Kênh “ông Kiệt” đã giúp Tứ giác Long Xuyên trở nên trù phú, đầy sức sống - Ảnh: CHÍ HẠNH
"Vùng đất này đổi thay, phát triển là nhờ dòng kinh T5 mang đậm dấu ấn và công lao cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt", ông Nguyên Lợi Đức, một nông dân thành công với cây chuối ở huyện Tri Tôn, vui vẻ tâm sự.
Từng là "vùng đất chết"
Một trong những lão nông tri điền tạo dựng được cuộc sống vững vàng trên đồng đất Tứ giác Long Xuyên, lão nông Trần Văn Được, tức Tám Được (71 tuổi, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) dẫn chúng tôi đi thăm vườn mít ruột đỏ và kể khó khăn của vùng đất này một thời.
"Nhà tui ba đời làm nông xứ này, hiểu rất rõ những khó khăn. Hồi đó, đất dọc hai bên kinh Vĩnh Tế thì còn trồng được cây này kia, chứ sâu hơn vào trong toàn là đất phèn đỏ chói, không thể trồng cây gì. Dân xứ này chỉ biết mần lúa mùa, trông chờ mùa nước nổi. Năm nào nước lên thì có gạo ăn, không có nước thì mùa đó coi như chỉ được vài hột gạo", ông Tám Được nhớ lại.
"Vùng này mà mần được là người ta vô đây mở đất dữ lắm rồi. Hồi đó, mỗi mùa kiếm được 5 giạ lúa để ăn là ngon lắm. Nước ngọt ngoài này mà không "đạp" được vào trong đó coi như đồng bỏ đi. Có năm nước phèn trong đồng "già lên", dội ngược ra đây làm dân tình nháo nhào. Cả con kinh bên cạnh cũng đỏ như nước mắm, trưa nắng lên mùi tanh nồng nặc", ông Tám Được nói thêm.
Ông Huỳnh Ngọc Ân (Hai Ân, 68 tuổi), trong nhóm nông dân đầu tiên đặt chân đến khẩn hoang vùng Lạc Quới, cũng tâm sự: "Ngày xưa vùng này có thể gọi là cánh đồng chết, vì trồng cây gì cũng không sống nổi, ngoài ba thứ cỏ dại. Sợi dây vàm trên xuồng lỡ rớt xuống sông, khi lôi lên nhuộm màu vàng quánh. Phèn nhiễm nặng đến nỗi tôm cá vẫn còn hôi".
Cùng lứa với ông Hai Ân thời đó còn có ông Năm No, Tư Ngoạn, Chín Xị, Hai Râu, Năm Bạch... đều là những cư dân đầu tiên ở vùng khỉ ho cò gáy này. Ông Năm Bạch kể: "Chuyện khai khẩn ở đây gian khổ không sao tả xiết. Muốn phá lác, đốn tràm đâu phải dễ, phải đợi mùa khô. Những người đi khai hoang đều không nghĩ gì sẽ định cư được ở chốn này".
Và các ông Hai Ân, Tám Được... cũng là những người có duyên được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm vùng Lạc Quới, Tri Tôn. Ông Hai Ân nhớ lại một ngày năm 1996, ông đang nằm võng hóng gió đồng thì bất ngờ Thủ tướng Võ Văn Kiệt xắn quần lội bùn ra đây.
"Lúc đó làm gì có đường sá mà đi, chính quyền bố trí hai máy cày để đưa ông Kiệt đi thị sát sâu vào nội đồng. Gặp người dân nào, ông Kiệt cũng vỗ vai, ân cần thăm hỏi những khó khăn, nguyện vọng", ông Hai Ân kể.
"Người nhờ đất để sống, đất nhờ người có tên"
Rồi đúng vào tháng 4-1997, máy xúc, máy ủi ngày đêm ùn ùn kéo về đây nổ máy rầm trời cả ngày lẫn đêm. Nông dân xứ Lạc Quới vẫn không thể quên những ngày đêm công nhân vất vả, còn dân vùng thì rạo rực chờ. Ban ngày xáng cuốc chạy ầm ầm, công nhân làm việc dưới nắng chang chang. Chạng vạng, công trình nổi đèn, nhân công cũng thay nhau làm việc.
Ông Tám Được kéo khăn rằn lau những giọt mồ hôi trên trán, nói: "Ông Kiệt xắn quần ra đồng, quyết đoán chỉ đạo để con kênh này hình thành chỉ sau mấy tháng cho thấy hình ảnh một vị Thủ tướng thực sự gần dân và biết lắng nghe những điều dân trăn trở".
Tháng 8-1997, kênh T5 được đào xong, chính thức khơi thông dòng chảy. Dòng nước ngọt lành dẫn sâu vào nội đồng, khơi nguồn sức sống mới, đánh thức tiềm năng Tứ giác Long Xuyên rộng lớn. Người tứ xứ về đây, khai khẩn ruộng đồng, gầy dựng cuộc sống.
Bây giờ, nhân dân trong vùng ai cũng thấm nhuần câu nói "Người nhờ đất để sống, đất nhờ người có tên", và họ gọi T5 là kênh "ông Kiệt". Cái tên được người dân thương quý gọi trước cả khi chính quyền chính thức đặt tên kênh Võ Văn Kiệt.
Tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu kênh mang tên ông - Ảnh: CHÍ HẠNH
Đổi thay và phát triển
Trên vùng Tứ giác Long Xuyên hôm nay, dòng kênh "ông Kiệt" vẫn luôn chảy để đất đai hoang hóa khi xưa thành "bờ xôi ruộng mật", đem lại cuộc sống mới cho người dân. Ông Hai Ân, Tám Được cùng bao người dân địa phương thấu hiểu đổi thay vùng Tứ giác Long Xuyên có được là kể từ sau ngày dòng kênh "ông Kiệt" chính thức được hoàn thành.
"Ông bà xưa nói lúa thóc tới đâu, bồ câu tới đó. Con kinh này rửa phèn Tứ giác Long Xuyên, làm tăng diện tích canh tác, tạo công ăn việc làm, chén cơm cho người dân. Phải nói rằng ông Kiệt là một vị lãnh đạo sống vì dân chúng", ông Hai Ân thổ lộ.
Còn anh Trần Văn Niên, phó chủ tịch UBND xã Lạc Quới, cho biết toàn xã có 2.255ha đất làm lúa, cây ăn trái và rau màu. "Trong số này có 580ha đất của hơn 200 hộ dân dọc hai bờ kinh bác Kiệt. Nhờ con kinh này mà hai ấp Vĩnh Thuận, Vĩnh Lộc ngày càng khang trang, đường sá rộng rãi, đông đúc và khác hẳn khi xưa nhiều", anh Niên tâm sự.
Việc cho đào hệ thống kênh giúp thoát lũ ra biển Tây đã mang lại sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, quốc phòng cho vùng đất rộng lớn, biên cương phía tây Tổ quốc. Ông Nguyên Lợi Đức (Sáu Đức, 70 tuổi, ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn), người từng nhận những cái lắc đầu ngao ngán của người thân khi chọn đây là vùng đất khởi nghiệp.
Giờ đây, Sáu Đức đã sở hữu vùng trồng chuối tươi tốt rộng hàng chục héc ta trên chính đất phèn chua năm xưa, như lời khẳng định với nhiều người rằng niềm tin gửi gắm vào dòng kênh "ông Kiệt" là hoàn toàn đúng đắn.
Nhờ dòng nước phù sa từ kênh Võ Văn Kiệt "trị" phèn cho ruộng đồng màu mỡ, nhiều xóm làng trù phú đã mọc lên Ảnh CHÍ HẠNH
Theo ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - chương trình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hệ thống công trình tiêu thoát lũ ra biển Tây. Trong đó gồm kênh T4, T5, T6 và các công trình phụ trợ.
Sau khi triển khai, hệ thống kênh này tiếp tục phát huy tốt hiệu quả đưa nước phù sa về rửa phèn mặn vùng Tứ giác Long Xuyên, giúp cải tạo đất đai, hình thành vùng lúa rộng 125.000ha (gồm An Giang và Kiên Giang), tạo công ăn việc làm, tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo.
Trước khi có hệ thống kênh này, sự phân bố dân cư chỉ tập trung ở ven sông Hậu và vùng ven biển, vùng trũng Tứ giác Long Xuyên dân rất thưa thớt. Công trình kênh hình thành, kéo theo hệ thống giao thông, điện, nước đã giúp phát triển nông thôn mới. Hiện nay, hệ thống công trình này còn góp vai trò quan trọng trong việc trữ ngọt, chống hạn hán cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
Đi tìm chân dung bác Sáu Dân
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai từ trái qua) và các khách mời tham quan triển lãm “Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt” - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 21-11, hai triển lãm đã khai mạc nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022).
Triển lãm "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) mang đến những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của vị Thủ tướng suốt 69 năm hoạt động cách mạng.
Bên cạnh đó, triển lãm thứ hai mang tên "Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt" lại cho người xem cái nhìn cận cảnh và giải mã chân dung ông dưới nhiều giác độ qua hơn 200 bức ảnh trong không gian Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 Lý Tự Trọng, quận 1) và sẽ kết thúc vào ngày 25-12.
Tham dự triển lãm, ở góc độ một nhà nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc đưa ra quan điểm thú vị về cố Thủ tướng: Ông là người luôn đi tìm cái mới, không thụ hưởng thành quả của cái cũ mà chỉ sử dụng chúng như một bàn đạp để cái mới, cái tiến bộ ra đời.
"Khi chúng tôi nghiên cứu về lịch sử, bác Kiệt thường hỏi chúng tôi rằng người dân đang nghĩ gì về cái lịch sử ấy. Đây không phải là chất vấn sự đúng - sai mà là đi tìm sự khác biệt để đi đến đồng thuận chung", nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc nhớ lại.
MAI THỤY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận