26/04/2019 10:08 GMT+7

Đối thoại Nga - Triều dài hơn dự kiến

PHÚC LONG - TƯỜNG NGUYỄN
PHÚC LONG - TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Cả hai lãnh đạo đã có những lời ngợi khen về hiệu quả của cuộc hội đàm. Điểm minh chứng cho điều đó là hai ông đã nói chuyện đến hai giờ, trong khi dự kiến ban đầu chỉ là một giờ.

Đối thoại Nga - Triều dài hơn dự kiến - Ảnh 1.

Tiệc chiêu đãi lãnh đạo Triều Tiên của tổng thống Nga. Tham dự còn có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bìa trái) và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (bìa phải) - Ảnh: Reuters

Phát biểu trong bữa ăn tối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên đảo Rusky thuộc tỉnh Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi một giải pháp hòa bình cho "vấn đề hạt nhân khu vực". 

Tổng thống Putin cho biết: "Nước Nga tin rằng hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân khu vực, cần được giải quyết thông qua đối thoại và hòa bình, và đây là biện pháp hiệu quả duy nhất. Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".

Chia sẻ nhiều thông tin tích cực

Người ta có thể thấy rằng từ khi tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu ấm lên từ đầu năm 2018 giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, Nga có vẻ giữ khoảng cách với tình huống đó dù đã vài lần bắn đi lời mời ông Kim sang thăm. 

Khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt kết quả như mong đợi, Triều Tiên có dấu hiệu quay sang tìm lại đồng minh cũ để tìm kiếm hậu thuẫn.

Phát biểu tại cuộc gặp ông Putin, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh: "Quan điểm kiên định cùng đường lối chính sách chiến lược của tôi và Chính phủ (Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên) là không ngừng tăng cường và phát triển quan hệ chiến lược, truyền thống, hữu nghị giữa Triều Tiên và Nga phù hợp các yêu cầu của thế kỷ mới".

Hai nhà lãnh đạo, theo dự kiến có cuộc hội đàm kín trong một giờ trước khi mở rộng ra với sự tham dự của hai ngoại trưởng, đã nói chuyện lâu hơn dự kiến. Sau đó, hai người đều chia sẻ thông tin tích cực về cuộc nói chuyện dài hai giờ của mình với giới truyền thông. 

Ông Kim cho biết: "Tôi đã có các cuộc đàm phán hữu ích và thẳng thắn với Tổng thống Putin về các vấn đề phát triển quan hệ hữu nghị giữa Triều Tiên và Nga, đảm bảo hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực cùng các vấn đề quốc tế cùng quan tâm".

Trong khi đó, ông Putin nhấn mạnh: "Tôi tin rằng chuyến thăm Nga ngày hôm nay của ngài sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn trong việc tìm ra những cách thức có thể giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên, những gì Nga có thể làm để hỗ trợ các tiến trình tích cực đang diễn ra hiện nay". 

Nhà lãnh đạo Nga không quên nhắc rằng "trên phương diện song phương, chúng ta có nhiều điều để làm nhằm phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước". Đến nay, có khoảng 10.000 người lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga và đây cũng là một nguồn ngoại tệ quan trọng cho đất nước.

Hài lòng với kết quả đối thoại

Nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như rất tự tin với quyết định quay lại nói chuyện với Nga. Ông Kim Jong Un phát biểu khi mới đặt chân đến Nga: "Tôi đã nghe nhiều điều tốt đẹp về đất nước của các bạn, từ lâu tôi mơ được đặt chân đến đây. 

Đã 7 năm trôi qua kể từ khi tôi lên lãnh đạo đất nước, chỉ đến bây giờ mới có cơ hội đi Nga. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ tiếp tục thăm đất nước Nga dựa trên mối quan hệ hữu nghị với tổng thống của các bạn".

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Putin với nhà lãnh đạo Kim Jong Un và cũng là hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, kể từ sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (cha của ông Kim Jong Un) thăm Nga năm 2011.

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau cuộc gặp, Tổng thống Putin tự tin tuyên bố: "Chúng tôi, tức tôi và người đồng cấp của tôi, đều hài lòng với kết quả cuộc đối thoại" và khẳng định Triều Tiên mong muốn có những đảm bảo quốc tế để thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, ông Leonid Slutsky - chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma (Hạ viện) Nga - nhận định đã đến lúc quay lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên. "Trong nhiều năm, Nga đã nỗ lực giải tỏa căng thẳng trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Chúng tôi cho rằng vấn đề này phải được giải quyết bằng con đường chính trị - ngoại giao. Một trong những công cụ hiệu quả là đàm phán 6 bên, hiện tại đã đến lúc rã băng cơ chế này. Washington đã cố gắng nắm thế chủ động, nhưng kết quả như chúng ta thấy là chưa đạt được. 

Tôi tin rằng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể tác động đáng kể và mang tính xây dựng lên tình hình Triều Tiên" - ông Slutsky đưa ra nhận định.

Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng tuyên bố cuộc hội đàm giữa hai ông Putin và Kim Jong Un có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh nhấn mạnh "luôn giữ liên lạc với Matxcơva" trong vấn đề này. 

"Chúng tôi tin kết quả cuộc gặp này sẽ tạo ra các yếu tố kích thích mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Thương mại Nga - Triều Tiên không đáng kể

Matxcơva và Bình Nhưỡng từ lâu đã tìm cách mở rộng giao thương, tuy nhiên nỗ lực này không thành vì lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Theo báo Gazeta.ru của Nga, trong năm 2017, Nga là đối tác làm ăn lớn thứ 2 của Triều Tiên nhưng tỉ trọng kim ngạch thương mại chỉ chiếm 1,4%, trong khi Trung Quốc là 94,8%. Phần lớn hàng hóa là than đá trung chuyển qua cảng Rason ở Triều Tiên đến các tỉnh phía nam Trung Quốc.

Do lệnh cấm vận, hiện nay mua bán than đá cũng đã ngưng, giao thương song phương Nga - Triều Tiên giảm hơn 2 lần, chỉ còn vỏn vẹn 34,1 triệu USD. Để so sánh, năm ngoái Nga mua bán với Hàn Quốc đạt 24,8 tỉ USD.

'Một túi nguyện vọng' ông Kim Jong Un mang sang Nga gồm những gì?

TTO - Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Nga với 'một túi nguyện vọng' sau những cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ - Trung - Hàn chưa đáp ứng được mong muốn của ông.

PHÚC LONG - TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên