14/09/2010 08:09 GMT+7

Đừng chơi "đoán chữ"" với bác sĩ!

BS BÔNG BỤP
BS BÔNG BỤP

TTC - Điều tiếng “chữ bác sĩ” không phải bây giờ mới có. Trừ những trường hợp cố tình “mã hóa” buộc bệnh nhân phải mua thuốc... “đúng tuyến”, còn lại chữ các bác sĩ xấu thường do vội, do quen tay, hay đơn giản hồi đi học bác sĩ ít được điểm cao môn tập viết...

ybXcnuZb.jpgPhóng to

Không khó đoán hậu quả từ toa thuốc viết tháu. Nhẹ là sau một hồi chơi đoán chữ, người ta cũng hiểu bác sĩ thử thách bệnh nhân và nhà thuốc cái gì. Nặng là khi màn đấu trí kết thúc bằng nạn “Râu ông này cắm cằm bà nọ”. Báo chí từng nêu vài điển hình “viết một đằng hiểu một nẻo”. Chẳng hạn, bác sĩ kê toa Anacin-3 (biệt dược của Paracetamol, hạ sốt, giảm đau) với nét chữ “rồng bay phụng múa” nên bị nhân viên nhà thuốc đọc bớt đi thành Anacin (biệt dược của Aspirin, nguy hiểm với người đau dạ dày, sốt xuất huyết). Một trường hợp còn nhầm xa cả cây số giữa Antemin (kháng viêm) với... Antelmine (thuốc tẩy giun)...

Viết tắt trên toa thuốc cũng là nguyên cớ lắm sự dở khóc dở cười. Mục chẩn đoán bệnh thường được các bác sĩ viết tắt nhất, trong khi đây là cái “tít tựa” mà mọi bệnh nhân đều chú mục nhìn vào đầu tiên để biết danh tính bệnh tật của mình. Đôi vợ chồng trẻ đưa đứa con sốt cao đến bệnh viện khám. Vị bác sĩ miệng hỏi, tay múa ống nghe một hồi, lấy ra tờ giấy xét nghiệm, hí hoáy rồi đưa cho bà mẹ bảo đi thử máu.

Nhìn vào phần y lệnh, bà mẹ trẻ hoảng kinh thấy bác sĩ ghi “CTM” (công thức máu) lại diễn giải thành “chân tay miệng”, căn bệnh nguy hiểm đang thành dịch. Mất mấy giờ mặt ủ mày chau chờ đợi, cầm giấy trả kết quả quay lại cho vị bác sĩ, chị mới vỡ lẽ đó chỉ là xét nghiệm máu thông thường.

Còn nhiều mẻ sợ tương tự khi bệnh nhân hay thân nhân trở thành nạn nhân màn “đố chữ” của bác sĩ, có khi thành “giai thoại”. Chẳng hạn STC (sa tử cung) thành (suy thận cấp) hay (suy thai cấp), VTQ (viêm thanh quản) thành (viêm thực quản), KG (khớp gối) thành (K gan - tức ung thư gan), PM (phần mềm) thành (phúc mạc), Td (theo dõi) thành (tràn dịch)...

Một kiểu nhầm lẫn khác phát sinh từ lời dặn dò của bác sĩ, tuy không bút sa gà chết, vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, vì bị bệnh nhân thỉnh giáo được chăng hay chớ rồi tự phóng tác. Chẳng hạn, với loại thuốc cần dùng xa bữa ăn để tránh tác động của dịch vị dạ dày, tùy “văn phong” sẽ được bác sĩ dặn : Uống tránh bữa ăn, uống trước bữa ăn, uống lúc bụng đói. Ngặt nỗi không phải ai cũng giỏi văn phạm, nên từng xảy ra tình huống bác sị dặn “uống trước bữa ăn” lại bị người bệnh hiểu là “uống thuốc xong thì mời cầm đũa”.

Dù có nhiều biện pháp can thiệp như dùng “toa điện tử”, “đề nghị bác sĩ chịu khó luyện chữ” hoặc ít ra... “viết toa chậm lại”, nhưng nạn “chữ bác sĩ ” vẫn khá phổ biến. Vậy nên bệnh nhân cũng cần có chút “công lực” để “phòng thân”: Nếu không đoán ra chữ “rồng bay phụng múa” của bác sĩ, thì tốt nhất nên gắng quay lại hỏi “tác giả” cho ra nhẽ, hoặc ít ra hỏi một đồng nghiệp của ông ta, cùng chuyên môn càng tốt. Đừng phó thác sinh mạng vào tài đoán chữ của mình, hay của người bán thuốc. Không phải ai mặc áo blouse, ngồi sau quầy thuốc đều là dược sĩ, mà có là dược sĩ cũng không chắc đọc nổi những toa thuốc “ai viết người ấy hiểu”. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Ngứa mà không gãi mới ngoan!

Có nhiều thủ phạm gây ngứa, phổ biến là do bệnh ngoài da, dị ứng và côn trùng cắn... Ngứa thuộc lĩnh vực da liễu, phải trị xong bệnh gốc mới hết phiền. Nhưng với 2 nguyên do còn lại (trừ những ca nặng như ong chích, sốc phản vệ... ) đều có thể sống chung với ngứa, chờ chúng đến rồi đi...

Vấn đề nổi cộm của mọi chứng ngứa là gãi. Gãi mang lại sự dễ chịu, thậm chí “khoái cảm”, nhưng càng gãi càng “đã” thì càng ngứa, thành vòng luẩn quẩn ngứa - gãi - ngứa, và nguy hại hơn dễ làm trầy xước, chảy máu, nhiễm trùng... Nhiều chứng bệnh ngoài da chữa hoài không khỏi, hoặc “Trâu lành thành thọt” cũng vì nạn nhân không cam lòng với sức quyến rũ từ... những cơn gãi ngứa.

“Ngứa mà không gãi mới ngoan - Ngứa thò tay gãi thế gian sự thường”. Có cách nào ngứa mà không gãi hay gãi sao cho an toàn? Hầu hết ngứa phát tích từ phản ứng dị ứng, nếu có sẵn loại thuốc kháng histamin, có thể dùng ngay để dập tắt cơn ngứa tại chỗ, hay toàn thân.

Ngứa có chung đường truyền thần kinh với đau, do vậy hầu hết biện pháp giảm đau tại chỗ đều có thể dùng cho ngứa. Những “hóa chất” gây tê nhẹ như dầu gió, giấm, nhựa cây lô hội, lá chuối, nước cốt chanh, kem đánh răng đều có thể tham gia “cả vú lấp miệng... cơn ngứa”, tùy nhẹ nặng, nhất là với vết côn trùng cắn. Đối đế có thể dùng trực tiếp cảm giác “át vía” cơn ngứa, chẳng hạn nhéo một phát, nhưng lưu ý tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tức làm tổn thương da.

Áp lạnh cũng là một hình thức “gây tê cục bộ” giúp giảm ngứa hàng đầu. Đá lạnh, hoặc nước lạnh đều dùng được. Làn da khô, thiếu ẩm, là đích phạm hoặc đồng phạm thêm vây cánh cho cơn ngứa. Làm ẩm da là cách “gãi mà không gãi” hay như tắm, thoa kem giữ ẩm, dùng quạt nước. Lưu ý: Khi tắm chống ngứa, nên hạn chế dùng xà phòng, hoặc chỉ nên dùng loại trung tính, tránh “đổ dầu vào lửa”.

Trường hợp 36 chước đều không qua... cú gãi, thì nạn nhân vẫn có cách làm đẹp lòng anh lẫn ả bằng “bàn tay nhung”. Chẳng hạn gãi qua trung gian một chiếc khăn mềm, ướt, hoặc thay mấy ngón tay, đầu bút bi, cán muỗng... có tính sát thương cao, bằng những phương tiện có độ dày, tù hơn như nắm bàn tay lại thành nắm đấm và gãi bằng các đầu khớp ngón.

Chọn quần áo là một cách đóng góp giúp “liệu pháp” chống ngứa thành công. Những trang phục chật chội, may bằng chất liệu thô là kẻ đỡ đầu không thể tốt hơn cho những cơn ngứa. Tương tự với chiếc khăn tắm, vải trải giường, áo gối. Nhiều nạn nhân chủ ý khỏa thân 100% giải phóng hoàn toàn gánh nặng áo quần để chống ngứa, nhưng lại đặt nguyên “tòa thiên nhiên” lên chiếc drap giường thâm niên ít giặt giũ, đầy những chú ký sinh trùng li ti: Cốt khỉ hoàn cốt khỉ!

Sau cùng, nếu cơn ngứa đến từ những đòn ám muội của đám côn trùng, trước khi tính sổ cơn ngứa, phải nhanh tay thanh tẩy “đầu vào” như đoạn kim “cảm tử” của mấy chú ong còn mắc lại trên da, nước bọt, chất tiết gây ngứa. Lấy “ám khí” khỏi da, rửa xối bằng nước là việc cần làm, còn nước còn tát trước khi cơn ngứa kéo đến.

BS BÔNG BỤP

LrMooXus.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 411 (ra ngày 1-9-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BS BÔNG BỤP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên