05/02/2018 10:34 GMT+7

Đổi tiền mới dịp Tết: sao không là niềm vui?

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TTO - Trong khi đa phần người làm ngân hàng xem việc đổi tiền mới cho mọi người trước Tết Nguyên đán là nỗi khổ vì cung không bao giờ đủ cầu thì với tôi, đó là niềm vui khi mang lại hạnh phúc cho nhiều người.

Đổi tiền mới dịp Tết: sao không là niềm vui? - Ảnh 1.

Đổi tiền lẻ mới tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gần 20 năm nay, những người đi đổi tiền mới ăn lời thường không lui tới chợ Linh Xuân. Mọi người ở chợ đã quen sau ngày tiễn ông Táo về trời là tôi sẽ xuất hiện và đi đến từng người để đổi cho họ những đồng lẻ còn mới tinh

Đỗ Thị Huỳnh Hoa

Hơn 30 năm trong nghề ngân hàng, tôi chứng kiến không ít nỗi khổ của đồng nghiệp đối với áp lực đổi tiền dịp cuối năm. 

Dù rằng lượng tiền mới gần như đều dành ưu tiên cho khách hàng, tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn không hài lòng, thường so sánh kiểu: "Bên ngân hàng X đổi tiền mới cho tôi gấp mấy lần thế này, biết vậy...", và nhân viên ngân hàng chỉ biết cười gượng gạo. Nỗi khổ đó càng tăng thêm khi mà các mối quan hệ gia đình, họ hàng, người quen năm nào cũng tạo áp lực về tiền mới, nếu từ chối sẽ bị ngay câu: "Làm ngân hàng mà không có tiền mới à!".

Nhưng đổi tiền mới dịp tết với tôi là một niềm vui khi công việc này xuất phát từ sự tự nguyện với cộng đồng. Nhờ những mối quan hệ thân tình và biết rất rõ "niềm vui" của tôi nên năm nào tôi cũng có chút ít tiền mới để đem đổi cho cô bác ở chợ Linh Xuân (Thủ Đức, TP.HCM). 

Các dì các chị các em buôn thúng bán bưng ở cái chợ nửa quê nửa thị này hầu hết là dân tứ xứ - chỉ đổi mỗi người vài trăm ngàn tiền mệnh giá nhỏ.

Trong khi các dì bán thịt, cá ngồi trên sạp thường đổi tiền có mệnh giá 20.000 đồng và 10.000 đồng thì các dì, các chị bán hàng bông rau cải ngồi dưới đất chủ yếu đổi từ tờ 5.000 đồng trở xuống để cận tết đón xe về quê, đem những tờ giấy bạc mới còn thơm phức mực in để lì xì cho con cháu. 

Các chị bán vé số quê miền Trung thường rụt rè đổi mỗi người 200.000 đồng. "Loại tiền nào cũng được, để về... lì xì ông bà ngoài quê. Người già được lì xì đã vui, nhưng lì xì tiền mới sẽ vui gấp đôi" - mấy chị vừa cười vừa kể.

Có một chị ở Trà Vinh chỉ đổi 50.000 loại tiền 2.000 đồng để "mỗi sáng bà ngoại phát cho cháu đi học". Lại có một dì quê Đồng Tháp muốn đổi 100.000 đồng tiền mới loại 5.000 đồng để đi chùa. 

Nghe chữ đi chùa là tôi dị ứng khi nhớ những tờ tiền bị rải, bị nhét đủ chỗ ở các đình chùa ngoài Bắc. Nhưng khi hỏi kỹ thì dì cho biết mùng một tết đi chùa, người ăn xin ngồi dài từ cổng chùa đi vào, nên "cho mỗi người một tờ tiền 5.000 làm phước chứ tiền đâu mà cho nhiều".

Đổi tiền mới, vui hay khổ suy cho cùng xuất phát từ động cơ mục đích. Nếu việc đổi tiền được xem là nghĩa vụ mà ngân hàng phải cung cấp cho khách hàng để giữ và lấy lòng khách, nó sẽ là nỗi khổ của các nhân viên ngân hàng và thậm chí là mảnh đất màu mỡ để kiếm chác của những người có quyền ban phát. 

Nhưng nếu chuyện đổi tiền mới xuất phát chỉ là từ sự tử tế bất vụ lợi giữa người với người và được nhân rộng, xã hội sẽ đối xử với nhau tốt hơn rất nhiều.

Không còn "ôm" tiền lẻ

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết âm lịch là cả xã hội rơi vào tình trạng khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ mà mọi người thường gọi là tiền lẻ. Cao điểm nhất là những ngày cuối năm, đi đâu cũng nghe người bán than không có tiền lẻ để thối cho khách.

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt trên, theo tôi, là do người dân ta từ lâu đã có thói quen gần tết phải lo cất giữ ít tiền lẻ dù buôn bán hay không. Người làm ăn lo gom tiền lẻ để chuẩn bị tiền thối trong những ngày cuối năm, người không làm ăn thì giữ tiền lẻ để lì xì, đi lễ chùa, đi chợ cuối năm chi trả cho nhanh.

Gia đình tôi cũng vậy, mặc dù chỉ có một sạp bán ở chợ và một đại lý cám gạo ở vùng quê mà tết năm nào cũng phải thủ cả chục triệu đồng tiền từ mệnh giá 20.000 đồng trở xuống.

Thời gian gần đây, tôi bắt đầu thay đổi bằng việc không ôm giữ tiền lẻ trong những tháng gần tết mà mạnh tay thối cho khách hàng. Tôi cũng thuyết phục nhiều người kinh doanh trong khu vực làm theo như vậy. Kết quả là mùa tết năm vừa rồi, chỗ tôi không đến nỗi khan hiếm tiền lẻ như mấy năm trước đó. Mùa tết này, đến giờ tôi vẫn không thấy thiếu tiền lẻ.

Tôi thấy, khi người bán hàng không găm giữ tiền lẻ thì người mua hàng cũng sử dụng tiền lẻ để mua hàng, chứ không đưa toàn tiền mệnh giá lớn như trước. Nghĩa là người dân cũng giảm bớt tâm lý ôm giữ tiền lẻ, giúp tiền lẻ được quay vòng lưu thông.

Do vậy, mọi người hãy giảm bớt việc "cố thủ" tiền lẻ vào dịp cuối năm bằng cách tung ra ít nhất phân nửa số dự trữ của mình, chắc chắn thị trường sẽ không đến nỗi bị khan hiếm tiền lẻ như vừa rồi.

THANH TUYÊN (Bà Rịa - Vũng Tàu)

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên