05/11/2017 15:46 GMT+7

Đời ...rác - Kỳ 1: PV Tuổi Trẻ đi học nghề lượm rác

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO -Sống với rác, kiếm tiền từ rác, họ là những người thu gom rác dân lập, lặng lẽ hàng chục năm gom rác trong từng hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn.

Đời ...rác - Kỳ 1: PV Tuổi Trẻ đi học nghề lượm rác - Ảnh 1.

Phóng viên Tuổi Trẻ lái xe thùng đi lấy rác - Ảnh: HỮU THUẬN

Nghề ni siêng năng là có tiền, tiền lương, tiền ve chai, tiền cơm heo mà hên hên là được cả vàng nữa đó

Bà Oanh

Trên chiếc xe kéo rác, phóng viên Tuổi Trẻ đã rong ruổi nhiều ngày để thấm thía cuộc đời của những người hốt rác...

Lấy lý do thất nghiệp, không đủ tiền ăn, nợ tiền trọ, chúng tôi tìm đến điểm tập kết rác trên đường Phan Chu Trinh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xin việc. Nhìn khuôn mặt rầu rĩ của chúng tôi, bà Oanh nói: "Để cô tìm việc giúp cho, nhưng làm nghề ni bây phải chịu cực".

Bài học đầu tiên

4.000 người lấy rác dân lập

TP.HCM hiện tồn tại hai hệ thống thu gom rác công lập và dân lập. Hệ thống thu gom rác dân lập do các cá nhân đứng ra thu gom rác tự do từ các hộ gia đình chủ yếu ở trong hẻm, các chung cư. Có khoảng 4.000 nhân công thu gom rác dân lập (chủ yếu là lao động nhập cư làm thuê cho các chủ đường rác) với hơn 2.000 phương tiện thu gom như xe tải nhỏ, xe thùng, xe ba gác tự chế...

Tháo chiếc khẩu trang lấm lem, lót tấm bìa cactông ngồi bệt xuống đất, bên cạnh những xe rác xếp hàng chờ đổ lên xe ép, bà Oanh bắt đầu nói bằng chất giọng lơ lớ của người Thanh Hóa tha phương nhiều năm: "Nghề ni siêng năng là có tiền, tiền lương, tiền ve chai, tiền cơm heo mà hên hên là được cả vàng nữa đó".

Theo bà Oanh, thường người làm rác phải đi theo cặp, một người gom rác, người còn lại bươi rác, lượm lặt bất cứ thứ gì có thể bán kiếm tiền. Cả bốn người trong gia đình bà Oanh đều theo nghề rác. Riêng hai đứa con vô nghề, đứng ra lãnh đường rác làm riêng chỉ mới 17 tuổi. 

Kéo chúng tôi đến bên chiếc xe thùng, bà Oanh chỉ tay vào những bao tải đầy ắp treo lủng lẳng hai bên nói: "Tiền cả đó, ve chai tuần bán lần cũng được năm bảy trăm ngàn, cơm heo cũng được ba trăm, áo quần, giày dép cũ, dây sạc, bình ăcquy, bình bông, kính mắt, thuốc Tây... cũng bán được, nói chung thứ chi cũng bán được hết".

Ngay cả những bao nilông nhớp nhúa cũng được bà Oanh gom lại cả bao tải. Tuy nhiên, mối hiểm nguy luôn rình rập trong các túi rác là kim tiêm, mảnh chai, dao lam... Với bà Oanh, rách tay, rách chân là chuyện thường. Nhưng để hạn chế đổ máu, bà dặn chúng tôi kiếm một cây sắt để rạch tung bao rác, tuyệt đối không dùng hai tay xé bao.

Một điều quan trọng: nếu muốn làm nghề là phải biết chạy xe thùng. Xe thùng chủ yếu chạy vô hẻm hóc, khúc cua gập ghềnh nguy hiểm nên phải vững tay lái mới dám ôm cua. Sau khi giới thiệu về nghề, bà Oanh nhận lời sẽ hỏi thăm các chủ đường rác để chúng tôi đi làm mướn. Sau đúng một tuần chờ đợi, bà Oanh trả lời không có nơi nào cần người.

Đời ...rác - Kỳ 1: PV Tuổi Trẻ đi học nghề lượm rác - Ảnh 4.

Xe thùng của người thu gom rác len lỏi giữa dòng xe tại TP.HCM - Ảnh: TH.THẮNG

"Thực tập sinh"

Nóng ruột, chúng tôi tìm đến khu Sở Thùng (P.11, Q.Bình Thạnh), nơi được xem là "thánh địa" của dân làm rác. Tại đây, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Chiều, dân miền Tây. Mới 26 tuổi nhưng Chiều có đến sáu năm lăn lộn với nghề rác. Nghe tôi muốn làm rác, Chiều bảo: "Chua lắm, không có đường rác đâu, xóm tui cả chục người ngồi không chẳng có việc làm huống chi người ngoài". Tuy nhiên, Chiều đồng ý cho tôi theo học nghề.

Đưa tôi một đôi ủng, một găng tay cao su, Chiều chở chúng tôi trên chiếc xe thùng lấy rác chạy đến con hẻm 132 đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh). Tiếng pô xe nổ bôm bốp vang cả một con hẻm nhỏ như báo hiệu đến giờ đổ rác.

Đời ...rác - Kỳ 1: PV Tuổi Trẻ đi học nghề lượm rác - Ảnh 5.

Nguyễn Văn Chiều (phải) cùng phóng viên Tuổi Trẻ lấy rác - Ảnh: HỮU THUẬN

Theo Chiều, đây là khu nhà giàu nên rác rất có chất lượng. Tức là có ve chai trong rác. Còn một số khu nhà nghèo thường chỉ có rác ròng. Vì thế, lấy rác ở khu dân cư khá giả thường khấm khá bởi nhiều phế liệu. Đôi khi còn vớ được các đồ gia dụng tuy cũ nhưng vẫn còn xài tốt.

Nhảy xuống xe, Chiều chỉ tay vào những bao rác để sẵn trước hiên các căn nhà và dặn chúng tôi chất hết lên xe. Chiều sẽ bươi rác, phân loại các phế phẩm có thể bán kiếm tiền. "Nay có tân binh hả Chiều, phong độ quá hen" - một bà bán tạp hóa chỉ vào tôi rồi nói với Chiều. Ngày nào cũng thò mặt vô con hẻm này nên ai cũng quen, coi anh như là người của xóm. Theo Chiều, nghề rác phải làm đều đặn, ngày nào cũng gom sạch sẽ thì dân mới thương. Còn cứ hôm nay gom, ngày mai nghỉ thì người ta coi mình như rác rưởi.

Sau nửa tiếng gom rác, xe thùng đã đầy lên. Có những bao rác thủng đáy, nước dơ rỉ ra ướt cả chân tay, bắn lên mặt mũi người làm rác. Trong khi đó, mùi hôi thối của rác càng lúc càng nồng nặc. "Sẽ quen dần thôi, mùi của nghề mà, chuột chết, chó chết nhiều vô kể. Mới đầu tui làm còn ói lên ói xuống nhưng giờ hết thấy hôi luôn rồi" - Chiều cười khì. Chiều kể có lần một người làm rác xé bao rác ra thì thấy trong đó một đứa trẻ sơ sinh đã chết, phải gọi công an đến lập biên bản, mang đứa trẻ đi chôn cất...

Gom hết đường rác, chiếc xe thùng của Chiều nặng trĩu. Chiều chở cả ba chúng tôi chạy tà tà xuống dưới chân cầu Sài Gòn chờ xe ép rác. Bãi tập kết rác này có chừng 20 người đợi sẵn, ai cũng quần áo nhàu nhĩ, lấm lem. Trong khi chờ xe ép, những đồng nghiệp rác ngồi trò chuyện xôm tụ như buổi chợ chiều dù ai đi qua khu này cũng chau mày, bịt mũi.

Chiều tối, khi đổ rác lên xe ép xong, Chiều chở chúng tôi đến con đường rác da beo ở khu chợ Thị Nghè. Gọi là da beo bởi những điểm lấy rác nằm loang lổ, vòng vèo qua nhiều tuyến đường. Có đến ba, bốn người gom rác làm thuê cho nhiều chủ đường rác khác nhau thu gom rác ở khu này. 

Thấy đường Trường Sa ở khúc này vắng vẻ, tôi xin Chiều cho cầm lái chiếc xe thùng. Dù xe đang trống rác nhưng tay lái xe thùng nặng trĩu vì tôi lái chưa quen. Bánh trước cứ như muốn hất sang một bên dù tôi cố hết sức giữ thăng bằng. 

Rầm! Thôi rồi, bánh trước xe thùng húc đổ chiếc xe tay ga Attila đậu sát mép đường. 

"Mày đui hả" - một người phụ nữ chạy ra hét toáng. 

Chiều nhảy xuống dựng xe rồi xin lỗi. Cậu chỉ vào tôi, nói đồng nghiệp mới lần đầu lái xe. 

Tôi đứng bần thần nhìn chiếc xe bị xước chút xíu ở đuôi. 

Người phụ nữ hùng hổ: "Đền. 1 triệu".

"Tụi cháu dân làm rác, cô bắt đền tội nghiệp" - Chiều năn nỉ. 

Sau 10 phút thương lượng, bà ta đồng ý đền 200.000 đồng...

****************

Kỳ tới: Sống nhờ rác

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên