24/01/2021 14:24 GMT+7

Chất văn chương vắt qua thời hậu chiến

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà văn, dịch giả Hoài Vũ vừa ra mắt hai tập sách dày dặn vừa đúng dịp mừng tuổi 85 của mình: Hoa trong tuyết và Gái thời chiến.

Chất văn chương vắt qua thời hậu chiến - Ảnh 1.

Hai tập sách của Hoài Vũ vừa ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN

Viết truyện ngắn và dịch văn xuôi Trung Quốc là hai mảng thuận tay của Hoài Vũ, ngoài thành tựu về thơ vốn được công chúng biết đến qua các ca khúc quen thuộc phổ từ thơ ông như: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm...

Từ vài thập niên trước, khi đất nước bước qua thời đổi mới, một số tạp chí bắt đầu phổ biến dòng văn học hiện đại Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Hoài Vũ là một dịch giả được đón nhận nồng nhiệt. 

Ông đã chọn dịch nhiều tác phẩm độc đáo của nhiều nhà văn Trung Quốc xuất sắc. Trên địa hạt văn chương, chọn dịch tác phẩm nào của những tác giả nào phản ánh tầm nhìn và cả độ nhạy của dịch giả. 

Chính ở phương diện này, Hoài Vũ đã nỗ lực đưa rất nhiều truyện ngắn hiện đại của Trung Quốc đến với bạn đọc Việt Nam. Hành trình ấy tuy kéo dài trong nhiều năm nhưng phổ biến rải rác. Nay ông tuyển lại in thành tập Hoa trong tuyết.

Bạn đọc sẽ có dịp đọc lại những áng văn chương từng làm xúc động độc giả từ hơn hai mươi năm trước như Nữ điền chủ cuối cùng của Thụy Cao, Loạn luân của Lỗ Nhan Châu, A-sư-ma bé bỏng của Lâm Bân và cả Đèn lồng đỏ treo cao của Tô Đồng, là tác phẩm từng được chuyển thể thành phim, gây tiếng vang trong giới điện ảnh quốc tế. 

Truyện ngắn hiện đại Trung Quốc phản ánh cách nhìn của một đội ngũ cây bút giàu chất văn chương, có chiều sâu mỹ cảm và nhân văn, lại linh hoạt trong cách tiếp cận các vấn đề gai góc từ lịch sử. 

Chính vì vậy, những tác phẩm viết về thời kỳ cách mạng văn hóa được phổ biến tại Trung Quốc và đến Việt Nam qua bản dịch của Hoài Vũ chẳng những khiến cho bạn đọc trong nước thích thú mà giới cầm bút cũng qua đó có thêm các gợi mở về thao tác khai thác đề tài cho văn chương.

Gái thời chiến gồm các truyện ngắn lấy cảm hứng từ thực tế cuộc chiến tranh Việt Nam. Nét riêng của truyện ngắn Hoài Vũ ở đây là chạm đến nhiều tình tiết nằm sâu trong lòng người trở thành một "mặt hậu" của chiến tranh. 

Đó là sự áy náy của anh giải phóng quân khi phải lấy xuồng của dân và mặc dù tính mệnh đang ngàn cân treo sợi tóc, anh vẫn chọn cách nhờ người trả lại xuồng (Người Sài Gòn). 

Hay ở truyện ngắn Tiếng sáo trúc, tác giả đã bắt được một cái tứ hết sức độc đáo làm sườn cốt cho truyện: Tiếng sáo trúc của cậu bé giao liên cất lên trong lúc địch và ta giáp nhau, sống chết xảy ra liền kề không có lằn ranh, một cậu bé thiếu niên đã phải tham chiến với tất cả trí thông minh và kinh nghiệm trận mạc thành thạo còn hơn cán bộ "cấp trên". 

Thế nhưng bom đạn chết người không làm mất đi sự hồn nhiên thô phác của những người dân quê nhỏ bé nhất, tiếng sáo len lỏi qua cửa ngõ tử thần, len qua mánh khóe của địch, cất lên lúc vượt thoát an toàn...

Đọc Hoài Vũ, thấy chất văn chương từ một người trong cuộc như ông vắt qua thời hậu chiến, với ngồn ngộn chi tiết độc đáo mà các thế hệ sau muốn tìm hiểu về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam, chắc chắn phải tìm đọc ông như một lối vào không thể thiếu.

50 ý tưởng triết học: lôi cuốn và hài hước 50 ý tưởng triết học: lôi cuốn và hài hước

TTO - Hãy tưởng tượng một nhà khoa học độc ác tách bộ não của một con người và đưa vào chiếc bình đựng dưỡng chất. Đầu dây thần kinh được nối với siêu máy tính, khiến anh ta có ảo giác mọi thứ vẫn là thật.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên