27/06/2013 08:00 GMT+7

Chạy 10 nhà thuốc vì chữ bác sĩ

TRẦN THỊ T.T.
TRẦN THỊ T.T.

TT - Tôi bị tê ở tay phải đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phẫu thuật. Ngày 6-6, sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ Tr. kê đơn bốn loại thuốc, trong đó có loại thuốc thứ tư (ảnh).

Tôi có thói quen không mua thuốc ở bệnh viện mà thường lấy toa mua tại các nhà thuốc lớn bên ngoài. Lần này cũng vậy, tôi đến nhà thuốc ở đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM như lâu nay vẫn mua theo toa. Người bán lấy cho tôi ba loại thuốc, riêng loại thứ tư người bán chần chừ đọc một lúc rồi nói không có.

2Jju4MJv.jpgPhóng to
Đơn thuốc với loại thuốc thứ tư rất khó đọc - Ảnh: T.T.T.

Tôi đến dãy nhà thuốc tây ở đường Hai Bà Trưng (quận 1) tìm loại thuốc thứ tư. Tại nhà thuốc đầu tiên, sau một lúc “ngâm cứu”, hỏi những người còn lại, người bán lắc đầu: không có loại thuốc này. Tôi qua tiệm thuốc kế bên, sau một hồi xem người bán cũng nói không có. Chẳng lẽ loại thuốc cho căn bệnh đơn giản như vậy mà các nhà thuốc tây lớn ở đường Hai Bà Trưng cũng không có bán? Nghĩ vậy tôi tiếp tục vào nhà thuốc thứ ba trên đường này. Những người bán chuyền tay nhau đọc tên thuốc thứ tư sau vài phút rồi cũng lắc đầu trả lại cho tôi.

Tôi đâm ra thất vọng nhưng tiếp tục chạy về hướng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, hi vọng các nhà thuốc gần đây sẽ có loại thuốc này. Trên đường đi tôi ghé hỏi thêm vài nhà thuốc nhưng tất cả đều nói không có kể cả nhà thuốc M trên đường Trần Hưng Đạo (có hệ thống nhà thuốc rất lớn tại TP.HCM, đối diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP), người bán cũng lặp lại câu trả lời như các nhà thuốc trước đó: không có bán thuốc này.

May quá, ở một nhà thuốc trước cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cô bán thuốc trả lời có thuốc này và bảo chờ lấy thuốc. Trả tiền xong, tôi tranh thủ hỏi nhỏ cô bán thuốc: đây có phải là loại thuốc dạng đặc trị, khó tìm hay không mà sao nhiều nhà thuốc không bán? Cô bán thuốc chỉ cười cho biết: “Không phải thuốc đặc trị gì đâu, chắc tại họ đọc không ra tên thuốc, còn tụi em đã quen đọc những toa thuốc như thế này rồi!”. (Tôi thử kiểm tra lời cô bán thuốc bằng cách trở lại vài tiệm thuốc đã đến trước đó hỏi mua loại thuốc này bằng cách đưa vỉ thuốc ra, các nơi này đều nói có thuốc).

Khổ thật! Chỉ vài nét chữ của bác sĩ mà tôi phải mất cả buổi sáng, đi cả chục nhà thuốc mới tìm được chỗ mua 15 viên thuốc để uống. Tôi không biết những bệnh nhân khác ở các tỉnh không có nhiều nhà thuốc như tại TP.HCM, không có điều kiện đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP để mua thuốc, khi gặp phải “chữ bác sĩ” như toa thuốc này thì họ phải khổ như thế nào?

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ (giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM): Yêu cầu bác sĩ tập viết chữ

Thói quen viết chữ nhanh, ẩu dù đã được bệnh viện nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn ở một số bác sĩ. Bác sĩ viết chữ xấu, không thể đọc được là nỗi kinh hoàng cho nhiều người và gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Không chỉ bệnh nhân, người bán thuốc không đọc được mà ngay cả ban giám đốc bệnh viện khi nhìn vào những toa thuốc này cũng không thể đọc. Không chỉ kê toa thuốc ẩu mà ngay cả chữ ghi tên bác sĩ phía dưới toa thuốc cũng không thể đọc ra.

Để hạn chế tình trạng này, trong nhiều cuộc họp giao ban, ban giám đốc bệnh viện đã đưa những toa thuốc này ra để các bác sĩ cùng bình, rút kinh nghiệm trong việc kê toa. Bên cạnh đó, bệnh viện đã đề nghị các bác sĩ sử dụng con dấu in tên mình sau khi kê toa thuốc. Với những bác sĩ kê toa ẩu, bệnh viện yêu cầu phải tập viết chữ cho rõ ràng để bệnh nhân và người bán thuốc đọc được. Hiện khoa khám bệnh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã triển khai kê toa thuốc điện tử cho bệnh nhân để đảm bảo toa thuốc rõ ràng, dễ đọc.

Thùy Dương ghi

TRẦN THỊ T.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên