18/08/2016 13:33 GMT+7

Đọc Lý Quang Diệu và Singapore, nghĩ chuyện Việt Nam

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - NXB Trẻ vừa xuất bản một loạt bốn đầu sách về Lý Quang Diệu và Singapore: Lý Quang Diệu bàn về cầm quyền, Lý Quang Diệu bàn về quản lý, Lý Quang Diệu bàn về cuộc đời và Singapore của tôi: câu chuyện của một phụ nữ Khách Gia.

Bộ ba cuốn sách về Lý Quang Diệu và quyển Singapore của tôi với nhiều trăn trở của con gái ông Lý Quang Diệu - Ảnh: L.ĐIỀN
Bộ ba cuốn sách về Lý Quang Diệu và quyển Singapore của tôi với nhiều trăn trở của con gái ông Lý Quang Diệu - Ảnh: L.ĐIỀN

Bốn tập sách bao gồm ba quyển trích thuật ba mảng chính trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của nhà lãnh tụ Singapore: Lý Quang Diệu bàn về cầm quyền, Lý Quang Diệu bàn về quản lý, Lý Quang Diệu bàn về cuộc đời. Ba quyển này do Janice Tay và Ronald Kow tuyển chọn, Nguyễn Phan Nam An dịch.

Quyển thứ tư là Singapore của tôi: câu chuyện của một phụ nữ Khách Gia, tác giả là Lý Vỹ Linh - con gái ông Lý Quang Diệu, do Nguyễn Thị Kim Anh dịch.

Nhân dịp này, một cuộc trò chuyện giữa TS Nguyễn Minh Hòa, TS Nguyễn Thị Hậu và dịch giả Kim Anh mở ra một hướng nhìn tích cực về việc Việt Nam liệu có áp dụng được gì từ những bài học của Singapore vươn lên dẫn đầu khu vực chỉ sau 50 năm lập quốc.

TS Nguyễn Minh Hòa - được xem là chuyên gia về Singapore, tìm hiểu rất kỹ về ông Lý Quang Diệu và từng đem những bài học của Singapore tư vấn cho HĐND TP.HCM - kể lại câu chuyện về cốt cách Lý Quang Diệu và tấm lòng ông biết nghĩ cho dân.

Là lãnh tụ Singapore, nhưng ông Lý Quang Diệu không đồng ý dựng tượng mình và di chúc yêu cầu phá bỏ ngôi nhà mà ông đã ở, sống và làm việc.

“Ông yêu cầu phá ngôi nhà ấy vì nếu không, nó sẽ thành bảo tàng, và khi ông sống, vì lý do an ninh nên những nhà xung quanh không được xây cao hơn ngôi nhà của ông, cho nên đến khi ông mất, ông muốn những người dân sống xung quanh có thể xây nhà cao tầng, nếu để ngôi nhà thành Bảo tàng Lý Quang Diệu, những nhà xung quanh cũng lại không được xây cao hơn do phá vỡ cảnh quan” - TS Hòa kể lại.

Với cái nhìn lịch sử, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng Singapore tuy chỉ có bề dày mới nửa thế kỷ lập quốc, nhưng họ có tầm nhìn về lịch sử và văn hóa khi chọn những hiện vật đưa vào bảo tàng lưu giữ cho đời sau.

Sự kiện mới nhất là cách Singapore đang khuyến khích người trẻ đi học nghề nấu ăn của các nghệ nhân ẩm thực đường phố - một loại hình hiện đang mai một và cần có chính sách lưu giữ cùng với việc bảo tồn các khu phố cổ.

“Còn chúng ta nói đến phát triển bền vững thì chỉ hình dung bền vững về nền tảng vật chất thôi, trong khi đó ý nghĩa bền vững trong phát triển là cho con người và giữ vững các giá trị văn hóa gắn với cộng đồng” - bà Hậu nhấn mạnh.

Với tác phẩm của con gái ông Lý Quang Diệu lần đầu ra mắt bạn đọc Việt Nam, dịch giả Kim Anh tâm sự rằng đọc tác phẩm, thấy Lý Vỹ Linh trong tâm thế một bác sĩ đã trăn trở rất nhiều về đất nước Singapore.

Bà băn khoăn về vấn đề y đức, về những mặt trái của giáo dục Singapore, về sự lo lắng rằng thế hệ trẻ Singapore hiện nay đang hưởng thụ sung sướng liệu có ý thức giữ gìn những giá trị mà Singapore đã có hay không...

“Quyển sách vì vậy mang cả những góc khuất của đảo quốc đương đại này, chứ không chỉ là những lời ngợi ca như nhiều người hình dung” - dịch giả Kim Anh nhận xét với tư cách người đọc sớm nhất bản dịch tập sách này.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên