Cột lửa bùng lên tại kho xăng dầu Lugansk sau đợt tấn công của quân đội Ukraine ngày 7-3 - Ảnh: Tass
* Theo TTXVN, trước khi bắt đầu vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine ngày 7-3, Trợ lý Tổng thống đồng thời là trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga sẽ một lần nữa nêu vấn đề về hoạt động của các hành lang nhân đạo trong cuộc đàm phán với Ukraine.
* Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba dự kiến có cuộc gặp ngày 10-3 bên lề Diễn đàn Ngoại giao tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng nước chủ nhà Mevlut Cavusoglu cho biết sẽ tham dự. Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận thông tin này.
* Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tuyên bố chính quyền Kiev không chấp nhận các hành lang nhân đạo do Nga mở với lộ trình đi đến Nga và Belarus. Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng chỉ trích việc Nga chỉ mở các hành lang nhân đạo hướng tới lãnh thổ Nga hoặc Belarus.
* Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết hơn 140.000 người Ukraine, chủ yếu là nam giới, đã trở về Ukraine từ khi xung đột bắt đầu. Hàng chục nghìn người trong số họ đã tham gia Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, theo Hãng tin Reuters ngày 7-3.
* Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, cho biết các thành viên của đoàn đàm phán Nga và Ukraine sẽ không công khai các đề xuất của họ trước khi gặp nhau. Trong cuộc phỏng vấn ngày 7-3 với truyền thông Nga, ông giải thích điều này nhằm tránh dư luận tạo áp lực lên các nhà đàm phán và kích động các hành động sai trái, theo Interfax.
* Một đợt pháo kích của quân đội Ukraine đã trúng vào kho xăng dầu ở Lugansk khiến lửa bùng lên dữ dội và có nguy cơ lan rộng, theo Hãng thông tấn Tass ngày 7-3.
Bản đồ của báo New York Times thể hiện các hướng tiến quân của Nga trong ngày 6-3 đều dồn về phía Kiev làm dấy lên nhiều lo ngại - Nguồn: NEW YORK TIMES, VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN TRANH (MỸ)
* Ngày 6-3, Nga cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine, bao gồm cả các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), về việc cho phép các máy bay quân sự của Kiev bay vào không phận. Bộ Quốc phòng Nga gọi đây là hành động tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang.
* Ngày 7-3, báo The Guardian trích dẫn một báo cáo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết quân đội Nga “đang bắt đầu tập trung quân lực để tấn công Kiev”. Tại thành phố Irpin ở ngoại ô phía tây của Kiev, quân đội Nga đang tập trung các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới và cố gắng tiến vào ngoại ô phía đông của Kiev thông qua các quận Brovarsky và Boryspil.
* Theo dữ liệu do Liên Hiệp Quốc (LHQ), công bố ngày 6-3, số người sơ tán tránh xung đột tại Ukraine đến nay là hơn 1,5 triệu người và dự kiến có thể lên tới con số 4 triệu.
Pháo tự hành của quân đội Ukraine đặt tại Makariv phía tây Kiev khai hỏa trong một đợt tấn công ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS
* Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ mở các hành lang nhân đạo cho thường dân rời đi ở Kiev, Kharkov, Mariupol và Sumy trong ngày hôm nay 7-3. Hãng thông tấn Interfax trích thông báo cho biết việc ngừng bắn sẽ bắt đầu lúc 10h sáng theo giờ Nga (14h cùng ngày giờ Việt Nam). Đây là đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-3.
* Hãng thông tấn AFP trích thông báo ngày 7-3 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine cho biết gần như tất cả công dân nước này đã được sơ tán sang các nước khác. “Hiện tại tình hình căng thẳng ở Ukraine tiếp tục diễn biến xấu, những ai còn đang ở lại hãy rời đi càng sớm càng tốt”, phía Trung Quốc kêu gọi. Ít nhất 1 người Trung Quốc đã bị thương khi đang cố gắng di tản sang phía tây Ukraine nhưng chưa rõ bên nào tấn công, theo AFP.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo Hội chữ thập đỏ Trung Quốc sẽ sớm gởi hàng cứu trợ cho người dân Ukraine nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Ông cũng kêu gọi các bên tiếp tục tìm kiếm cơ hội đối thoại, theo Hãng tin Reuters. “Bình tĩnh lúc này là điều cần thiết thay vì đổ dầu vào lửa”, ông Vương Nghị nêu quan điểm.
* Thống kê ngày 6-3 của báo New York Times từ các nguồn tin cho biết trong 1 tuần qua, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đã chuyển cho Ukraine hơn 17.000 hệ thống vũ khí chống tăng, trong đó có tên lửa Javelin. Số vũ khí này được vận chuyển đến Ba Lan và Romania trên các vận tải cơ khổng lồ rồi men theo các ngả đường sang Kiev và các thành phố khác của Ukraine.
* Anh sẽ cung cấp thêm 100 triệu USD (75,6 triệu bảng Anh) thông qua Ngân hàng Thế giới, theo Hãng tin Reuters ngày 7-3, giúp Ukraine duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước cốt lõi và giảm thiểu áp lực tài chính từ xung đột. Trước đó, Anh đã cam kết hỗ trợ hơn 290 triệu USD để Ukraine trả lương cho người lao động trong khu vực công, các khoản lương hưu và an sinh xã hội.
Xe tăng mang ký hiệu Z của Nga ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS
* Đài CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết tính đến ngày 6-3, Nga đã bắn hơn 600 tên lửa vào Ukraine và 95% lực lượng tập trung gần biên giới Ukraine trước đó hiện đã vào Ukraine.
Cũng theo quan chức này, giao tranh vẫn diễn ra ở Kherson và Mykolaiv trong ngày 6-3 trong lúc quân Nga đang khép chặt vòng vây các thành phố khác như Kiev, Chernihov, Kharkov và Mariupol. Với thành phố Odessa lớn thứ ba nằm ở phía nam Ukraine, phía Mỹ cho biết chưa có dấu hiệu trên thực địa Nga sắp tấn công.
* Theo Tass, vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra lúc 15h ngày 7-3 giờ địa phương (khoảng 19h cùng ngày giờ Việt Nam). Theo nghị sĩ David Arakhamia, thành viên đoàn đàm phán Ukraine, cuộc đàm phán sẽ được tổ chức ở biên giới Ba Lan - Belarus thay vì biên giới Belarus - Ukraine như hai cuộc đầu tiên.
* Nhà đàm phán David Arakhamia của Ukraine nói trên Đài Fox News rằng Kiev sẽ không nhượng bộ vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong đàm phán với Nga, nhưng sẵn sàng thảo luận "mô hình phi NATO" cho tương lai của nước này tại một diễn đàn lớn hơn, với sự đảm bảo của các nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Pháp.
Nga và Ukraine dự kiến sẽ bước vào vòng đàm phán thứ 3 vào ngày 7-3, giờ địa phương. Phái đoàn của Ukraine và Nga đã có hai vòng đàm phán kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại nước láng giềng vào ngày 24-2.
* Nga nói rằng bất cứ quốc gia láng giềng nào của Ukraine, bao gồm Romania - thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiếp nhận máy bay quân sự của Kiev có thể dẫn đến việc nước đó tham gia vào cuộc xung đột vũ trang.
"Chúng tôi biết chắc chắn rằng các máy bay chiến đấu của Ukraine đã bay đến Romania và các nước láng giềng khác. Việc mạng lưới sân bay của các quốc gia này được sử dụng để làm căn cứ cho hàng không quân sự Ukraine sử dụng vũ lực chống lại quân đội Nga có thể được coi là sự tham gia của các quốc gia này vào một cuộc xung đột vũ trang", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói.
Một tòa nhà ở Kharkov, Ukraine, bị tấn công ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS
* Chính quyền Kharkov nói Nga đã hạ các đài phát thanh và truyền hình tại thành phố lớn thứ 2 của Ukraine. Theo đó, khu vực tòa nhà chứa thiết bị kỹ thuật của nhà đài đã bị phá hủy và mức độ thiệt hại của các tháp truyền hình đang được đánh giá. Vào ngày 1-3, Nga cũng tấn công tháp truyền hình ở thủ đô Kiev.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ lỗi cho phía Ukraine khiến hành lang nhân đạo sơ tán dân thường ở thành phố Mariupol không thể thông suốt sau 2 ngày nhất trí ngừng bắn giữa 2 bên. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine ngăn dân thường rời khỏi thành phố này và lợi dụng sự ngừng bắn để củng cố lực lượng. Trong khi đó, phía chính quyền Mariupol nói Nga vi phạm ngừng bắn.
* Mạng xã hội TikTok thông báo sẽ ngừng dịch vụ phát trực tuyến và hạn chế clip đăng từ Nga do các biện pháp chống "tin giả" của Matxcơva. Nga đã áp luật phạt tù đến 15 năm với người tung "tin giả" về tình hình Ukraine.
* Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 6-3. Điện Elysée nói ông Macron đã bày tỏ lo ngại về khả năng Nga tấn công thành phố quan trọng của Ukraine là Odessa. Ông Putin cho biết Nga quyết tâm đạt được mục tiêu là "trung lập hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.
* Bộ Tài chính Nga thông báo việc thanh toán trái phiếu chính phủ sẽ tùy thuộc vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo đó, Matxcơva cam kết sẽ thanh toán nợ đầy đủ và đúng hạn nhưng các khoản thanh toán có thể bị ảnh hưởng do trừng phạt. Theo Hãng tin Reuters, phương Tây hiện đã đóng băng phần lớn nguồn quỹ 640 tỉ USD của Nga.
Các em bé Ukraine ở khu lều dã chiến cho người tị nạn tại khu vực biên giới Romania ngày 6-3 - Ảnh: REUTERS
* Điện Kremlin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nói chuyện với Thủ tướng Israel Naftali Bennett qua điện thoại để trao đổi về "những cuộc tiếp xúc gần đây với các lãnh đạo thế giới" của ông Bennett. Nhà lãnh đạo Israel đã có cuộc gặp trực tiếp ông Putin ngày 5-3 và sau đó bay đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trước đó, ông Bennett cho biết Israel sẽ nỗ lực làm trung gian trong vấn đề Nga - Ukraine. Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cũng dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Latvia ngày 7-3.
* Ngày 6-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định. Ông Blinken đang có mặt tại châu Âu để phối hợp với các đồng minh phản ứng với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Giá dầu thế giới đã tăng kỷ lục sau các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và các đồng minh. Giá xăng tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ xăng nhiều nhất thế giới, tăng lên mức 4 USD/gallon, cao nhất kể từ năm 2008.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận