16/09/2022 07:37 GMT+7

Ai đọc được chữ bác sĩ nguệch ngoạc như cọng giá?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Xoay quanh câu chuyện bác sĩ viết chữ trong đơn thuốc nhưng không ai đọc nổi, kể cả dược sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm, tất cả bạn đọc đều không chấp nhận điều này, dù với bất kỳ lý do gì.

Ai đọc được chữ bác sĩ nguệch ngoạc như cọng giá? - Ảnh 1.

Một trang đơn thuốc viết tay của bác sĩ - Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Hơn một ngày sau khi bài viết "Đơn thuốc chữ xấu đọc không nổi, cả dược sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm đều "bó tay"", rất nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc, cho hay mình và người thân cũng từng là "nạn nhân" của những đơn thuốc có chữ viết tay nguệch ngoạc "như cọng rau, cọng giá" của bác sĩ.

Trong nỗi bức xúc này, nhiều bạn đọc cho rằng bác sĩ cố tình viết chữ xấu trong đơn thuốc là "chiêu trò xưa, tồn tại nhiều năm qua", đôi khi đơn thuốc còn được viết tắt hoặc thiếu chữ cái tên thuốc để người ta không xem được.

Bạn đọc Hà Thủy nêu ý kiến: "Theo tôi, bác sĩ viết đơn thuốc mà nhiều người đọc không ra là cố tình chứ không phải chữ xấu. Chữ xấu khác với chữ đọc không ra. Có người viết chữ xấu nhưng người khác vẫn đọc được.

Việc viết toa thuốc đọc không ra là nhằm ý phải mua thuốc tại nơi chỉ định. Toa thuốc cần được người bệnh lưu giữ để tham khảo về sau do đó bác sĩ phải viết rõ ràng, đó là trách nhiệm, không vì lý do bệnh nhân đông...".

Đồng ý với ý kiến của bạn đọc Hà Thủy, theo bạn đọc có nickname Lão Hạc, toa thuốc liên quan tới mạng sống, sức khỏe con người. Chữ xấu, chữ viết tắt nhưng phải đọc được. Bác sĩ có tâm thì kê toa để ai cũng đọc hiểu được chứ không phải kê toa chỉ để mình nhà thuốc của bác sĩ hiểu và bốc thuốc.

"Không phải chữ xấu mà là phải mua thuốc đúng nhà thuốc", bạn đọc Dovantha thẳng thắn nói.

Dẫn chứng thêm câu nói dân gian "xấu như chữ bác sĩ", bạn đọc tên Đạt cho rằng thực tế là như vậy. Ý đồ khi viết chữ xấu để không ai đọc được đã được chính "tác giả" bật mí khi nói: "Hầu hết đơn thuốc được mua tại khu vực phòng khám nên người bệnh cũng không phải hỏi lại. Không mua ở đây thì sẽ không mua ở đâu được rồi".

Còn theo bạn đọc tên Út, có 2 người chắc chắn đọc được toa thuốc đó là chính chủ và nhà thuốc. "Mánh này không mới và quanh quẩn đâu đó vẫn còn rơi rớt và tồn tại. Lâu lâu lại được nêu tên lên báo. Còn bình thường thì mọi chuyện vẫn là bình thường, và không "ai" rảnh để quan tâm", bạn đọc này nêu.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng bác sĩ cố tình viết chữ xấu để trục lợi, với nhiều bạn đọc đây là thói quen vô trách nhiệm, không vì lý do gì mà được phép cẩu thả. Bạn đọc Minh bất bình đặt câu hỏi: "Thuốc liên quan đến mạng người mà cẩu thả vậy. Nếu viết chữ vậy thì dùng máy vi tính chứ viết chữ xấu, lấy thuốc sai ảnh hưởng sức khỏe ai đền?".

Ai đọc được chữ bác sĩ nguệch ngoạc như cọng giá? - Ảnh 2.

Một đơn thuốc bác sĩ viết bằng tay với nét chữ vòng vèo mà bạn đọc so sánh như cọng giá, lò xo - Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng do bác sĩ không nhớ nổi tên thuốc nên không dám viết rõ tên thuốc, sợ lộ tẩy năng lực chứ không phải viết xấu. "Có bác sĩ đã thú nhận điều này. Họ không nhớ được tên thuốc đầy đủ nên viết nguệch ngoạc vậy để cho người bán thuốc tự hiểu", bạn Hải chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo quan sát của anh Nguyễn Thanh Bình thì toa thuốc rõ ràng là không phải là viết chữ xấu mà là viết không ra chữ.

"Thường viết chữ xấu là viết vẫn có chữ đàng hoàng nhưng từng âm tiết không đều nhau, chữ viết khi trồi lên, sụt xuống. Đằng này, chữ viết của bác sĩ nhìn giống như cọng rau, cọng giá, chẳng thấy có một âm tiết nào cả. Rõ ràng đây không phải viết chữ xấu mà là cầm cây bút quẹt quẹt trên trang giấy mà thôi", anh Bình phân tích.

Theo bạn đọc tên Tân, bác sĩ học đại học đến 6 năm mà viết chữ không ai đọc được là thiếu tôn trọng người khác.

Chẳng cần bác sĩ viết chữ đẹp, chỉ cần viết rõ ràng để bệnh nhân đọc được là mong muốn của bạn đọc Lâm Sung và anh Trí Nguyễn.

Đơn thuốc điện tử, bao giờ?

Giải pháp để khắc phục bác sĩ viết chữ đọc không nổi được bạn đọc nêu ra nhiều nhất là cần đơn thuốc điện tử. "Chuyển đổi số hết rồi nên đề nghị bác sĩ kê toa đánh máy đi", bạn Thùy Dương đề nghị. Còn bạn đọc tên Trần đặt câu hỏi: "Nếu chữ viết của bác sĩ quá xấu, sao bác sĩ không dùng máy tính để cho toa thuốc nhỉ?".

Theo anh Vũ Thắng, đơn giản ngành y tế cấp phần mềm cho các phòng mạch, quy định kê toa qua phần mềm hết để theo dõi. Nếu sau này sức khỏe bệnh nhân có bất ổn gì thì biết bác sĩ nào trị bệnh sau cùng và kê toa cho uống thuốc gì.

"Bắt buộc phòng mạch bác sĩ in toa và lưu trữ hồ sơ bằng máy tính sẽ không còn vấn đề này. Thời buổi này mà bác sĩ nại bất kỳ lý do gì để không sử dụng được máy tính thì không đáng tin cậy về chuyên môn lẫn y đức", bạn đọc Tuấn đề nghị.

Trước tình trạng này, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Đại học Y dược TP.HCM, cơ quan quản lý cần quy định tất cả đơn thuốc đều được in ấn bằng máy tính và có hồ sơ lưu trữ nhằm giúp kiểm soát hoạt động của bác sĩ cũng như tất cả hồ sơ, đặc biệt là toa thuốc.

Phần mềm này đơn giản và không tốn quá nhiều kinh phí, cơ quan quản lý có thể cung cấp miễn phí cho bác sĩ và nên đưa vào quy định hành chính.

Vào tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 04/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số thông tư về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Theo đó, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.

Khoản 3, điều 1 thông tư 04/2022/TT-BYT đã sửa đổi điều 6 của thông tư 27/2021/TT-BYT về lộ trình các cơ sở y tế phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử như sau: Trước ngày 31-12-2022 áp dụng với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên, trước ngày 30-6-2023 sẽ áp dụng với các cơ sở khám, chữa bệnh khác.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2022.

Các cơ sở khám, chữa bệnh khác (không phải bệnh viện từ hạng 3 trở lên) hiện đang sử dụng đơn thuốc bản giấy theo mẫu cũ thì vẫn được sử dụng tiếp những mẫu đơn bản giấy đã in cho đến ngày 30-6-2023. Sau thời gian này, tất cả đơn thuốc bắt buộc là đơn điện tử.

Đơn thuốc Đơn thuốc 'chữ xấu đọc không nổi', cả dược sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm đều 'bó tay'

TTO - Một ngày trước, trang cá nhân của một dược sĩ khá nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ toa thuốc của bệnh nhân quê anh. Toa viết tay nhưng chữ xấu đến nỗi dược sĩ này cho biết chính anh và bác sĩ giàu kinh nghiệm ở Hà Nội cũng “vò đầu bứt tai”.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên