Trụ sở Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh: Q.TH.
Doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh
Thông tin được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra trong báo cáo giám sát tài chính công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), vừa gửi tới Bộ Tài chính.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của VNPT trong năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết công ty mẹ đạt doanh thu khoảng 40.748 tỉ đồng, đạt 90,22% kế hoạch năm.
Nhưng nếu loại trừ các ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, doanh thu của VNPT sẽ đạt khoảng 43.745 tỉ đồng, như vậy dịch bệnh đã làm doanh thu của tập đoàn này giảm khoảng 3.000 tỉ đồng so với kế hoạch.
Kết quả giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế của VNPT năm 2021 đạt khoảng 4.285 tỉ đồng, giảm hơn 200 tỉ đồng so với năm 2020.
Trong tổng doanh thu kinh doanh của VNPT năm 2021, doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt khoảng 36.811 tỉ đồng, giảm khoảng 3.833 tỉ đồng; doanh thu từ hoạt động cho thuê tài chính đạt 2.740 tỉ đồng, giảm 342 tỉ đồng; doanh thu khác đạt 1.197 tỉ đồng, tăng 437 tỉ đồng, so với năm 2020.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chính sách phòng chống dịch bệnh, năm 2021 VNPT đã thực hiện chương trình miễn, giảm, tặng cước viễn thông hỗ trợ khách hàng, tổng mức hỗ trợ tương đương khoảng 2.997 tỉ đồng, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 khoảng 400 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nộp ngân sách nhà nước của VNPT năm 2021 đạt 4.501 tỉ đồng, bằng 110% kế hoạch đề ra.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT trong năm 2021 là 6,1%, nếu loại trừ số tiền ủng hộ quỹ vắc xin trong năm, tỉ lệ này tăng lên 6,6%. VPNT kinh doanh có lãi, các chỉ số sinh lời tăng so với năm 2020.
Vốn chủ sở hữu nhà nước tại VNPT cuối năm 2021 đạt 67.595 tỉ đồng, tăng 1.221 tỉ đồng so với hồi đầu năm, hệ số bảo toàn vốn của công ty mẹ VNPT tăng 1,84%.
Bỏ trứng vào nhiều rổ
Về các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác, kết quả giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận VNPT có 59 khoản đầu tư vào 24 công ty con, 27 công ty liên kết và 8 khoản đầu tư tài chính khác.
Tổng giá trị vốn VNPT đầu tư ra ngoài doanh nghiệp khoảng 6.962 tỉ đồng, trong đó có khoảng 4.606 tỉ đồng đầu tư vào 3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông - VNPT VinaPhone, Tổng công ty Truyền thông - VNPT Media, và Công ty TNHH MTV Cáp quang - FOCAL.
Cả 3 công ty này đều kinh doanh có lãi trong năm 2021, với tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 2.229 tỉ đồng, VNPT thu về lợi nhuận khoảng 921 tỉ đồng.
Trong số này, có 22 đơn vị kinh doanh có lãi, 5 đơn vị kinh doanh thua lỗ, và 8 đơn vị chưa gửi báo cáo tình hình kinh doanh năm 2021.
Một số doanh nghiệp VNPT góp vốn đầu tư đang bị thua lỗ, gồm Công ty Stream Net (VNPT góp 72% vốn) lỗ 189 tỉ đồng, Công ty TNHH VKX (VNPT góp 50% vốn) lỗ 10,6 tỉ đồng, Liên doanh cáp đồng Lào Việt (VNPT góp 50% vốn) lỗ 1,1 tỉ đồng, Công ty CP Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến (góp 42,93% vốn) lỗ 3 tỉ đồng, Công ty CP truyền thông VMG (vốn góp 28,3%) lỗ 581,9 tỉ đồng.
Trong số 5 khoản đầu tư ra nước ngoài của VNPT, lũy kế đến cuối năm 2021 khoảng 13,12 triệu USD, đến nay đã thu được 1,13 triệu USD về nước.
Đáng lưu ý, khoản đầu tư vào Liên doanh cáp đồng Việt Lào đang lỗ lũy kế 1,18 triệu USD.
Tương tự, khoản đầu tư vào Công ty Stream Net tại Myanmar khoảng 10,28 triệu USD, hiện đang lỗ lũy kế 4,61 triệu USD.
Để cắt lỗ, hiện VNPT đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi hai công ty này.
Đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài vào Công ty ATH và Công ty ACASIA đến thời điểm giám sát chưa nộp báo cáo tài chính về VNPT.
Trong 5 khoản đầu tư ra nước ngoài của VNPT chỉ có khoản đầu tư 782.000 USD vào Công ty VNPT-Global HongKong đạt doanh thu 12,36 triệu USD, đang có lãi. Lũy kế đến cuối năm 2021 VNPT nhận được 1,02 triệu USD từ khoản đầu tư này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận