22/05/2018 12:49 GMT+7

Doanh nghiệp FDI hưởng quá nhiều ưu đãi nhưng đóng góp thế nào?

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - "Lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI được hưởng rất lớn, nhưng ai chứng minh được sự đóng góp của họ đã tương xứng chưa", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt câu hỏi.

Doanh nghiệp FDI hưởng quá nhiều ưu đãi nhưng đóng góp thế nào? - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của đoàn TP.HCM - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở tổ TP.HCM sáng 22-5, ông Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) chia sẻ nhận định: "Chúng ta thống nhất với nhau là vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài (FDI) phải trở thành bộ phận của nền kinh tế. Sau mấy chục năm đón họ vào lẽ ra với lực lượng ấy, công nghệ ấy phải được chuyển thành cơ thể của chúng ta. Nhưng đến nay FDI vẫn là một thành phần xa lạ".

Không thể dễ dãi

"Lúc FDI rút đi ta còn lại được cái gì?", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi. Ông cho biết đây là vấn đề đã được các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới cảnh báo.

Theo ông Nghĩa, vấn đề là do việc quản lý kém: "Khi FDI vào, họ sẽ mượn lao động giá rẻ, mượn ưu đãi, mượn đất đai, mượn môi trường của chúng ta. Tôi thấy nhiều người nói về việc này một cách nhẹ nhàng nhưng nó chẳng nhẹ nhàng một chút nào. Bởi khi ưu đãi là ngân sách của chúng ta bị mất đi một khoản, giảm nguồn thu".

"Thế thì đổi lại chúng ta phải thu hút được cái gì? Phải tác động nền kinh tế tăng lên như thế nào? Và cuối cùng là lợi nhuận có được ra sao?", đại biểu TP.HCM băn khoăn.

"Tôi xin thưa rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI được hưởng rất lớn, kể cả Samsung. Nhưng ai chứng minh được sự đóng góp của họ đã tương xứng với các ưu đãi họ được hưởng".

Từ đó, ông Nghĩa kiến nghị nhìn nhận và đưa ra chính sách khác đi đối với FDI, không thể hi sinh môi trường, không thể dễ dãi trong việc thu hút FDI nữa.

Đặc khu là sự đặt cược rất lớn

Tiếp tục câu chuyện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói về việc hình thành các đặc khu trong đó dự kiến nguồn vốn thu hút từ FDI là không nhỏ.

"Một số chuyên gia gọi đây là sự đặt cược lớn khi tỉ lệ thành công của các đặc khu trên thế giới không cao", ông Nghĩa nói.

Tôi xin thưa là đã có những quốc gia phải trả giá cho việc này, có những nước không trả được nợ phải nhượng cả cảng biển để gán nợ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Ông Nghĩa chỉ ra thành công của đặc khu phụ thuộc lớn vào năng lực quản lý, vào xử lý các mối quan hệ với các thế lực tài chính, các nhóm lợi ích. Nhưng đây cũng là những tác nhân có thể làm méo mó đi chủ trương ban đầu.

"Một dự án trùm mền đắp chiếu đã là mệt, còn 3 đặc khu này rất lớn, liên quan tới cả trăm ngàn dân ở các vùng miền, đến rừng vàng biển bạc, đến các di sản thiên nhiên, chúng ta đã tính hết chưa?", đại biểu TP.HCM không giấu lo ngại.

Theo ông Nghĩa, khi tiếp nhận đầu tư vào các đặc khu phải hướng vào công nghệ, không nên chỉ đi theo hướng đầu tư casino, thu hút đầu tư giải trí, ưu đãi dễ dãi thì sẽ tụt hậu.

"Tôi đề nghị Chính phủ ngay từ bây giờ có những chính sách điều chỉnh nhất định", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thúc đẩy kinh tế nhưng không xao nhãng chủ quyền

"Tôi đề nghị trong lúc phát triển kinh tế không xem thường, xao nhãng chuyện chủ quyền. Cứ chịu khó đi gặp nhân dân ở những nơi dự tính làm đặc khu, các khu vực sẽ phát triển thì người nước ngoài núp bóng mua đất đai rất là nhiều. Chúng ta đối phó bằng cách nào? Vì sao những việc làm không đúng pháp luật nhưng cứ để một thời gian rồi đối phó?", ông Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề.

Ông lưu ý những việc lâu nay chưa được đề cập, ví dụ Phú Quốc là đảo nên có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, nếu cấp đất không khéo thì những vùng biển đó có thể bị chi phối, từ đó có thể tạo ra những lợi thế nhất định, có những ý đồ.

"Họ làm kinh tế nhưng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì chúng ta có biện pháp gì hay chưa? Hay là đến lúc tôi đã đổ vào đây tỉ đô rồi không ngưng được thì sao?", ông Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.

Chính phủ "phản biện" nhận định kinh tế 2017 phụ thuộc dầu, than Chính phủ 'phản biện' nhận định kinh tế 2017 phụ thuộc dầu, than

TTO - Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có nhận xét: tăng trưởng kinh tế năm 2017 phụ thuộc vào dầu thô, than đá. Một số thành viên Chính phủ đã “phản biện” nhận xét này.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên