
Doanh nghiệp Trung Quốc điều chỉnh chiến lược xuất khẩu trước áp lực thuế quan từ Mỹ - Ảnh: Southcn
Theo tờ báo kinh tế Trung Quốc 21st Century Business Herald (21CBH) ngày 10-4, trước những bất định toàn cầu do thuế quan Mỹ, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách thích ứng bằng những thay đổi sâu rộng, hướng tới mô hình tăng trưởng linh hoạt và bền vững hơn.
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan bổ sung, nâng tổng mức thuế đánh lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 145% sau đợt tăng mới nhất vào ngày 10-4 (giờ Việt Nam) đã đặt các doanh nghiệp Trung Quốc trước áp lực chưa từng có.
Mở rộng sự hiện diện tại các thị trường châu Âu, Nga, Úc...
Theo tờ 21CBH, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ và năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất cạnh tranh tại thị trường Mỹ, nơi vốn chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Một số doanh nghiệp chia sẻ rằng kế hoạch dịch chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á - nơi từng được kỳ vọng là vùng đệm thuế quan - nay cũng gặp không ít trở ngại khi chính sách thuế của Mỹ mở rộng phạm vi áp dụng và chưa có cam kết dài hạn về việc duy trì ưu đãi cho các nước không trả đũa.
Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu chuyển hướng, chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng và phân khúc hóa sản phẩm.
Theo 21CBH, một số doanh nghiệp đang triển khai mô hình chuỗi cung ứng đa điểm như CN+1 và CN+2, tức là mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro từ rào cản thuế quan.
Để "không đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ", nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng mở rộng sự hiện diện tại các thị trường như châu Âu, Nga, Úc, Mỹ Latin - những khu vực được xem là có tiềm năng và ổn định hơn trong ngắn hạn.
Tại thị trường châu Âu, một số doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các kênh phân phối và phát triển sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Tống Lỗi, nhà sáng lập một công ty công nghệ tại Thượng Hải, chia sẻ với 21CBH rằng họ đã chuyển phần lớn nguồn lực ban đầu hướng đến thị trường Mỹ sang các thị trường khác như châu Âu và Nga, nơi rào cản thương mại ít khắt khe hơn.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển sản xuất quy mô lớn vẫn là thách thức, đặc biệt với các ngành có chuỗi cung ứng phức tạp như điện tử và phụ tùng ô tô.
Trong khi đó, một xu hướng khác là chuyển dịch từ mô hình cạnh tranh về giá sang chiến lược dựa trên giá trị cũng ngày càng rõ nét hơn. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ họ đầu tư vào phát triển thương hiệu và nâng cấp sản phẩm, kỳ vọng rằng chất lượng và dịch vụ đi kèm sẽ giúp duy trì thị phần ngay cả khi giá bán tăng.
"Ngay cả khi giá sản phẩm vượt mức thuế, vẫn có nhóm người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nếu giá trị tương xứng", đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ với tờ 21CBH.
Hướng mở từ các thị trường và tổ chức khu vực
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc chịu áp lực từ các biện pháp thuế quan của Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định các thị trường ngoài Mỹ như ASEAN, BRICS và Đông Bắc Á đang nổi lên như lựa chọn thay thế tiềm năng.
Theo tờ 21CBH, phiên bản nâng cấp 3.0 của Hiệp định thương mại tự do (ACFTA) ASEAN - Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng sâu rộng hơn, qua đó góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững cho cả hai bên.
Khối BRICS cũng là một lựa chọn khả thi khác, thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên truyền thống như Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã đạt tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm qua, cho thấy tiềm năng hợp tác sâu rộng.
Bên cạnh đó, hợp tác ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang được thúc đẩy trở lại. Tờ 21CBH cho rằng các nỗ lực đàm phán hiệp định thương mại tự do khu vực được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành một liên kết kinh tế có ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời giúp giảm sự phụ thuộc vào các thị trường đơn lẻ.
Theo tờ 21CBH, mặc dù không dễ để tìm ra các giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn, các chuyên gia Trung Quốc khuyến nghị rằng doanh nghiệp nước này nên duy trì sự chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại những thị trường và chuỗi giá trị đang phát triển, nhằm thích ứng với một môi trường thương mại quốc tế ngày càng phân mảnh và nhiều biến động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận