Các xe thùng tập kết hàng dài chờ đưa rác lên xe ép tại điểm đổ rác kế bên cầu Sài Gòn - Ảnh: HỮU THUẬN
Cuối tháng 10, Sài Gòn mưa xối xả nhưng Nguyễn Văn Chiều vẫn đội mưa chạy xe thùng đến đường rác.
Đến nơi, trời vừa tạnh, quần áo chúng tôi đều ướt nhẹp. "Làm luôn đi, đi vài vòng nóng lên là khô áo quần ngay thôi mà" - Chiều nói.
Rác nuôi người
Người làm rác không sợ mùa nắng, nhưng lại ngán mùa mưa bởi hẻm ngập, đường ngập, rác trôi tứ tung.
"Bết" nhất là những hôm rác đã chất đầy thùng, trời đổ ập nước. Thùng rác nặng trĩu, xe chạy như kéo cả bể nước sau lưng.
Còn riêng những người làm rác ở đường Nguyễn Hữu Cảnh như Chiều thì mưa là nỗi khiếp sợ bởi đây là con đường ngập có tiếng ở Sài Gòn.
"Rác đã nặng rồi, vô đường ngập lút bánh xe mà chết máy nữa là khóc ròng luôn. Không đi lấy rác thì không được, lấy xong rồi mà không đi đổ thì cũng không xong" - Chiều kể.
Chừng nửa giờ, những bộ áo quần lấm lem của chúng tôi cũng đã ráo nước. Chiều chạy xe chở đến điểm lấy rác thứ hai ở chợ Thị Nghè. Khi xe thùng đã chạy sâu vào con hẻm, Chiều bảo tôi cầm lái để hai vợ chồng anh chất rác lên xe.
Theo Chiều, lái xe trong hẻm tay lái phải lụa mới có thể quay đầu xe nhẹ nhàng. Những người lấy rác rất sợ va chạm bởi xe thùng tự chế, khi dính dáng đến pháp luật thường sẽ bị tịch thu, mất phương tiện làm ăn.
6 năm trước Chiều làm thợ sửa xe ở Dĩ An. Cuộc sống quá vất vả nên mới xuống Thủ Đức làm thợ hồ. Được một thời gian thì ông anh rể bày đường cho hai vợ chồng về Bình Thạnh mướn nhà trọ làm rác.
"Cả dòng họ ông anh rể đều làm rác ở đây, hai vợ chồng thấy cũng ổn nên ở luôn theo nghề đến giờ đúng 6 năm" - vợ Chiều cho biết.
Cũng nhờ đi làm rác mà hai vợ chồng có đồng vô đồng ra tạm ổn để nuôi con gái sinh non khi mới 7 tháng tuổi. Còn trẻ, còn sức nên một ngày hai vợ chồng nhận đến ba đường rác. Một đường ở quận Gò Vấp, hai đường ở Bình Thạnh.
Cứ một thùng rác đầy, chủ trả 2 triệu/tháng, ba thùng cũng được 6 triệu/tháng. Theo Chiều, thùng rác và xe máy kéo thùng thì chủ sắm. Riêng tiền xăng xe, hư hỏng người làm tự chịu. Trừ trường hợp xe hỏng nặng thì chủ mới chịu phân nửa tiền sửa chữa.
Đôi chân thoăn thoắt, mồ hôi ướt đẫm cả chiếc áo khoác bạc màu, Chiều vừa hì hục gom rác vừa nói nghề này chỉ trông chờ vô tiền ve chai.
Một tháng, hai vợ chồng cũng kiếm được đôi ba triệu từ ve chai. "Nhờ vậy mới có tiền nuôi gia đình chứ, nhiều không có nhưng cũng bình bình sống qua ngày. Người ta nói cái nghề này sống nhờ rác là cũng đúng vì rác nuôi người mà" - Chiều nói.
Nguyễn Văn Chiều thu gom rác trên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: HỮU THUẬN
Nghề rác lấm lem, nhưng tâm phải sạch
Những ngày đổ rác ở điểm ép Cây Táo ngay chân cầu Sài Gòn, tôi gặp ông Châu, người mà Chiều gọi là cha. Ai chạy xe rác đến cũng phải chọc cười vài câu ông Châu mới chịu đẩy thùng lên xe ép.
Trong gần ba chục người đổ rác ở Cây Táo, ông Châu được gọi là sư phụ bởi ông là người lớn tuổi nhất - 64 tuổi. "Thằng Chiều nó chịu làm, sống có nghĩa có tình nên tao thương, nhận nó làm con nuôi" - ông Châu nói.
Thấy tôi sờ sờ chiếc đồng hồ đeo tay vàng chói của ông, ông Châu nói ngay: "Lụm đó, thêm vài chục ngàn thay pin là chạy ngon ơ".
Ông Châu sinh ra ở Gò Vấp. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đi kinh tế mới ở Định Quán (Đồng Nai) rồi lấy một cô gái chính gốc Sở Thùng (quận Bình Thạnh) làm vợ.
Năm 1992, cuộc sống quá khó khăn nên hai vợ chồng trở lại nghề rác mà nhà vợ ông đã gắn bó ở Sở Thùng. "Làm hơn hai chục năm rồi mà vẫn ở nhà mướn, đi làm mướn chứ không có được đường rác riêng như người ta" - ông Châu nói.
Một buổi sáng cuối tháng 10, tôi tìm về dãy nhà trọ xập xệ nằm lọt thỏm giữa hai quán nhậu bề thế cạnh cầu Rạch Lăng trên đại lộ Phạm Văn Đồng.
Phòng trọ của ông Châu tuy chật chội nhưng có đến hai cái đồng hồ treo tường, nhiều bàn ghế, tủ và ba cái quạt điện.
"Đồ lụm không đó, người này cho người khác cho đem về xài không hết" - ông nói. Ngay những con thú nhồi bông trang trí trong chiếc tủ cũ cũng là "chiến lợi phẩm" từ rác. "Ta nói chén đĩa, nồi niêu trong nhà là người ta cho hết đó" - ông Châu lại nói.
Theo ông Châu, cứ đến dịp rằm tháng 7 và tết là người dân ở các đường rác thương cho hai vợ chồng rất nhiều quà. Có người cho gạo, có người cho đường, bột ngọt, nước mắm, mì gói..., cũng có người cho tiền.
"Mình nghèo nhưng người ta tình nghĩa với mình như thế cũng đỡ tủi, nghề lấy rác vui nhất là nhận được cái tình của chủ nhà" - ông kể. Dịp rằm tháng 7 vừa rồi, hai vợ chồng ông được tặng gần cả tạ gạo.
Một năm, hai vợ chồng ông chỉ nghỉ đúng hai ngày tết. Riêng ngày 30 ông đi dọn đến hai chuyến, sáng một chuyến, chiều một chuyến sạch sành sanh rác trước mỗi gia đình mới an tâm về nhà trọ cúng 30 tết.
"Làm vậy mới tồn tại với nghề được chứ làm khơi khơi là văng ngay. Nghề rác quanh năm lấm lem nhưng cái tâm mình phải sạch, ăn đồng tiền của người ta phải làm cho tới nơi tới chốn" - bỗng dưng ông Châu bộc bạch triết lý nghề rác của một người đầu hai thứ tóc.
Lộc trời
Lộc trời đối với nghề rác chính là nhặt được vàng trong rác. Giới làm rác Sở Thùng vẫn không quên câu chuyện ông Hoàng nhặt được 10 cây vàng khi làm rác ở gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhặt được hộp bánh bằng sắt, khi lắc nghe cộp cộp, nặng trĩu lạ thường nên ông Hoàng để sang một bên.
Khi về nhà, ông mở ra thì thấy từng thỏi vàng vẫn còn nguyên trong bịch nilông. Đinh ninh là đồ giả nhưng tiệm vàng nói ngay đây là vàng thật.
Sau dạo đó, dân làm rác truyền tai nhau và moi móc rác kỹ hơn với hi vọng nhận lộc trời. Hai vợ chồng Chiều cũng có lần nhặt được vài phân vàng Tây lộc trời.
_________
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận