: từ làm mùn cưa nuôi nấm, đóng bịch, phát triển hệ thống tưới nước đến hệ thống sấy nấm. Thấy thành công, ông lên kế hoạch đi vay tiền mở rộng quy mô để bán nấm ra thị trường.

“Người ta thấy tôi già quá nên không cho vay” - ông Lê cười nhớ lại những ngày đầu đi gõ cửa các ngân hàng thương mại. Nhưng đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ở thành phố, một cánh cửa mới mở ra: “Đến đây người ta lại bảo tôi già như thế mà “tây” còn hỗ trợ cho làm dự án thì cũng đáng tin tưởng”. “Tây” ở đây chính là dự án Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo và Quỹ thách thức Việt Nam do Bộ Phát triển quốc tế Anh và Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ.

Từng tham gia nhiều dự án khác nhau, ông Lê bảo cách làm của Quỹ thách thức cũng là một động lực khiến ông buộc phải thành công với dự án nấm của mình: “Chỗ khác người ta cho tiền rồi mình mới làm, còn ở đây tôi phải triển khai thành công giai đoạn đầu họ mới bắt đầu hỗ trợ”. Sau một năm kiểm chứng dự án trồng nấm của ông Lê, Quỹ thách thức Việt Nam không ngần ngại góp 49% kinh phí để ông tiếp tục mở rộng mô hình này ra các hộ khác của Yên Bái.

Có sẵn xưởng cơ khí lâu năm của công ty mình, ông Lê - vốn có nhiều kinh nghiệm sáng chế máy móc nông nghiệp - bắt tay vào nghiên cứu thiết bị cho công nghệ trồng nấm độc đáo của mình. Để nuôi nấm, toàn bộ nguyên liệu sẵn có, dễ tìm và rẻ tiền của địa phương được tận dụng. Yên Bái có nghề gỗ nên chỗ nào cũng có mùn cưa. Ông Lê chế ra máy trộn mùn này với vôi và cám gạo, cám ngô rồi đóng vào bịch nilông chịu nhiệt. “Hạt giống” được đưa vào các bịch như vậy và treo lên giàn. Thay vì dùng bình tưới thủ công rất mất thời gian, ông tiếp tục thiết kế hệ thống tưới nước từ trên trần nhà có thể tưới hàng ngàn bịch cùng lúc.

Riêng máy sấy, ông mất gần ba năm nghiên cứu, một năm thực hiện và vài lần thất bại mới cho ra đời thành công. Hệ thống này rất hữu ích vì giúp nông dân làm nấm được quanh năm, nhất là những ngày đông thời tiết mưa ẩm, giá rét ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Dùng đầu vào là củi đun trong lò kín, kết nối với ống thông và hệ thống quạt đẩy khí nóng đi khắp phòng, hệ thống đủ sức sấy khô cho hàng trăm kệ để nấm. Quy trình hoàn thiện, ông hướng dẫn các hộ gia đình cách làm, chăm sóc và thu hoạch.

3. Tuổi 78 không ngơi nghỉ

Nếu không được giới thiệu trước về ông, ít ai có thể ngờ người đàn ông nhanh nhẹn và năng động này năm nay đã 78 tuổi. Hằng ngày ông vẫn tự điều hành xưởng cơ khí của mình để sản xuất máy sấy chè, vò chè, máy băm cành lá quế, máy làm miến... cho nông dân khắp các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ... Ông cũng tự mình rong ruổi lái ôtô đi khắp nơi gặp gỡ đối tác, khách hàng. Được sự ủng hộ của UBND TP, ông mở rộng các hộ trồng nấm sang nhiều xã và thời điểm này ông đang thí điểm dự án ở một số huyện xã đông đồng bào người Dao. Thận trọng tính toán, ông bảo không thể đốt cháy giai đoạn làm rộng khắp các nơi một lúc vì cái gì ồ ạt quá cũng dễ thất bại.

Giờ đây, UBND TP đang tích cực vận động bà con trồng nấm và khuyến khích công ty của ông Lê là Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà đầu tư xây dựng cơ sở nhân giống cấp I, cấp II, để chủ động về giống và liên kết thu gom, tiêu thụ sản phẩm. Để giúp các hộ gia đình yên tâm tiếp tục theo nghề, ông Lê cũng đã xin được UBND TP hỗ trợ ximăng và thép, còn phần ông góp bêtông để xây nhà nuôi nấm. Ông Tạ Văn Long, phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nói đây là một mô hình tiêu biểu cho định hướng phát triển nông nghiệp ngành nghề mới và nông nghiệp chế biến của tỉnh.

Dự án đã nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh cho việc nâng cao chất lượng và mức độ chế biến của vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô, thêm số hộ và thêm huyện khác tham gia. UBND tỉnh cũng kêu gọi các công ty tư nhân của Anh tham gia đầu tư mặt hàng này của Yên Bái để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong khi đó, chị Nguyễn Hương Trà, cố vấn giám sát và đánh giá của Quỹ thách thức Việt Nam, khẳng định dự án trồng nấm của ông Lê đã “tốt nghiệp” chương trình của quỹ: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ rủi ro, tức là tham gia hỗ trợ giai đoạn đầu. Giờ đây dự án đã chứng minh tính khả thi và thuyết phục được các ngân hàng thương mại chấp nhận cấp vốn thì việc triển khai tiếp theo là do chính công ty thực hiện”.

“Lấy cơ khí nuôi nấm là lợi đơn lợi kép” - ông Lê không ngại thừa nhận. Làm giám đốc cơ khí lại đi trồng nấm, ông tận dụng được khả năng và kinh nghiệm sản xuất, phân phối của mình để giúp hàng trăm hộ gia đình cải thiện đời sống kinh tế. Chi phí cho mỗi bịch nấm chỉ khoảng 2.000 đồng, mỗi bịch thu được từ sáu đến tám lạng nấm, tùy vào loại nấm là mộc nhĩ, nấm sò hay linh chi, mỗi vụ với vài ngàn bịch nấm cũng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho các hộ gia đình. “Giàu cũng đã giàu rồi, nghèo thì cũng từng trải qua, tôi chỉ mong muốn để lại cho bà con cái gì đấy” - tâm nguyện của “vua nấm” Yên Bái giờ đây đã trở thành hiện thực.

WTAW0Iya.jpgPhóng to

Ở xã Giới Phiên, các hộ cùng nhau “đổi công” để hợp sức nuôi nấm - Ảnh: Hương Giang

Cách làm mới trên con đường cũ

“Làm nấm không phải là ý tưởng mới nhưng nhiều dự án chỉ giúp nông dân ở khâu sản xuất và dừng lại ở đó chứ không giải quyết đầu ra, thị trường, phân phối cho họ. Thường thì các dự án của viện này viện kia hay hướng dẫn nông dân cách trồng nấm tối ưu nhưng lại không phải là cách thiết thực nhất. Cách tốt nhất là một phương pháp ở mức vừa phải để thu hút sự quan tâm của người dân trước, sau đó dần dần cải tiến lên tiêu chuẩn cao hơn” - anh Buddhika, chuyên gia của dự án Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo, giải thích về yếu tố dẫn đến thành công của dự án trồng nấm của ông Lê.

VŨ HỮU LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên