27/08/2015 10:37 GMT+7

Đồng phục và sự thanh cao của giáo dục

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Câu chuyện đồng phục mà Tuổi Trẻ đưa ra thật ra chỉ là nỗi bức xúc “đến hẹn lại lên”, khi năm nào phụ huynh cũng nêu câu hỏi: Sao mà giá cả đắt hơn bên ngoài nhiều quá?

Phụ huynh chọn mua đồng phục cho con em

Sao mà thay đổi xoành xoạch, khiến đứa em không xài được đồ của anh để lại? Sao mà đồng phục tới cả giày dép, đồ ngủ đối với học sinh bán trú?...

Đọc qua hàng trăm email của bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ xoay quanh chủ đề đồng phục đầu năm học mới, chúng tôi thấy sự bức xúc của phần lớn các bậc phụ huynh nằm ở chỗ chênh lệch giá giữa đồ mà trường ép mua so với thị trường, chứ không phải có nên mặc đồng phục hay không...

Từ đó, tôi tin rằng nếu như trường nào cũng trong sáng, vô tư theo kiểu công bố kiểu, mẫu đồng phục cho phụ huynh rồi tùy nghi họ tự may, tự mua cũng chẳng sao, còn không thì mua của trường với giá chênh lệch vừa phải thì có lẽ chuyện đồng phục chẳng còn là nỗi bức xúc mà mỗi năm cứ vào cuối thu là nó đúng hẹn lại lên!

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 mới về hưu mà tôi phải hứa không nêu tên thì chị mới “rút ruột gan” nói hết.

Chị kể: “Cũng muôn hình vạn trạng lắm. Có hiệu trưởng thì vẽ vời đồng phục đủ loại, ký hợp đồng với các nhà cung cấp rồi buộc phụ huynh phải mua đồ của nhà trường với giá chênh lệch cao ngất ngưởng như Tuổi Trẻ đã phản ánh, có thể cao hơn đến 40% so với giá thị trường.

Mấy vị hiệu trưởng này giàu lắm. Cũng có hiệu trưởng chỉ cho phép chênh lệch tối đa 10% so với giá thị trường nhằm tạo một nguồn quỹ chăm lo đời sống. Những người này chiếm số đông.

Và cuối cùng, đó là một số ít hiệu trưởng như ông Lương Ngọc Duy của Trường THPT Diên Hồng, làm giống như ngày xưa, cứ quần xanh áo trắng đơn giản và phụ huynh cứ tự may, mua lấy”.

Tôi đặt thẳng câu hỏi với vị hiệu trưởng vừa nghỉ hưu là chị đã xử lý vấn đề này thế nào, chị thẳng thắn nói: “Với tư cách một hiệu trưởng, tôi nào chỉ có mỗi chuyện chăm lo cho học sinh, mà còn phải chú ý đến đời sống của thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trong trường nữa chứ.

Tết đến, liệu tôi có yên tâm được không nếu không lo được cho mỗi người 2 triệu đồng tiền tết? Nhưng lo thì biết lấy vào đâu, ngoài những chút hoa hồng nho nhỏ từ bán đồng phục, bán sách...?

Dĩ nhiên, giá mà đừng làm như thế vẫn hay hơn, nhưng đến đây lại đụng phải chuyện cơm áo gạo tiền của nhà giáo nói bao năm rồi cũng vẫn thế”.

Vâng, nếu chuyện đồng phục cứ để cho các trường tùy nghi, và tất cả đều biết nghĩ đến phụ huynh nghèo thì chẳng có gì phải bàn.

Nhưng trong tình hình thực tế là có không ít trường tranh thủ “bắt chẹt” phụ huynh bằng đủ thứ chiêu trò, có lẽ Sở GD-ĐT nên đưa ra một quy định thống nhất: các trường công lập chỉ có một mẫu đồng phục quần (hoặc váy đối với nữ sinh) xanh, áo trắng chẳng hạn, và phụ huynh tự may sắm; trường chỉ bán phù hiệu.

Vẫn biết đó chưa phải là cách hay, nhưng thà thế mà giữ cho môi trường sư phạm một sự thanh cao, không nhuốm mùi tiền!

Nhân đây, cũng xin thông tin là trên Tuổi Trẻ Online có cuộc khảo sát về chuyện này với ba câu hỏi (1- Sở GD-ĐT quy định chung đồng phục cho các trường công. 2- Mỗi trường có đồng phục riêng. 3- Ý kiến khác) và đến chiều qua thì phương án 1 chiếm đa số với 56,4%.

Kết quả khảo sát trên Tuổi Trẻ online đến sáng 27-8
HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên