08/02/2024 07:30 GMT+7

Doanh nhân đồng hành cùng... tranh

Thay vì đầu tư bất động sản, một doanh nhân kinh doanh nông sản đã đầu tư vào tranh và đang sở hữu kho tranh hơn 700 bức trị giá ước khoảng 30 triệu USD.

Doanh nhân đồng hành cùng... tranh- Ảnh 1.

Văn phòng làm việc kết hợp showroom của Công ty Phúc Sinh nằm trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM) có vẻ là nơi trưng bày tranh hơn, dù nơi đây nhân viên đang hối hả cho những đơn hàng dịp cuối năm.

Tôi đang trên đường từ người sưu tầm tranh cá nhân thành người ủng hộ và bảo trợ nghệ thuật cho
các họa sĩ trẻ, mua tranh của họ, tổ chức các sự kiện giới thiệu họ với công chúng, cộng đồng yêu
tranh và những người sưu tập tranh.
Ông PHAN MINH THÔNG

Truyền cảm hứng yêu hội họa

Chủ nhân của những bức tranh đó là ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, cà phê và nhiều loại nông sản khác với doanh số 250 - 300 triệu USD/năm.

Ông Thông nói càng chơi tranh càng thấy tranh có giá trị cả về vật chất và nghệ thuật, văn hóa. Ai có tiền cũng mua đất, mua tài sản, còn ông mua tranh vì nghĩ rằng khi đời sống lên cao, các giá trị văn hóa tinh thần cũng tăng lên và người ta càng quan tâm tới nghệ thuật, hội họa.

Có những bức tranh của họa sĩ Việt Nam nhưng ông phải sang Hong Kong (Trung Quốc) để đấu giá đem về.

Bức tranh có giá nhất mà ông từng mua là 220.000 USD "nhưng bây giờ thì giá trị của nó gấp nhiều lần rồi", ông nói. Có những bức tăng giá 7-8 lần, lời hơn đầu tư đất.

"Tôi rất vui khi thấy khoảng 10 năm gần đây có nhiều người quan tâm tới hội họa, thích chơi tranh, sưu tầm tranh.

Hồi tôi bắt đầu sưu tập tranh, có nhiều bạn hỏi không hiểu mua tranh để làm gì. Nhưng khi họ đến nhà, thấy tranh đẹp, rồi ngỏ ý mua lại, hoặc nhờ tôi tư vấn mua tranh khi họ có nhà mới, văn phòng mới", ông Thông kể.

Người mua tranh từ bộ sưu tập của ông Thông cũng đa dạng lắm, từ các chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước từng quen biết, đang làm ăn đến những gia đình có điều kiện mà người ta hay gọi là "đại gia" và cả bạn bè.

Không chỉ thế, cảm hứng yêu tranh còn được lan tỏa ra các thành viên của công ty. "Chị nấu ăn, anh lái xe ở công ty sau nhiều năm làm việc nay cũng thích tranh. Nếu bạn giáo dục một người có điều kiện tài chính yêu thích hội họa thì cũng là bình thường.

Nhưng bạn thay đổi được một người không có nhiều điều kiện trở thành người yêu thích và trân trọng hội họa, có tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp thì đó là thay đổi lớn", ông Thông chia sẻ.

Nâng niu tài năng họa sĩ trẻ

Trước đây ông Thông chỉ mua tranh của những nghệ danh nổi tiếng Việt Nam như Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hoàng... có giá trị hàng tỉ đồng mỗi bức nhưng gần đây ông chuyển sang ủng hộ các họa sĩ trẻ. "

Tôi nghĩ mình có khả năng, cũng nên tạo điều kiện cho nhiều người, nhất là các nghệ sĩ có tài năng nhưng thiếu cơ hội được phát triển và tỏa sáng", ông kể.

Từ đó, bên cạnh mua tranh để ủng hộ các họa sĩ trẻ, ông Thông còn đứng ra tổ chức các buổi triển lãm cho các họa sĩ. "Tôi chưa từng nghĩ đến ngày mình đi xin phép trưng bày tranh cho các họa sĩ trẻ, nhưng tôi đã làm, đã thành công khi giới thiệu các họa sĩ này tới công chúng", ông nói.

Rồi ông tham gia vào hội những doanh nhân yêu tranh, mua tranh và đầu tư tranh.

Có lẽ trong giới doanh nhân đang có chuyển biến, thay vì lao vào đầu tư đất đai, cổ phiếu... họ đã quan tâm hơn tới nghệ thuật. Khi đã yêu tranh rồi họ sẽ khó bỏ lắm.

Thường người ta mua một bức rồi sẽ mua hai, rồi mua nhiều hơn lúc nào không biết, càng mua càng thích, càng hiểu hơn về nghệ thuật.

"Đó là một khoản đầu tư, nhưng tôi nghĩ rằng khi có nhiều doanh nhân quan tâm đầu tư nghệ thuật sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội trong tương lai", ông Thông nói.

Đến nay bộ sưu tập của ông Phan Minh Thông có đến 700 bức tranh các loại của nhiều họa sĩ trong và ngoài nước mà theo ông trị giá khoảng 30 triệu USD.

"Tôi tận dụng nhiều nơi để treo tranh, từ văn phòng, showroom, đến các nhà máy sản xuất và mở 4 phòng tranh. Trong đó phòng tranh lớn nhất rộng 3.600m2 ở trong khuôn viên nhà máy chế biến cà phê. Tham vọng của tôi sẽ là có đủ tranh để mở một bảo tàng tranh tư nhân", ông Thông nói.

Đưa nghệ thuật vào nông sản Việt

Ngoài tranh, ông Thông còn viết sách về kinh doanh, trong đó có cả sách bán ở nước ngoài. Ông đã đầu tư khá kỹ cho công việc viết sách và cố gắng đưa nghệ thuật vào sản phẩm.

Rất nhiều bao bì cà phê được thiết kế bắt mắt với màu sắc đẹp như trong những bức tranh phong cảnh mà ông sở hữu và yêu thích. Khi đưa ra thị trường nhận được nhiều lời phản hồi tích cực của bạn bè và khách hàng.

Nhiều người nhắn tin cho biết rất vui khi nhận được gói cà phê, hộp quà tặng của công ty. Theo ông, nghệ thuật đã đi vào cuộc sống rất đơn giản như thế.

Chủ tịch công ty Phúc Sinh viết sách về khởi nghiệpChủ tịch công ty Phúc Sinh viết sách về khởi nghiệp

Tác giả Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh chính thức giới thiệu đến độc giả một tác phẩm mang tựa đề “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên