28/03/2023 16:24 GMT+7

Doanh nghiệp Úc sẵn sàng chuyển giao công nghệ pin dự trữ năng lượng cho Việt Nam

Đại diện doanh nghiệp Úc khẳng định sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng hệ thống và thiết bị để sản xuất pin dự trữ năng lượng lớn ngay trong nước, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp Úc sẵn sàng chuyển giao công nghệ pin dự trữ năng lượng cho Việt Nam - Ảnh 1.

Các đại diện phái đoàn doanh nghiệp năng lượng Úc sang Việt Nam, gồm các công ty chuyên về công nghệ pin dự trữ năng lượng quy mô lớn; các công ty trong lĩnh vực tư vấn, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo; các công ty chuyên về công nghệ truyền tải và sử dụng điện hiệu quả - Ảnh: AUSTRADE

Ngày 28-3, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Úc về chuyển dịch năng lượng 2023. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Cơ quan thương mại và Đầu tư chính phủ Úc (Austrade), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đây là chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Úc và Việt Nam trong năm 2023. Diễn đàn thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng của hai nước, đồng thời giới thiệu các công nghệ và giải pháp năng lượng mới từ Úc.

Sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng hệ thống pin dự trữ năng lượng

Các nguồn năng lượng tái tạo cần đến các thiết bị có khả năng lưu trữ lớn nhưng phải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn (chịu nhiệt, chống cháy) và thân thiện với môi trường. Một giải pháp nổi bật đang được áp dụng ở Úc là pin lưu trữ năng lượng.

Pin dự trữ năng lượng là giải pháp khả thi để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, phòng khi thời tiết khắc nghiệt các nhà máy không thể hoạt động hoặc lượng điện tạo ra không tiêu thụ hết ngay lập tức.

Tại diễn đàn, hai công ty từ Úc đã giới thiệu các sản phẩm pin dự trữ năng lượng công nghệ cao.

Hệ thống pin của Magellan có thể dự trữ năng lượng ở quy mô gia đình hay xây dựng các trạm điện độc lập.

Trong khi đó, sản phẩm pin Vanadi của Ultra Power Systems phù hợp với các không gian nhỏ, đòi hỏi độ an toàn cao và chống cháy nổ. Được biết, pin Vanadi đang được sử dụng tại các khu vực hầm mỏ ở Úc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề tọa đàm, ông Masoud Abshar - giám đốc điều hành Magellan Power - cho biết sẵn sàng chuyển giao công nghệ pin lưu dự trữ năng lượng cho Việt Nam.

"Chúng tôi có thể cung cấp trực tiếp giải pháp cho Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng một số giải pháp vô cùng đắt đỏ. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng giúp các bạn tự xây dựng hệ thống và thiết bị, để các bạn có thể sản xuất ngay tại Việt Nam", ông Abshar chia sẻ.

Ông Abshar nhấn mạnh dự trữ năng lượng tái tạo ở Việt Nam là việc cần phải thực hiện.

Doanh nghiệp Úc sẵn sàng chuyển giao công nghệ pin dự trữ năng lượng cho Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Masoud Abshar từ Công ty Magellan Power cho biết sẵn sàng chuyển giao công nghệ pin dự trữ năng lượng cho Việt Nam - Ảnh: THANH HIỀN

Việt Nam và Úc có cùng mục tiêu net zero

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski chia sẻ Chính phủ Úc đã cam kết hành động vì khí hậu, với mục tiêu giảm 43% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và bằng 0 vào năm 2050.

Ông Simon Roz - từ Bộ Biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và nước của Chính phủ Úc (DCCEEW) - cho rằng hệ thống lưới điện của hai quốc gia khá tương đồng, cùng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, chủ yếu là điện than.

Sản xuất năng lượng tái tạo ở Úc đạt kỷ lục vào ba tháng cuối năm 2022, cung cấp hơn 40% điện năng trong lưới điện quốc gia.

Úc đặt ra Chiến lược Hydro quốc gia nhằm phát triển tầm nhìn công nghệ hydro sạch, bổ sung vào xuất khẩu năng lượng của nước này.

Ông Roz bày tỏ mong muốn được tìm hiểu và phối hợp với Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu net zero.


Lưới điện Việt Nam không theo kịp năng lượng tái tạo

Nhu cầu năng lượng tái tạo đang tăng cao ở Việt Nam, tăng 8% đến 10%/năm. Tuy nhiên, lưới điện Việt Nam hiện không theo kịp năng lượng tái tạo, gây ra tình trạng nghẽn mạch, cắt giảm năng lượng tái tạo trong hệ thống.

Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đến năm 2050 của Bộ Công Thương, nguồn điện than sẽ chỉ phát triển các dự án sẵn có đến năm 2030.

Điện LNG sẽ chỉ phát triển đến năm 2035, sau đó chuyển sang khí hydro. Nguồn điện khí ưu tiên phát triển trong nước để đảm bảo tính tự chủ.

Với năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trương đẩy mạnh điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối phù hợp với năng lực vận hành của hệ thống, đảm bảo giá thành điện năng hợp lý.

Việt Nam đang ở thời điểm chín muồi để phát triển điện gió ngoài khơiViệt Nam đang ở thời điểm chín muồi để phát triển điện gió ngoài khơi

Việt Nam có chuỗi cung ứng tốt, có thể huy động nhanh chóng cho việc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi, vấn đề là vẫn chưa hoàn thiện một khung pháp lý rõ ràng và nhất quán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên