09/07/2023 14:59 GMT+7

Dòng sông trong thơ của Hoài Vũ

Ở tuổi U90, nhà thơ Hoài Vũ vừa được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu quyển thơ Thì thầm với dòng sông.

Nhà thơ Hoài Vũ trong buổi giới thiệu tập thơ Thì thầm với dòng sông - Ảnh: T.T.D.

Nhà thơ Hoài Vũ trong buổi giới thiệu tập thơ Thì thầm với dòng sông - Ảnh: T.T.D.

Rất nhiều người tham gia buổi ra mắt bất ngờ khi nhà thơ lão thành với nhiều vần thơ sống cùng thời gian xúc động nói 60 năm cầm bút, lần đầu tiên trong đời ông được vinh hạnh có buổi ra mắt sách trong không khí đầm ấm và xúc động như thế này.

Người xứ Quảng mà tưởng dân... Long An

Trước đó, khoảng năm 2021, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam và Mibooks ấn hành hai tác phẩm của ông là Gái thời chiến và Hoa trong tuyết. Đến nay cũng chính đơn vị này hỗ trợ để thực hiện quyển thơ Hoài Vũ Thì thầm với dòng sông.

Theo chia sẻ của nhà văn Trần Nhã Thụy trên trang cá nhân thì nhà thơ có lòng tự trọng muốn bỏ tiền túi tự in thơ.

Tuy nhiên, các "hậu bối" như Trần Nhã Thụy, Phan Hoàng, Lê Sa Long... với lòng kính trọng nhà thơ Hoài Vũ đã tự bảo nhau tìm nguồn tài trợ xã hội hóa để tập hợp và lưu lại những tác phẩm vô cùng giá trị của nhà thơ Hoài Vũ.

Nếu không xem tiểu sử của Hoài Vũ có lẽ nhiều người lầm tưởng ông là người miền Nam và là người con của đất Long An. Bởi khi vào miền Nam, chiến trường ông gắn bó nhất chính là mảnh đất Long An, nơi là vùng đệm bảo vệ Sài Gòn nên chịu rất nhiều đau thương, mất mát.

Khoảng phân nửa tập thơ (hơn 60 bài) của ông đều có bóng dáng của dòng sông, đặc biệt là sông Vàm Cỏ.

Đó là con sông biểu tượng của tỉnh Long An, là con sông mà trong những khoảnh khắc vượt sông luôn là những giây phút sinh tử đáng nhớ của chàng trai đất Quảng. Sông không chỉ là sông, là kênh rạch chằng chịt che chở cho người chiến sĩ.

Mà sông còn là nhân chứng sống, ôm ấp bao câu chuyện đau thương, khốc liệt của cuộc chiến. Sông đã thật sự lay động trái tim nhạy cảm của chàng thi sĩ trẻ.

Những dòng kênh, dòng sông Long An nhìn thơ mộng, chảy yên ả, thanh bình thế nhưng đến mùa khô, nước rút hết thì dưới đáy sông lộ lên những bộ xương cốt của anh em mình.

Nhà thơ Hoài Vũ rưng rưng nói

Và vì thế, sông cứ lặng lẽ chảy tràn qua những tác phẩm của Hoài Vũ như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Thì thầm với dòng sông, Đi trong hương tràm, Gửi Bến Lức...

Mỗi bài thơ là một câu chuyện

Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể rằng năm 1964, ông tình cờ nghe người ta ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời ông cũng có bản giấy bài thơ in trên báo Nhân Dân.

Quá rung động với những vần thơ vừa hùng hồn nhưng cũng rất sâu lắng, giàu cảm xúc, trong đêm đó ông đã phổ nhạc thành ca khúc Vàm Cỏ Đông nổi tiếng cho đến ngày hôm nay.

Năm 1964 là thời gian Hoài Vũ tiếp cận với chiến trường Long An chưa được bao lâu mà đã sáng tác ra bài Vàm Cỏ Đông hay như thế, chứng tỏ ông đã... phải lòng Vàm Cỏ như một định mệnh.

Nhà thơ Ngô Xuân Hội bày tỏ rằng: "Thơ Hoài Vũ cũng như con người ông, không làm dáng, làm điệu, không màu mè, lấy cảm xúc chân thành làm thế mạnh. Nhờ thế, khi thăng hoa, những cảm xúc ấy được rót thẳng vào trái tim người đọc".

Nhận xét của Ngô Xuân Hội được nhiều người đồng tình.

Bởi cảm xúc thật nên mỗi bài thơ của Hoài Vũ đều có câu chuyện riêng và mỗi khi nhắc đến ông vẫn còn rơi nước mắt. Cảm xúc đó có sức lan tỏa mãnh liệt nên các nhạc sĩ tên tuổi đã nhanh chóng đồng cảm, phổ thành bài hát như Thuận Yến với Chia tay hoàng hôn, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông; Phan Huỳnh Điểu với Anh ở đầu sông em cuối sông, Người ấy bây giờ đang ở đâu?, Tình ca Đambri...

Nhà thơ trẻ Võ Mạnh Hảo, người con đất Long An, nói về nhà thơ Hoài Vũ với lòng kính trọng: "Thơ bác Vũ mộc mạc, chân thành. Đọc bài thơ là cứ như cảm được giai điệu.

Tính nhạc trong thơ của bác rất mạnh, hỏi sao không tạo hứng thú cho các nhạc sĩ tên tuổi khai thác thơ bác".

Có thể nói, từ thơ Hoài Vũ và được chắp cánh thêm bằng âm nhạc mà hình ảnh sông Vàm Cỏ, hình đất và người Long An vượt thoát ra khỏi địa phương để cả nước biết đến và yêu mến.

Từ lâu, nhiều người đặt vấn đề với khối lượng tác phẩm và sự cống hiến to lớn của Hoài Vũ với nghệ thuật nước nhà sao vẫn chưa có giải thưởng xứng đáng.

Thế nhưng nhà thơ Hoài Vũ vẫn cười hiền lành, khiêm tốn: "Từ những tác phẩm, quyển sách tôi đã nhận quá nhiều tình cảm của anh em bạn nghề, độc giả xa gần, đó là phần thưởng hết sức quý giá của tôi rồi. Thời gian còn lại, có thể làm gì được thì vẫn cứ làm để xứng với tình cảm mọi người dành cho mình thôi!".

Nhà thơ Hoài Vũ tên thật Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 tại Quảng Ngãi. Năm 11 tuổi ông theo cách mạng, tập kết ra Bắc, được học về báo chí và vượt Trường Sơn trở về miền Nam năm 1964.

Không chỉ là người lính, ông còn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và dịch giả, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở Hội Nhà văn Việt Nam và từng là phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nhiều người đề xuất giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Hoài VũNhiều người đề xuất giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Hoài Vũ

Sáng 1-7, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức buổi giao lưu và giới thiệu tập thơ Thì thầm với dòng sông của nhà thơ Hoài Vũ. Tại buổi giao lưu, nhà thơ Lương Minh Cừ đề xuất nên trao tặng giải thưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên