Nhiều chương trình hỗ trợ nông dân
Bà Nguyễn Thị Hiền - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) - cho biết như vậy tại hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức chiều 24-11.
Theo bà Hiền, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi canh tác số, PVCFC phát hành ứng dụng 2NÔNG. Sau 8 năm đầu tư và phát triển, ứng dụng này đã có hơn 70.000 lượt cài đặt, với hàng trăm triệu lượt tương tác của người nông dân.
Qua 2NÔNG, người nông dân đã chia sẻ với nhau về giải pháp canh tác, sâu bệnh, các phương thức bón tưới, mô hình canh tác thành công…
Ngoài ra, PVCFC cũng liên tục cập nhật bản tin giá nông sản thế giới hằng ngày, bản tin thời tiết từng tỉnh theo thời gian thực…
"Nếu chỉ vì giá bán, vì câu chuyện bán hàng và lợi nhuận thì không thể lâu bền. Người nông dân Việt Nam phải có thông tin, có hiểu biết.
Trên cơ sở đó, sử dụng loại phân bón có chất lượng thì mới có năng suất tốt, qua đó bán được nông sản giá cao. Khi đó, họ mới có tiền tái đầu tư và mua phân bón của mình", bà Hiền chia sẻ.
Cam kết sản phẩm tốt nhất cho bà con nông dân
Ông Trịnh Quốc Hùng - phó giám đốc Công ty cổ phần phân bón Miền Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Vinachem) cho biết, tập đoàn sản xuất cả Urea, DAP, nên việc tích hợp đưa ra sản phẩm cho bà con sẽ thuận tiện hơn.
Do có chính sách tiêu thụ nội bộ, theo đó đối với tất cả công ty tập đoàn phải mua sản phẩm nội bộ của nhau, chính vì vậy giá thành giảm hơn so với nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất, từ đó giá phân bón bán ra cũng giảm cho bà con nông dân.
"Để tiếp tục hỗ trợ nông dân trong thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho bà con nông dân sản phẩm tốt nhất, đạt chất lượng nhất, làm sao bà con nông dân có vụ mùa bội thu", ông Hùng nói.
Về kiến nghị đối với cơ quan nhà nước, Công ty cổ phần phân bón Miền Nam mong muốn luật thuế giá trị gia tăng (phân bón không được hoàn thuế đầu ra) cần sớm dỡ bỏ. Tập đoàn đã làm việc rất nhiều lần với các bộ, ban, ngành, theo chúng tôi được biết việc này cũng đưa ra Quốc hội rồi, không biết lúc nào được dỡ bỏ. Đó là cái mong muốn của những nhà sản xuất phân bón.
"Nếu như Công ty cồ phần Phân bón dầu khí Cà Mau chịu thuế này hàng ngàn tỉ đồng thì chúng tôi cũng chịu rất nhiều tiền cho lĩnh vực này, mà tiền đó cũng tính vào chi phí của bà con nông dân thôi", ông Hùng cho hay.
Thứ hai, doanh nghiệp mong muốn sớm bãi bỏ khoản 4, điều 4 nghị định 122 năm 2016 của Chính phủ (quy định các mặt hàng phân bón thuộc các nhóm 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 mà có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%). Với quy định này, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh được với các đơn vị nhập khẩu phân bón.
Sử dụng hài hoa phân vô cơ và hữu cơ
Trong khi đó, ông Phan Văn Nhơn, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thương mại và dịch vụ Bình Hòa chia sẻ từng rất vất vả, khi vận động người dân tham gia tập huấn trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Tuy nhiên, sau quá trình áp dụng những kiến thức được tập huấn, các hộ dân rất phấn khởi khi thấy thu nhập cải thiện. Giờ đây, thành viên HTX Bình Hòa đã chuyển từ bàn về chuyện mua thuốc bảo vệ thực vật đã chuyển sang trao đổi về việc cắt giảm thuốc.
Đến năm 2021, khi được chọn để triển khai Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP), bà con nông dân cũng đã quen dần với việc sản xuất mà giảm phun thuốc, góp phần nâng cao sức khỏe cả nông dân và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc phát triển bền vững Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, nhấn mạnh việc sử dụng kết hợp hài hòa giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học.
Ông Tuấn đúc kết: "Đối với từng loại dịch hại, sâu bệnh, cần sự kết hợp hài hòa để đạt hiệu quả cao nhất".
Cập nhật tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại đồng bằng sông Cửu Long, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cho biết trong giai đoạn 2017 - 2022, Việt Nam sử dụng tổng cộng 10 - 12 triệu tấn phân bón sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, có đến 80% là phân bón vô cơ và chỉ 20% là phân bón hữu cơ.
Trong báo cáo được Cục Bảo vệ thực vật trình bày hồi tháng 8-2021, lượng phân bón ĐBSCL sử dụng cao hơn trung bình cả nước 42%, riêng tỉ lệ sử dụng phân vô cơ cao hơn đến 35,3%.
Về thuốc bảo vệ thực vật, năm 1996, nước ta sử dụng với liều lượng 4,685kg/ha, đứng 80/160 trên toàn thế giới. Đến 2021 còn sử dụng 1,58kg/ha. Trong hơn 20 năm đã giảm 3 lần liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cùng đơn vị diện tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận