Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, là một trong những nơi sếu về kiếm ăn trong suốt hơn 30 năm, nhưng hiện nay sếu đầu đỏ về mỗi năm rất ít. Lần gần đây nhất vào năm 2021, có ba con về vườn. Năm 2022 sếu hoàn toàn vắng bóng và đến nay vẫn chưa ghi nhận sếu về Tràm Chim.
Theo văn bản ký kết, UBND tỉnh Đồng Tháp giám sát về mặt chính quyền, cung cấp tài chính và quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim trong việc thực hiện phục hồi sếu đầu đỏ.
Hội Sếu quốc tế và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam sẽ tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ chăm sóc và thả sếu.
Hằng năm, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan sẽ cung cấp sếu đầu đỏ để nuôi tiếp và thả về tự nhiên. Trong đó, bao gồm việc chuyển giao sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Văn bản hợp tác có hiệu lực trong 5 năm, các chuyên gia cam kết hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện chương trình phục hồi sếu đầu đỏ, lộ trình thực hiện cấp bách và lâu dài, phân kỳ mục tiêu dự kiến đạt được trong 10 năm.
Ông Nguyễn Phước Thiện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết việc phát triển du lịch gắn với chương trình phục hồi sếu đang được tỉnh hướng tới để phục hồi hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Tràm Chim, bên cạnh đó sẽ rà soát lại vùng đệm để phát triển sinh kế, kinh tế - xã hội của địa phương.
Sếu đầu đỏ được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Tại Campuchia và Việt Nam, cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022 ghi nhận sếu đầu đỏ suy giảm xuống dưới 160 con.
Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan đã nuôi nhốt, thả thành công hơn 150 con sếu về tự nhiên có thể tự sinh sản trong suốt bốn năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận