07/11/2017 13:31 GMT+7

Đời... rác - Kỳ 4: Những cuộc đời quanh xe rác

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Đối với những người làm rác, những xe thùng chất đầy rác chưa chắc nặng gánh bằng cơm áo gạo tiền mà họ phải đối diện hằng ngày...

Đời... rác - Kỳ 4: Những cuộc đời quanh xe rác - Ảnh 1.

Con không được đến trường, hằng đêm Hạnh làm cô giáo dạy con viết chữ - Ảnh: N.HIỂN

Cuộc đời của Hạnh

Ly dị chồng, một mình bà mẹ mới 27 tuổi phải nuôi bốn con ăn học. Miếng ăn của cả năm mẹ con chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập duy nhất là đi hốt rác mướn. 

Trong căn phòng trọ ẩm thấp, hôi hám được che chắn bởi những tấm thạch cao mục nát kế bên cầu Rạch Lăng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh không ngờ có ngày cuộc sống của mình lại rơi vào bi kịch như hiện tại. 

Quê ở Long Xuyên (An Giang), năm 7 tuổi Hạnh đã theo cha mẹ lên Sài Gòn lượm ve chai kiếm sống. 

Làm quần quật suốt 11 năm nhưng cô chỉ đi lui, đi tới đúng một con đường dọc đường ray xe lửa ngang qua quận Bình Thạnh. Hạnh nói cô sợ lạc nên chưa bao giờ dám đi chệch khỏi con đường ray xe lửa ấy.

Năm 18 tuổi, Hạnh về quê lập gia đình. Ngỡ tưởng cuộc sống ấm êm bên chồng nhưng khi sinh đứa con thứ tư, Hạnh buộc phải thôi người chồng rượu chè. Đường ai nấy đi. 

Hạnh thương con, một mình choàng gánh nuôi cả bốn đứa, chấp nhận nợ nần chồng chất nhưng cũng chỉ kéo dài được một thời gian. 

Khi hết chịu nổi, Hạnh phải chia đôi bốn đứa con, gửi hai đứa ở quê, cô mang hai đứa lên Sài Gòn cùng mình đi làm rác.

Không đủ sức khỏe cũng như tiền bạc để đứng ra lãnh đường rác, Hạnh đành chấp nhận đi làm mướn. Cứ có ai thuê đi phụ ngày nào, Hạnh đi ngày đó. Làm trọn một ngày cô nhận được 200.000 đồng. 

Nhưng không phải ngày nào cũng có người mướn đi làm, phải đợi đến khi có người mệt nghỉ thì mới đến lượt người ta kêu Hạnh đi hốt rác thế. Còn không, cô đành đi lựa ve chai cho họ, trọn một ngày chưa đến 100.000 đồng.

 "Một tháng phải gửi về quê 3 triệu đồng tiền ăn cho hai đứa con, đóng 700.000 đồng tiền trọ ở đây, còn lại dôi dư ra bao nhiêu thì cả ba mẹ con tằn tiện mua thức ăn cho qua ngày đoạn tháng" - Hạnh sụt sùi kể.

Điều làm Hạnh âu lo nhất chính là tương lai đứa con gái đầu Nguyễn Ngọc Dung (10 tuổi). Dung không được đi học, hằng ngày em đi phụ lượm rác cùng mẹ, giống như chính cuộc đời của Hạnh gần 20 năm trước. 

"Các cháu thiệt thòi vì không có cha nên tui cũng gắng gượng để lo cho cháu được miếng ăn chỗ ở, muốn cho cháu đi học nhưng kiếm được đồng tiền thiệt là quá sức của tui bây giờ" - Hạnh nói.

Biết cuộc sống của "đồng nghiệp" khó khăn, cả xóm trọ gần 20 hộ giúp san sẻ miếng cơm cho ba mẹ con. Ai có gạo cho gạo, ai có mì cho mì. 

Cũng nhờ vậy mà cô phần nào vơi đi những tủi nhục của phận nghèo. Hai tháng nay, ba mẹ con Hạnh ăn hết năm thùng mì gói mấy người trong xóm cho... 

"Ngày mới dọn vô phòng trọ này chỉ có đúng một chiếc chiếu lượm khi đi hốt rác, rồi dần dần mọi người trong xóm trọ cho quạt, cho nồi, chén đũa, bếp, nệm... mà họ cũng kiếm được từ đường rác. Cuộc sống dù nghèo khổ nhưng tình cảm trong khu làm rác cho tui thấy đời chưa quá bạc bẽo" - Hạnh trút nỗi lòng.

“Tưởng rằng chuyển sang nghề lái taxi là bỏ hẳn nghề rác nhưng không ngờ rác nó không chịu bỏ mình

Anh Đặng Văn An

Đời... rác - Kỳ 4: Những cuộc đời quanh xe rác - Ảnh 3.

Từ giã nghề lái taxi, anh Đặng Văn An trở về với nghề lái xe hốt rác - Ảnh: NGỌC HIỂN

"Rác không bỏ mình"

Con đường trở lại với nghề rác của anh Đặng Văn An (45 tuổi) bắt đầu từ một lần thoát chết trong gang tấc. Anh An chính là nạn nhân của vụ cướp taxi bất thành rúng động Sài Gòn đêm 11-11-2011. 

Trong đêm mưa tầm tã, An lái taxi chở hai nam thanh niên từ Bình Dương lên Gò Vấp. Khi xe chạy đến một bãi đất trống trên đường Nguyễn Văn Dung, hai nam thanh niên yêu cầu dừng xe để họ xuống. 

Trong lúc An trả số, một tên bất ngờ rút dao nhọn kề vào cổ anh, tên còn lại dùng cục đá đập mạnh vào đầu anh.

Sau phút giây hoảng loạn vì bị tấn công bất ngờ, anh An đạp được cửa xe thoát ra ngoài. Hai tên cướp bị bắt sau đúng một giờ gây án. 

Từ dạo đó, anh An khiếp sợ nghề taxi, chuyển sang nghề làm rác - cái nghề mà anh đã đi làm trước khi lái taxi gần chục năm.

 "Tưởng rằng chuyển sang nghề lái taxi là bỏ hẳn nghề rác nhưng không ngờ rác nó không chịu bỏ mình. Bao nhiêu năm hai vợ chồng bỏ ruộng, từ Đồng Nai lên Sài Gòn làm rác, vẫn ở nhà thuê nhà mướn qua ngày nhưng vui một cái là nuôi được hai con ăn học đàng hoàng" - anh An kể.

Tháng trước trong lúc đẩy xe thùng ở điểm ép, một chiếc xe thùng của đồng nghiệp vô ý cán lên bàn chân trái của anh. Vào viện mới hay gãy xương bàn chân, anh An phải nghỉ làm một thời gian. 

"Bệnh vậy chứ gắng được là phải gắng, nghỉ ngày nào tiếc hùi hụi ngày đó nên đỡ đau là phải đi làm ngay, không bỏ đường rác được" - anh An nói.

Với cựu binh Phạm Văn Thanh (62 tuổi), một người lính từng vào sinh ra tử ở biên giới Tây Nam thì nghề rác như là ước mơ đổi đời. 

Ông có hai người con gái sinh đôi, dù đã 35 tuổi nhưng họ vẫn như những đứa bé lúc nhớ lúc quên. 

Năm 2000, thấy cuộc sống ở quê nhà Tây Ninh quá cơ cực, hai vợ chồng bàn tính rồi quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp dù ông Thanh đã bước sang tuổi 45. 

Bắt đầu từ chỗ đi làm thuê làm mướn, hai vợ chồng tích cóp, dành dụm cộng với bán đất bán ruộng ở quê nên mua được một đường rác ở P.17 (Q.Bình Thạnh). 

Cũng nhờ nghề làm rác mà ông tạo được cái nghề vừa làm vừa chơi cho hai đứa con gái sinh đôi: tước vỏ dây điện.

"Nhờ vậy mà hai đứa nó khuây khỏa, vợ chồng tui cũng yên lòng. Sau này lỡ không còn sức đi làm rác, vợ chồng tui cũng còn đường rác, thâu tiền hằng tháng nuôi hai đứa con tật nguyền này chứ không cũng đuối" - ông Thanh chia sẻ.

Trong cơn hoạn nạn

Gần ba tháng nay, cháu Trần Bảo Ngọc (11 tuổi) phải đến trường với cái chân trái bó bột .

Em bị gãy xương đùi do chiếc xe thùng lật đè lên chân. Theo chị Trương Mỹ Lệ (33 tuổi, mẹ của Ngọc), tranh thủ ngày nghỉ Ngọc đi lấy rác phụ mẹ.

Trong lúc Ngọc ngồi trên xe thùng, qua khúc cua gấp xe lật đè lên thân thể bé nhỏ của em. Chi phí phẫu thuật tốn hơn 20 triệu đồng nhưng rủi thay Ngọc lại không có bảo hiểm y tế.

Trong cơn hoạn nạn, những người dân sống ở đường rác quyên góp tiền bạc giúp cháu điều trị.

"Người cho 200.000 đồng, 300.000 đồng, người tốt hơn cho 500.000 đồng, còn vào tận bệnh viện thăm cháu nữa. Không ngờ họ quý con của người lao công lấy rác như mình!" - chị Lệ nói.

____________

Kỳ tới: Chủ... đường rác

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên