02/02/2023 08:07 GMT+7

Đồng Nai thiếu đất cho nhà đầu tư?

Sau khi rớt khỏi vị trí top 5 về thu hút FDI, tỉnh Đồng Nai tiếp tục lo lắng thiếu quỹ đất để cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước (FDI) thuê đất.

Đồng Nai thiếu đất cho nhà đầu tư? - Ảnh 1.

Đồng Nai đang thiếu đất tại các KCN để thu hút những nhà đầu tư lớn - Ảnh: Hà Mi

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp (KCN) đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là các KCN ở những địa bàn trọng điểm như Long Thành, Biên Hòa, Nhơn Trạch.

Vừa qua, Tập đoàn Lego bỏ Đồng Nai qua Bình Dương là sự cảnh tỉnh trong thu hút đầu tư.

Ông Châu Minh Nguyện (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai)

Nhiều khu công nghiệp mới đang chờ đất

Thời gian qua, Đồng Nai đã tiếp cận và làm việc với một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến và có nhu cầu đầu tư vào địa phương này nhưng không còn quỹ đất để bố trí, giới thiệu cho các nhà đầu tư. Ngay cả KCN công nghệ cao Long Thành cũng chỉ mới giao đất được một phần, phần còn lại đang bồi thường giải phóng mặt bằng, do đó chỉ có thể kêu gọi được các dự án quy mô nhỏ.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương này đã quy hoạch đến 40 KCN, trong đó có 32 KCN được thành lập. Riêng 8 KCN mới (gồm Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn), với tổng diện tích hơn 8.200ha, đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, các KCN trên đều gặp các vướng mắc thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… Trong đó, đa số các vấn đề bị vướng thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ và Chính phủ.

Chẳng hạn, KCN Phước Bình 2 (huyện Long Thành) có khoảng 294ha liên quan đến đất cao su nhưng do không có quy định về xử lý đất cao su nên Đồng Nai không xác định được dự án thuộc trường hợp đấu giá hay đấu thầu, phải đợi các bộ ngành hướng dẫn. "Nếu các KCN mới chậm triển khai, vài năm tới Đồng Nai sẽ gặp khó khăn trong thu hút đầu tư vào các KCN vì không còn đất cho nhà đầu tư trong nước, nước ngoài thuê. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế", vị này nói.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho hay các KCN đang hoạt động đã có tỉ lệ lấp đầy khoảng 85%, phần diện tích còn lại chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư cần quỹ đất lớn. 

Theo ông Nguyên, các tập đoàn lớn không chỉ quan tâm đến quỹ đất mà còn lưu tâm đến hệ sinh thái của KCN như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, nhà ở cho công nhân, hệ thống thương mại dịch vụ kèm theo... Trong khi đó, các KCN đã có nhà đầu tư lại chưa đảm bảo đủ các yếu tố thu hút các nhà đầu tư lớn.

Mất 3-5 năm nữa, nhà đầu tư lớn mới vào lại?

Cảnh báo về việc thiếu quỹ đất cho thuê, ông Châu Minh Nguyện, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho rằng nhiều năm nay Đồng Nai tự hào về thu hút FDI nhưng quỹ đất cho thuê cạn kiệt và những bất cập trong chính sách đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư. 

"Vừa qua, Tập đoàn Lego bỏ Đồng Nai qua Bình Dương là sự cảnh tỉnh trong thu hút đầu tư. Diện tích đất cho thuê còn lại trong các KCN thì "đầu thừa, đuôi thẹo" nên không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp muốn vào đầu tư. Tôi dự báo phải mất ít nhất 3-5 năm nữa Đồng Nai mới có quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp trở lại", ông Nguyện cảnh báo. 

Cũng theo ông Nguyện, Đồng Nai đã nhìn thấy cơ hội thu hút đầu tư nên quy hoạch thêm 8 KCN để kéo nhà đầu tư vào địa bàn "nhưng các thủ tục về đất đai rất phức tạp, mất nhiều thời gian". Trong đó, riêng việc đền bù đất, giải tỏa để làm KCN là vấn đề phức tạp nhất.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, các vướng mắc trong việc lập 8 KCN mới đến nay vẫn chưa có hướng ra, trong khi quỹ đất còn lại cho thuê ít, chưa phù hợp để thu hút doanh nghiệp. Vì vậy, đến nay tỉnh đã chỉ đạo lập một tổ công tác để đến từng địa phương ghi nhận, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án KCN mới.

 Cũng theo ông Nguyên, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra một số giải pháp khác để thu hút đầu tư như tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai đồng loạt các hạng mục công trình giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng, liên kết tỉnh (cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Biên Hòa - Vũng Tàu…) nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, thu hút dự án đầu tư.

Đồng thời hoàn thiện và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai, công khai quy hoạch tại các địa bàn xung quanh sân bay quốc tế Long Thành và công khai danh mục thu hút đầu tư, danh mục dự án đấu giá, đấu thầu để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia...

Đà Nẵng lập bản đồ số các dự án kêu gọi đầu tư

Ngày 1-2, bà Huỳnh Liên Phương, giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, cho biết vừa ra mắt phiên bản thử nghiệm bản đồ số các dự án kêu gọi đầu tư vào thành phố. Bản đồ có tên gọi VR360investDaNang trên nền tảng thực tế ảo tại địa chỉ https://vr360.com.vn/projects/xuc-tien-dau-tu/.

Các dự án thu hút đầu tư được trình bày toàn cảnh dưới dạng thực tế ảo rất trực quan về vị trí địa lý, cảnh quan xung quanh và các thông tin cơ bản về dự án.

Trong giai đoạn thử nghiệm, bản đồ tích hợp 12 dự án trọng điểm trong danh mục các dự án đang kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026 như cảng Liên Chiểu; không gian sáng tạo; trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn quốc tế; khu phức hợp trung tâm tài chính - thương mại - vui chơi giải trí - casino - chung cư cao cấp; trường tiểu học, THCS và THPT; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa chất lượng cao...

Theo bà Phương, cơ quan này đang chờ đón các ý kiến phản hồi, góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sở ban ngành và chính quyền các địa phương để hoàn thiện bản đồ. Trong giai đoạn 2, cơ quan này sẽ tiếp tục cập nhật thêm các dự án khác đang được thu hút đầu tư bổ sung thông tin, hình ảnh địa điểm thực tế của các dự án để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiềm năng xem xét, nghiên cứu.

TẤN LỰC

Đồng Nai lý giải nguyên nhân rớt khỏi ‘top đầu’ về thu hút đầu tưĐồng Nai lý giải nguyên nhân rớt khỏi ‘top đầu’ về thu hút đầu tư

Quỹ đất trong các khu công nghiệp còn lại thấp, nhỏ lẻ nên rất hạn chế đối với nhà đầu tư cần quỹ đất lớn. Trong đó, nhà đầu tư Lego đã bỏ sang Bình Dương sau ba năm chờ đợi mặt bằng không được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên