06/02/2018 14:32 GMT+7

Khối FDI có lợi nhuận cao nhất nhưng đóng ngân sách ít nhất

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Dù hưởng nhiều ưu đãi nhưng doanh thu cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI lại khá khiêm tốn.

Khối FDI có lợi nhuận cao nhất nhưng đóng ngân sách ít nhất - Ảnh 1.

Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ 47% DN làm ăn có lãi là do năng suất, chất lượng còn hạn chế. Ảnh: N.AN

Thông tin được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố về chỉ số phát triển doanh nghiệp sáng ngày 6-2.

Theo ông Nguyễn Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), tính đến ngày 31-12-2017 tổng số doanh nghiệp hoạt động là trên 561.064 doanh nghiệp. 

Ông Thúy cho biết 2017 là năm ghi nhận số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cao nhất với 126.859 doanh nghiệp, với vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 10,2 tỉ đồng.

Có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký là 21.684 doanh nghiệp, tăng 8,4% và số doanh nghiệp giải thể là 12.113 doanh nghiệp.

Mặc dù có số vốn lớn đổ vào nền kinh tế nhưng tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 chỉ đạt 17,4 triệu tỉ đồng. Khu vực ngoài nhà nước vẫn chiếm tỉ lệ doanh thu chi phối với 9,76 triệu tỉ đồng.

Khu vực FDI tuy không tạo ra doanh thu cao nhưng có tốc độ tăng nhanh nhất với 4,8 triệu tỉ đồng. Khối doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa nên doanh thu tăng chậm hơn khi tạo ra 2,88 triệu tỉ đồng.

Đặc biệt trong báo cáo của Tổng cục Thống kê không đưa ra con số chỉ trên 47% doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng đại diện của cơ quan này xác nhận đây là con số chính xác. 

Nguyên nhân được xác định liên quan đến năng suất chất lượng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế.

Đáng chú ý, khối FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất với 327.400 tỉ đồng, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra lợi nhuận khiêm tốn với 188.100 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434.700 tỉ đồng. 

Trong khi đó khối FDI có lợi nhuận lớn nhất nhưng lại có tỉ lệ đóng góp ngân sách thấp nhất với 250.900 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, ông Thúy cho rằng việc FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhưng tỉ lệ đóng góp ngân sách thấp, chủ yếu là do các chính sách thu hút, ưu đãi FDI. 

Đơn cử như với thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp trong nước nộp tối đa là 22% thì mức đóng cao nhất trong 30 năm của FDI chỉ bằng một nửa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI còn được miễn, giảm nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. 

Nhiều địa phương cũng đưa ra các chính sách ưu đãi lớn để đẩy mạnh thu hút FDI như hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp, giải phóng mặt bằng, giảm giá thuê đất.

"Chính phủ cần tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn, không để các tỉnh, thành vượt khung miễn giảm lớn cho FDI. Chưa kể một bộ phận FDI lách luật chuyển giá nhưng chưa có chế tài xử lý, khiến doanh nghiệp khai thuế thấp, gây thất thoát nguồn thu và cạnh tranh không lành mạnh", ông Thúy nhấn mạnh.

Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt 30,2 triệu tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỉ lệ chi phối và thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh, cũng là thành phần có tốc độ tăng thu hút vốn nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2016 với 16,75 triệu tỉ đồng.

Doanh nghiệp nhà nước thu hút tới 16,75 triệu tỉ đồng chiếm tới 55,5% vốn của toàn bộ doanh nghiệp.

Cơ quan thống kê cho rằng mặc dù doanh nghiệp Nhà nước đang giảm về số lượng nhưng đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên thu hút vốn vào sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn còn lớn với 8,36 triệu tỉ đồng.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên