Phó trưởng DIZA Lê Văn Danh cho rằng cần ưu tiên tiêm mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19 cho công nhân để phục hồi sản xuất - Ảnh: A LỘC
Báo cáo tại cuộc họp giao ban phòng chống COVID-19 sáng 4-10, ông Lê Văn Danh - phó trưởng DIZA - cho biết đến nay có 1.254 doanh nghiệp trên tổng số 1.860 dự án trên địa bàn thực hiện "3 tại chỗ", còn khoảng 600 doanh nghiệp chưa hoạt động.
Đặc biệt, thực hiện văn bản mới nhất do UBND tỉnh ban hành, DIZA đã tập trung xử lý các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn với 32 doanh nghiệp được chấp thuận bổ sung 18.000 lao động đi về hằng ngày. Việc này DIZA phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương, tổ chức và tập trung vào doanh nghiệp lớn để giải quyết cho người lao động.
Cũng theo ông Danh, Đồng Nai được xem là "thủ phủ công nghiệp" với 31 khu công nghiệp và trên 630.000 lao động.
Thời gian tới nếu mở rộng phương án sản xuất cho lao động đi về hằng ngày thì việc phát sinh F0 sẽ tăng lên. Do đó, DIZA kiến nghị các địa phương xây dựng các khu cách ly, trung tâm y tế quy mô trong các khu công nghiệp để dần thay thế trường hợp mượn trụ sở, trường học, nhà trẻ.
Cũng theo ông Danh, rất nhiều doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm ưu tiên tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho công nhân để lực lượng này sớm được đi làm lại.
Công nhân Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hòa, Đồng Nai) ổn định sản xuất hơn 3 tháng nay với phương án "3 tại chỗ" - Ảnh: B.A.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn, hiệp hội doanh nghiệp cũng đề nghị Đồng Nai cần có lộ trình khi nào chấm dứt "3 tại chỗ" để tổ chức đi lại hằng ngày. Đồng thời, đề nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí xét nghiệm định kỳ bởi chi phí này của doanh nghiệp hiện nay rất lớn…
Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND Đồng Nai - nhận định thời gian qua, việc người dân kéo về quê là nhu cầu có thật. Do đó, trong lúc đang mở dần sản xuất cần chú trọng hơn công tác an sinh, tuyên truyền vận động người dân ở lại địa phương để trở lại sản xuất.
Ông Dũng cho biết đang lấy ý kiến thành viên ủy ban để sắp tới ủy quyền cho UBND cấp huyện, thành phố xem xét, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết 68 để chi hỗ trợ nhanh chóng hơn đến người lao động.
Giao DIZA tập trung hướng dẫn thủ tục được rõ ràng, giải quyết hồ sơ các doanh nghiệp để sớm mở rộng sản xuất, quay lại sản xuất.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Việc mở rộng ra để doanh nghiệp chủ động tính toán phương án sản xuất an toàn nhất. Chúng tôi ủng hộ các phương án đó nếu doanh nghiệp trình bày được phương án an toàn. Xem xét để phản biện, xử lý phương án an toàn hơn chứ không phải quy định ra để doanh nghiệp bị cản trở sản xuất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận