17/09/2022 07:56 GMT+7

Đơn thuốc khó đọc: Bác sĩ chữ xấu hay cố tình cẩu thả để vụ lợi?

PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Theo thạc sĩ Phạm Văn Chung, thực tế nhiều bạn bè, người quen của ông là bác sĩ nhưng chữ viết của họ rất rõ ràng, dễ đọc, thậm chí nhiều người chữ rất đẹp. Vậy bác sĩ kê toa thuốc chữ xấu có ý đồ gì?

Đơn thuốc khó đọc: Bác sĩ chữ xấu hay cố tình cẩu thả để vụ lợi? - Ảnh 1.

Một toa thuốc được bác sĩ viết tay với nét chữ ngoằn ngoèo, không phải là người trong ngành thì khó có thể đọc được - Ảnh: Bệnh nhân cung cấp

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.

Tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc nhưng rất khó đọc gần như đã thành "mặc định", được xã hội thừa nhận từ trước đến nay! Đến nỗi khi con cái viết chữ quá xấu thì các bậc phụ huynh thường mắng con là viết chữ gì mà xấu như chữ bác sĩ!

Tuy nhiên, nếu đơn thuốc viết tay mà chữ vòng vèo như cọng giá, lò xo đến nỗi những bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm cũng "bó tay" thì không thể chấp nhận được. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng một số bác sĩ cố tình viết chữ xấu, không ai đọc được nhằm mục đích trục lợi, với ý đồ xấu.

Vậy có phải cứ bác sĩ là viết chữ xấu hay không? 

Thực tế nhiều bạn bè, người quen của tôi là bác sĩ nhưng chữ viết của họ rất rõ ràng, dễ đọc, thậm chí nhiều người chữ rất đẹp. 

Qua tìm hiểu, trao đổi với nhiều người làm trong ngành y thì không phải bác sĩ là... chữ xấu, mà do bác sĩ thường phải học, viết tên thuốc theo tiếng nước ngoài hay gọi là thuốc Tây - tiếng Tây. 

Vì vậy, khi kê đơn các bác sĩ viết theo tiếng nước ngoài nên người khác thường khó đọc vì không biết ngoại ngữ mà thôi.

Do đó, các đơn thuốc viết tay không thể đọc được mà cư dân mạng đưa lên bàn tán thời gian gần đây, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng là do một số bác sĩ cẩu thả hoặc cố tình viết xấu để người khác không thể đọc được với mục đích không tốt. 

Đó là buộc người bệnh phải mua thuốc tại nơi chỉ định hoặc không thể lưu giữ để tham khảo mua thuốc về sau, mà buộc phải quay lại bác sĩ để tiếp tục khám, kê đơn... 

Ngoài ra, không loại trừ khả năng bác sĩ không nhớ tên thuốc, viết không chính xác tên thuốc có tiếng nước ngoài nên cố tình viết nguệch ngoạc và để cho các dược sĩ bán thuốc tự đối chiếu, tra cứu chính xác. 

Bên cạnh đó, cũng có một số ít bác sĩ do chữ xấu tự nhiên hoặc lớn tuổi nên chữ xấu đi hay kê vào thời điểm bệnh nhân quá đông nên viết vội, viết không đủ nét...

Tuy vậy, với bất cứ nguyên nhân nào thì việc "kê đơn thuốc mà không đọc được" đều không chấp nhận được, vi phạm y đức và gây những hệ lụy không tốt cho người bệnh. 

Đó là khi bệnh nhân cầm đơn thuốc đến nhà thuốc "không quen" hoặc nhà thuốc nhỏ lẻ, các nhân viên bán thuốc sẽ khó khăn trong việc đọc đơn thuốc, thậm chí bán nhầm thuốc. 

Khi đó sẽ rất nguy hiểm như có thể dẫn đến tình trạng dị ứng, gây tác dụng phụ, thậm chí có thể gây sốc phản vệ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.

Thiết nghĩ, trách nhiệm bác sĩ không chỉ tìm ra bệnh, chữa bệnh giỏi, mà việc kê đơn thuốc phải viết rõ ràng, không cần chữ phải đẹp nhưng phải đọc được. 

Bởi quá cẩu thả có thể dẫn đến kê toa thuốc nhầm gây chết người. Đồng thời, tiến tới buộc các phòng khám, bệnh viện khi kê toa bác sĩ phải in và lưu trữ hồ sơ trong máy vi tính. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường chấn chỉnh, giáo dục y đức, xử phạt hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng bác sĩ cẩu thả hoặc cố tình vụ lợi trong kê đơn thuốc ảnh hưởng đến bệnh nhân, cũng như gây dư luận xấu ảnh hưởng đến cả ngành y.

Ai đọc được chữ bác sĩ nguệch ngoạc như cọng giá? Ai đọc được chữ bác sĩ nguệch ngoạc như cọng giá?

TTO - Xoay quanh câu chuyện bác sĩ viết chữ trong đơn thuốc nhưng không ai đọc nổi, kể cả dược sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm, tất cả bạn đọc đều không chấp nhận điều này, dù với bất kỳ lý do gì.

                                              

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên