Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, sự năng động của các nhà làm phim Việt kiều có vẻ như đang chững lại, tạo cơ hội cho những nhà làm phim nội địa vươn lên nhờ nắm bắt tốt thị hiếu của khán giả và thiết lập các kỷ lục phòng vé mới.
Khoảng 5 năm trở lại đây, Charlie Nguyễn và Victor Vũ không còn là "cánh chim đầu đàn" như họ đã từng, "đả nữ" Ngô Thanh Vân cũng vừa mới "ngã ngựa" với Thanh Sói…
Trong khi đó, thế hệ những nhà làm phim Việt kiều đầu tiên gần như đã vắng bóng tại Việt Nam. Có phải các nhà làm phim Việt kiều đang bế tắc? Trước khi chờ câu hỏi này được trả lời, hãy cùng điểm lại những dấu ấn và thành công của họ tại Việt Nam.
Khoảng sau năm 1985, khi những vết thương của chiến tranh bắt đầu liền sẹo, mới có một vài đạo diễn Việt kiều trở về nước để làm phim. Đạo diễn Việt kiều đầu tiên đặt chân về Việt Nam để làm phim có thể nhắc đến là Hồ Quang Minh, vốn là một tiến sĩ vật lý sinh sống và làm việc ở Thụy Sĩ.
Đam mê điện ảnh và muốn kể những câu chuyện của Việt Nam sau chiến tranh, với một góc nhìn trung lập và phần nào đó mang cái nhìn chiêm nghiệm của Phật giáo, Hồ Quang Minh gây được tiếng vang với hai bộ phim thời đầu của anh là Con thú tật nguyền và Bụi hồng - đều được thực hiện trong những năm cuối 1980, đầu 1990.
Trong đó, Con thú tật nguyền, với sự tham gia diễn xuất của tài tử Trần Quang, một ngôi sao nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975 gây tiếng vang khá lớn khi tham dự một vài LHP quốc tế và được đánh giá khá cao.
Nhưng phải đến năm 1993, với sự xuất hiện của Mùi đu đủ xanh, phim đầu tay của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng giành được giải thưởng Camera D’or tại LHP Cannes và sau đó được đề cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, tên tuổi của đạo diễn Việt kiều này gây một ấn tượng mạnh mẽ với khán giả trong nước và cả những cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài.
Mùi đu đủ xanh là một hồi ức điện ảnh tuyệt đẹp của Trần Anh Hùng về Sài Gòn những năm đầu thập niên 60, được kể lại qua con mắt thuần khiết của Mùi, một cô bé nông thôn lên Sài Gòn giúp việc cho một gia đình trung lưu và chứng kiến những thăng trầm của gia đình này trong những năm tháng trưởng thành của cô.
Chỉ hai năm sau đó, với Xích lô (1995) Trần Anh Hùng đã vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp khi giành được giải thưởng cao nhất, giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 1995.
Năm 2000, Trần Anh Hùng hoàn thiện "trilogy" (bộ ba) về đề tài Việt Nam với Mùa hè chiều thẳng đứng, cũng được chọn tham gia LHP Cannes nhưng không đoạt giải, dù vậy vẫn được giới phê bình đánh giá cao về mặt nghệ thuật.
Cũng ở thập niên 90, khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam vào năm 1994, một số đạo diễn Việt kiều ở Mỹ cũng tìm đường về nước làm phim, trong đó có hai anh em Tony Bùi và Timothy Linh Bùi.
Năm 1996, họ trở về Sài Gòn để bắt đầu quay bộ phim Ba mùa (Three Seasons) - đây cũng được coi là bộ phim Mỹ đầu tiên được quay tại Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh.
Ba mùa có cấu trúc khác lạ, với câu chuyện đa tuyến (multi-narrative) song hành với nhau, nhưng đều có một điểm chung là các nhân vật đều đi tìm sự cứu rỗi cho quá khứ và niềm hy vọng cho tương lai. Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên của cả Mỹ và Việt Nam, trong đó có Harveil Keitel, ngôi sao Hollywood kỳ cựu…
Ba mùa - với bối cảnh chính ở Sài Gòn - tương ứng với 3 trục thời gian là quá khứ, hiện tại, tương lai, qua lý giải của anh em biên kịch, đạo diễn Tony Bùi là mùa nắng, mùa mưa và mùa hy vọng.
Bộ phim đầu tay này ngay lập tức gây tiếng vang khi tranh giải tại LHP Sundance - một LHP độc lập hàng đầu tại Mỹ - và giành chiến thắng với 3 giải quan trọng vào năm 1999.
Điểm dễ nhìn thấy của thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên là họ thường tái hiện những câu chuyện mang màu sắc hồi cố về một thời đã qua hoặc góc nhìn trực diện về hiện thực trong những năm đầu Đổi mới, tất nhiên được kể qua con mắt của đạo diễn Việt kiều.
Dòng phim họ thường chọn để kể thường là độc lập (indie) hoặc nghệ thuật (arthouse) và thường mang đi tranh giải tại các LHP quốc tế danh giá hơn là dành cho khán giả nội địa.
Một số đạo diễn Việt kiều sau này tiếp nối tinh thần nghệ thuật của thế hệ đi trước và cũng tạo dựng được thành công tại quốc tế, có thể kể đến như Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu (2004), Lưu Huỳnh với Áo lụa Hà Đông (2006) và gần đây nhất là Leon Le với Song Lang (2018).
Vào đầu những năm 2000, khi thị trường nội địa bắt đầu khởi sắc trở lại sau thành công của một số bộ phim giải trí ăn khách như Gái nhảy (2003) của đạo diễn Lê Hoàng, Những cô gái chân dài (2004) của Vũ Ngọc Đãng và Nụ hôn thần chết (2006) của Nguyễn Quang Dũng… làn sóng đạo diễn Việt kiều thứ 2 bắt đầu xuất hiện.
Điểm khác biệt của thế hệ thứ 2 này là đa số đều trở về từ Mỹ và nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của khán giả hơn. Điều đó có nghĩa là mục tiêu làm phim của họ là chinh phục thị trường điện ảnh nội địa, một thị trường quá tiềm năng với hơn 90 triệu dân và có lượng khán giả trẻ đến rạp chiếm tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, không hề dễ dàng để chinh phục khán giả trẻ vì họ trình độ thưởng thức điện ảnh của họ đã cao hơn nhiều nhờ tiếp cận những bộ phim giải trí đến từ Hollywood cũng như nhiều nền điện ảnh phát triển ở châu Á.
Đó là lý do khiến một số đạo diễn Việt kiều trẻ tuổi, được đào tạo bài bản và nhiều tham vọng, nhưng chưa có nhiều trải nghiệm về văn hóa bản địa hay hiểu biết rõ về thị hiếu khán giả… đã thất bại đau đớn và từ bỏ luôn con đường điện ảnh.
Có thể kể ra những trường hợp thất bại thê thảm tại phòng vé của hai đạo diễn trẻ Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn với 1735km, phim hành trình (roadtrip) của một đôi bạn trẻ từ Hà Nội vào Sài Gòn hay Ringo Le với Saigon Love Story với câu chuyện tình yêu lãng mạn mang hơi hướng nhạc kịch, có sự tham gia của hai diễn viên trẻ đang lên lúc đó là Ngô Thanh Vân và Hứa Vĩ Văn.
Một đạo diễn khác, xuất thân từ dân làm quảng cáo là Othello Khanh cũng gặp thất bại thê thảm với Sài Gòn nhật thực - một bộ phim… thảm họa với cách kể chuyện vừa sến sẩm vừa cũ kỹ đến khó tin.
Dòng phim giải trí của thế hệ đạo diễn Việt kiều thứ 2 chỉ thực sự khởi sắc với sự xuất hiện của hai đạo diễn Charlie Nguyễn và Victor Vũ.
Trong 15 năm qua, lúc họ mới bắt đầu đặt chân về Việt Nam làm phim đến nay, đây vẫn là hai đạo diễn thành công nhất tại phòng vé, với nhiều kỷ lục được thiết lập.
Năm 2007, anh em đạo diễn, diễn viên Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn về Việt Nam để thực hiện giấc mơ điện ảnh của họ với bộ phim hành động dã sử có tên Dòng máu anh hùng (The Rebel).
Charlie Nguyễn, trước đó đã được biết đến nhờ những bộ phim hài hay một số tiểu phẩm anh thực hiện cho Vân Sơn, trong khi đó Johnny Trí Nguyễn đã thành danh với tư cách một cascadeur (diễn viên đóng thế) cho nhiều phim bom tấn của Hollywood.
Thế nhưng, khát vọng lớn nhất của họ là thực hiện những bộ phim hành động võ thuật để tiếp nối giấc mơ của cha họ - một võ sư nổi tiếng trước 75 tên là Nguyễn Chánh Sử, cũng như một người chú là diễn viên danh tiếng Nguyễn Chánh Tín.
Dòng máu anh hùng, bộ phim đầu tay của anh em họ Nguyễn được đầu tư kinh phí lên đến 1 triệu USD, một con số rất lớn ở thời điểm năm 2007, tạo được tiếng vang ngay từ khi mới ra mắt khán giả.
Kịch tính, hấp dẫn với phong cách làm phim hành động kiểu Hollywood trên nền một câu chuyện mang hơi hướng dã sử lấy cảm hứng từ thời kháng chiến chống Pháp - Dòng máu anh hùng là một bộ phim thực sự nâng tầm điện ảnh giải trí Việt Nam. Nhận định đó, đến nay, vẫn chính xác.
Thất bại (về doanh thu này) khiến anh em họ Nguyễn phải chuyển hướng sang làm dòng phim hài hoặc hài lãng mạn (rom-com) với kinh phí sản xuất thấp và nhanh thu hồi vốn.
Sự chuyển hướng này giúp họ đạt được thành công lớn với một loạt phim từng là "hit" tại phòng vé trong suốt nhiều năm sau đó như Để Mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Long ruồi, Tèo em, Để Hội tính… và cả những phim do Charlie Nguyễn sản xuất như Em chưa 18 (từng lập kỷ lục ăn khách nhất mọi thời với hơn 170 tỉ đồng vào dịp lễ 30-4 năm 2017), Chàng vợ của em (kiêm đạo diễn)…
Chậm hơn anh em họ Nguyễn một chút, Victor Vũ "chào sân" khán giả nội địa với bộ phim lãng mạn hài Chuyện tình xa xứ (Passport to Love) vào năm 2009. Đây là bộ phim được quay cả ở Mỹ và Việt Nam, với sự tham gia của Huy Khánh, Bình Minh và Kathy Uyên, một diễn viên Việt kiều trước đó phát triển sự nghiệp ở Hollywood.
Chuyện tình xa xứ, dù không gây tiếng vang như Dòng máu anh hùng, nhưng phong cách làm phim chuyên nghiệp và cách nắm bắt thị hiếu khán giả thông minh của Victor Vũ cũng đủ để giới thiệu một đạo diễn Việt kiều tiềm năng tại Việt Nam.
Sau scandal phim Giao lộ định mệnh (được cho là copy ý tưởng kịch bản phim hình sự của Hollywood), Victor Vũ nhanh chóng lấy lại được thương hiệu của mình nhờ Cô dâu đại chiến và Scandal - Bí mật thảm đỏ.
Hai bộ phim thuộc hai thể loại khác nhau, một hài (Cô dâu đại chiến), một hình sự kinh dị (Bí mật thảm đỏ) nhưng đều có một điểm chung là phong cách kể chuyện vô cùng hấp dẫn và chinh phục được khán giả trẻ.
Sự thành công tại phòng vé (và cả những giải thưởng điện ảnh) cho thấy Victor Vũ là một đạo diễn thông minh, nhanh nhạy và có thể làm được nhiều thể loại phim khác nhau.
Điều đó đã được chứng minh bằng một số phim thành công tiếp nối sau đó như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc (hai bộ phim chuyển thể văn học từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh)…
Tất nhiên, trong sự nghiệp của mình, Victor Vũ cũng gặp một số thất bại tại phòng vé với Lôi Báo hay Người bất tử, nhưng anh vẫn là đạo diễn Việt kiều hiếm hoi thành công nhất tại Việt Nam với số lượng phim gần như đều đặn mỗi năm.
Từ sự thành công của Charlie Nguyễn và Victor Vũ, nhiều đạo diễn và nhà làm phim Việt kiều cũng nhanh chóng trở về để chinh phục khán giả, và ít nhiều tạo dựng được tên tuổi như Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Lê Văn Kiệt…
Và trong số này, không thể không kể đến hai gương mặt nữ nổi trội nhất là Kathy Uyên và Ngô Thanh Vân.
Kathy Uyên bắt đầu được biết đến với vai trò diễn viên qua vai nữ chính trong bộ phim Chuyện tình xa xứ (2009) rồi sau đó quyết định ở lại Việt Nam để làm phim.
Trong hơn 10 năm qua, cô khá thành công ở một số bộ phim như Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) hoặc giữ vai trò đạo diễn, nhà sản xuất với bộ phim Chị chị em em thành công tại phòng vé.
Vài năm gần đây, Kathy Uyên còn mở một trung tâm đào tạo diễn xuất và trực tiếp chỉ đạo cho nhiều diễn viên trẻ của Việt Nam.
Trong khi đó, Ngô Thanh Vân, một người đẹp trở về từ Na Uy, bắt đầu bước vào lĩnh vực giải trí với hình ảnh của một người mẫu, ca sĩ hồi đầu những năm 2000 rồi sau đó lấn sân sang điện ảnh.
Và cuối cùng, nghệ thuật thứ 7 mới là lĩnh vực mà Ngô Thanh Vân thành công nhất, với hình tượng "đả nữ" qua các bộ phim hành động như Dòng máu anh hùng, Truy sát hay Hai Phượng…
Cô cũng là nữ diễn viên Việt kiều hiếm hoi xuất hiện trong nhiều bộ phim của Hollywood. Tuy nhiên, "phong độ" của Ngô Thanh Vân cũng trồi sụt thất thường, với hai thất bại gần đây của 2 dự án đầu tư lớn là Trạng Tí và Thanh Sói.
Sau hơn 3 thập niên kể từ khi những đạo diễn, diễn viên hay nhà sản xuất Việt kiều đầu tiên trở về Việt Nam để làm phim đến nay - qua hai thế hệ làm phim với tư duy và phong cách làm phim khác nhau, tên tuổi của những nhà làm phim này ngày càng trở nên quen thuộc với khán giả, ở cả thị trường nội địa lẫn cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.
Họ cũng truyền cảm hứng cho nhiều nhà làm phim nội địa và góp phần nâng tầm chất lượng phim Việt. Tất nhiên bên cạnh những thành công, cũng không ít nhà làm phim gặp thất bại cay đắng, chịu thua lỗ nặng nề và đành phải từ bỏ giấc mơ điện ảnh. Nhưng có lẽ chuyện đó cũng không quá xa lạ với giới làm phim ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Điều quan trọng là tình yêu điện ảnh, tình yêu Việt Nam chưa bao giờ vơi cạn trong họ với nhiều dự án được ấp ủ hoặc chờ ngày được bấm máy.
Đạo diễn Trần Anh Hùng sau hơn 2 thập niên thực hiện các dự án điện ảnh mang tính quốc tế vẫn mong muốn tiếp tục thực hiện các bộ phim nói tiếng Việt với bối cảnh tại Việt Nam.
Bộ phim cuối cùng mà anh thực hiện tại Việt Nam là Mùa hè chiều thẳng đứng, cách đây đã 23 năm. Hồi cuối năm ngoái, tôi gặp đạo diễn Tony Bùi ở Sài Gòn khi anh đang về Việt Nam để khảo sát cho một dự án điện ảnh tiểu sử về nhiếp ảnh chiến tranh Nick Út, người từng chụp bức ảnh để đời về Em bé Napalm (Vietnam Napalm Girl).
Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh từ vài năm nay đang theo đuổi dự án Picturehouse - một phim bán tiểu sử lấy cảm hứng từ những trải nghiệm tuổi thơ về một "rạp chiếu bóng thiên đường" của gia đình anh ở Vũng Tàu trong những năm tháng chiến tranh.
Charlie Nguyễn sau nhiều năm đứng ở vai trò sản xuất cũng chuẩn bị trở lại với một số dự án mới ở cả hai vai trò đạo diễn và nhà sản xuất, trong đó đáng kỳ vọng nhất là dự án phim tiểu sử về "điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn. Victor Vũ cũng đang bấm máy dự án điện ảnh với Người vợ cuối cùng sau dự án miniseries Trại hoa đỏ không mấy tạo được tiếng vang.
Và sau thành công của Song Lang, bộ phim đoạt gần 50 giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế, Leon Le cũng đang trở lại với dự án thứ 2 có tên là Quán Kỳ Nam lấy cảm hứng từ một khu chung cư cũ ở Sài Gòn, nơi anh từng tá túc trong lúc về Việt Nam để làm phim Song Lang.
Ngoài sự trở lại đáng kỳ vọng này của những gương mặt tiêu biểu của cả hai thế hệ kể trên, điện ảnh Việt cũng đang chờ đợi một thế hệ các nhà làm phim Việt kiều thế hệ mới, mà Fanti - bộ phim sắp ra mắt của đạo diễn Andy Nguyễn - có thể coi là một niềm hi vọng mới, khi nhận được "sự bảo trợ" của các nhà sản xuất mát tay của 2 phim thành công lớn là Bố già và Tiệc trăng máu.
Từng học làm phim tại Mỹ, Andy Nguyễn (cháu của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) quyết định trở về Việt Nam để làm nghề và "ăn dầm nằm dề" tại Sài Gòn nhiều năm nay để sống và dùng chất liệu trải nghiệm văn hóa thu nhận được ở Việt Nam cho bộ phim đầu tay về những hào quang, sự đố kị và cái giá phải trả của những "hotgirl" trên mạng xã hội.
Với sự xuất hiện của 2 gương mặt nữ chính là Thảo Tâm và Hồ Thu Anh, dù ít nhiều gợi liên tưởng đến cuộc đối đầu đen tối giữa Vân Trang và Maya trong Scandal của Victor Vũ năm nào, hi vọng rằng Fanti là một bộ phim hình sự kịch tính ít nhiều phản ánh được dấu ấn của thế hệ gen Z trong vòng xoay của ảo vọng danh tiếng trên mạng xã hội.
Và biết đâu, mở ra một "Làn sóng đạo diễn Việt kiều thế hệ thứ 3"?
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận