31/05/2024 11:03 GMT+7

Đối đầu áp lực mới đi làm, gen Z tập... lì

Nhiều bạn trẻ nói mới đi làm đầy áp lực, song thay vì từ bỏ, họ quyết tâm làm tốt công việc mới bằng nỗ lực và kiên trì.

Nhiều bạn gen Z không còn muốn nhảy việc trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại - Ảnh minh họa: Freepik

Nhiều bạn gen Z không còn muốn nhảy việc trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại - Ảnh minh họa: Freepik

Chịu khổ để tạo nền móng cho tương lai

Tốt nghiệp, Đặng Quế Trân (23 tuổi) tìm được công việc tại phòng truyền thông của một studio ở TP Thủ Đức (TP.HCM). Dù không đúng chuyên ngành, lương cũng không tốt nhưng cô bạn gen Z này nói hài lòng với công việc đó.

"Mình học ngôn ngữ Anh và có nguyện vọng theo đuổi ngành truyền thông trong tương lai. Công việc này với mình như một bước đệm nên không muốn bỏ qua cơ hội này", Trân cười.

Vì trái ngành, hầu như Trân phải học lại mọi thứ từ đầu. Chưa kể cô phải đổi giờ giấc sinh hoạt để thích nghi với tính chất công việc. Việc thức vài ngày liên tiếp để làm việc với Trân dần trở thành chuyện thường ngày.

Khá áp lực nhưng bạn chưa bao giờ muốn nghỉ. Trân nói không chỉ là công việc kiếm sống, mà sẽ mang lại nhiều mối quan hệ chất lượng trong mảng truyền thông đang hướng tới.

Cô gái 23 tuổi ấy nói tất cả những gì có thể làm khi đối mặt với trở ngại là… lì! "Mình luôn chủ động hỏi sếp và các anh chị đi trước khi gặp bế tắc trong công việc để học hỏi và rút kinh nghiệm", Trân khoe.

Để trang trải cuộc sống, Trân còn tìm công việc bán thời gian kiếm thêm thu nhập để có thể bám trụ và tìm thêm cơ hội mới ở mảng truyền thông, sự kiện.

Không ít lao động trẻ hiện nay đang khó tìm được việc làm phù hợp và đúng mong muốn như trước đây - Ảnh minh họa: Freepik

Không ít lao động trẻ hiện nay đang khó tìm được việc làm phù hợp và đúng mong muốn như trước đây - Ảnh minh họa: Freepik

Mong công việc ổn định

Nguyễn Hồng Ý (22 tuổi, ở Bình Dương) vừa kết thúc kỳ thực tập cách đây không lâu nhưng đã có ngay công việc chỉ sau lần nộp CV đầu tiên, làm nhân viên phòng marketing một công ty hướng nghiệp.

Đúng sở thích, lại tương đồng ngành học, nhưng anh có chút vỡ mộng vì "không nghĩ đi làm lại mệt thế". Hỏi ra mới biết dù công việc chưa nhiều, song phải theo dõi các nhóm chat liên tục để nắm cách vận hành của công ty.

"Tôi đang phải học rất nhiều thứ. Mới những ngày thử việc mà đã quay cuồng, về nhà mệt rã rời, hết muốn làm gì", Ý kể.

Do có đi hỏi thăm trước đó, anh chàng hiểu áp lực này hầu như ai cũng gặp khi bắt đầu đi làm. Bản thân muốn ổn định, không muốn phải bay nhảy "nay chỗ này mai chỗ khác", nên anh dặn mình phải gạt áp lực qua một bên và càng phải nỗ lực hơn.

Trong khi đó, Thu Vinh (23 tuổi) cho biết đang khá ổn với công việc hành chính tại một công ty nước ngoài, dù cũng có giai đoạn nhiều việc quá nên cũng hơi đuối.

"Có lúc thấy vô cùng áp lực và mệt mỏi, nhất là khi không được sếp hay đồng nghiệp hỗ trợ nên cũng từng nghĩ đến xin nghỉ", Vinh bộc bạch.

Nhưng nhớ lại thời gian đi rải CV khắp nơi mà hầu như không nhận lại phản hồi nào, cô bạn tự dập tắt ngay suy nghĩ đó. "Bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện nay, có một công việc với thu nhập ổn định đã là rất may mắn", Vinh cười.

Gen Z thích nhảy việc là điều bình thườngGen Z thích nhảy việc là điều bình thường

'Không có gì quá đặc biệt khi nói thế hệ Gen Z hay nhảy việc. Ở đâu các bạn cảm thấy công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo, năng lực, sở trường, mức lương thì các bạn sẽ dừng lại đó'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên