30/12/2021 19:00 GMT+7

Doanh nghiệp đề nghị tiếp tục được 'tiếp sức'

CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM
CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM

TTO - Sau 3 tháng phục hồi sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các doanh nghiệp ở miền Tây đã có nhìn nhận về những giải pháp hỗ trợ và có những kiến nghị cho giai đoạn mới 2022.

Doanh nghiệp đề nghị tiếp tục được tiếp sức - Ảnh 1.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị cần tiếp tục hỗ trợ vốn, đặc biệt là chia thành các nhóm ngành để các gói hỗ trợ đến tay doanh nghiệp nhanh và đầy đủ hơn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Chính sách hay, nhưng chưa đến tận tay doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Việt - chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh An Giang - cho biết đến thời điểm này An Giang có 60% hội viên phục hồi, đa số ở lĩnh vực sản xuất, xây dựng. Lý do là các doanh nghiệp còn ảnh hưởng quá nặng của đại dịch, còn các chính sách dù hay nhưng chưa đến tận tay doanh nghiệp.

Theo ông Việt, doanh nghiệp mong muốn chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ giãn, giảm lãi suất ngân hàng. Các vấn đề phòng, chống COVID-19 như xét nghiệm, test COVID-19… có thể bớt lại trong doanh nghiệp. Vì việc này đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất.

"Các chính sách của Chính phủ, nhất là các gói hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hầu như chưa đến tận tay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, nhà hàng. Tôi nghĩ rằng nên có chính sách rõ ràng, cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp để chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn này. Quá trình tiếp cận nguồn vốn này còn "nhiêu khê" lắm. Chính sách thì rất tốt cho doanh nghiệp, nhưng để dòng tiền đó đến tay doanh nghiệp rất khó khăn" - ông Việt nói.

Ông Nguyễn Minh Hiền - giám đốc Hợp tác xã Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang) - cho biết đơn vị có 26 xã viên, với tổng diện tích trồng xoài gần 100ha tại 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân. Mỗi tháng đơn vị xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 4 tấn.

"Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mong muốn nhất là được tiếp cận vốn vay ưu đãi cho hợp tác xã để đầu tư máy bảo quản sau thu hoạch để xuất khẩu. Vì lâu nay ngân hàng nói chúng tôi không có tài sản nên không hề cho vay vốn, trong khi chúng tôi mua xoài phải trả tiền liền, còn bán thì không được lấy tiền liền mà phải đợi thời gian.

Chúng tôi vay vốn ngắn hạn cũng được, vì mỗi khi thu hoạch như hiện nay vốn cần mấy tỉ đồng nhưng chưa thể tiếp cận vốn. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hợp tác xã", ông Hiền nói

Doanh nghiệp đề nghị tiếp tục được tiếp sức - Ảnh 2.

Thu hoạch xoài tại Hợp tác xã Cù Lao Giêng - Ảnh: MINH KHANG

Ông Trần Khắc Tâm - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho rằng dù thời gian qua có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên trước mắt và lâu dài vẫn còn nhiều khó khăn.

Để các doanh nghiệp có sức gượng dậy và chạy đà phát triển, chính phủ cần chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng thật tốt, đặc biệt cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Ngoài cam kết của các ngân hàng, chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Đồng thời có chính sách miễn, giảm, giãn thuế phải hợp lý và thực chất.

Ông Tâm cũng thông tin một vấn đề đang bóp nghẹt, khiến các doanh nghiệp “khó thở”, không đủ sức và lực cạnh tranh là chi phí đầu vào quá cao, trong đó có đầu vào sản xuất nông sản. Theo phản ánh của doanh nghiệp, có những chi phí tăng gấp nhiều lần so với trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhất là chi phí vận chuyển. Việc này, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp thao túng thị trường.

Bớt hỗ trợ trực tiếp, tăng hỗ trợ nền tảng hạ tầng

Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ - nhận định xã hội đang trở lại sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp bắt tay vào hoạt động và trên đà phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không phải khó khăn, cản trở về điều kiện sản xuất kinh doanh nữa mà chính là khó khăn, sức mua tiêu thụ, đặc biệt là thị trường trong nước.

Theo ông Lam, thời gian qua doanh nghiệp đã được tham gia và thụ hưởng các chính sách như lãi vay ưu đãi của các ngân hàng đã giúp doanh nghiệp giảm nhẹ phần nào về tài chính. Thứ hai là hoãn, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội giúp doanh nghiệp dành nguồn lực cho quá trình phục hồi sản xuất. 

Doanh nghiệp đề nghị tiếp tục được tiếp sức - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

"Theo chúng tôi ghi nhận, chính sách lãi vay tới hiện nay không còn quá quan trọng, bởi lẽ các doanh nghiệp bắt đầu tham gia sản xuất, đã có nguồn thu nhất định. Còn hoãn thuế, bảo hiểm xã hội đã được hoãn tới cuối năm nay và đến năm sau đã giúp các doanh nghiệp rất nhiều. Thông tin thị trường, viễn cảnh thị trường tiêu thụ như thế nào vì dịch còn kéo dài là vấn đề còn khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải", ông Lam nói.

Chúng tôi đã thấy rằng chính quyền nhiều địa phương đã có phương thức phòng dịch mới, nhưng cũng còn nhiều địa phương còn cứng nhắc trong điều hành, vì vậy, cần cân bằng giữa mức độ an toàn và nhu cầu phát triển kinh tế. Điều này đang đặt ra thách thức lớn cho chính quyền các địa phương. Nếu như không có phương thức điều hành mới, thích ứng mới trong bối cảnh mới, điều kiện mới, tình hình mới thì chúng ta sẽ bị lạc hậu trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ

Theo ông Lam, về dài hạn, các doanh nghiệp không quá nặng về chính sách hỗ trợ trực tiếp như thông qua lãi suất, hỗ trợ lãi vay, tất cả các vấn đề liên quan tài chính mà cái họ đang cần là nền tảng hạ tầng để phát triển hệ thống logistics để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ lực ở ĐBSCL trong ngành sản xuất chế biến thủy sản có nền tảng ổn định trong chuỗi ngành sản xuất.

"Thị trường trong nước rất khó lường vì sức mua giảm nhiều, chưa phục hồi. Người nông dân, hợp tác xã, các hộ tham gia nuôi trồng còn dè dặt trong sản xuất. Vì vậy, về dài hạn, chính phủ, chính quyền các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về thu mua dự trữ cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản.

 Vì khi có chính sách này người nông dân, hộ nuôi trồng, hợp tác xã sẽ mạnh dạn tham gia sản xuất nhiều hơn. Và cùng với hệ thống đầu tư về kho bãi, hạ tầng lưu trữ, các doanh nghiệp có thêm chính sách hỗ trợ thu mua nữa sẽ giúp cho ổn định sản xuất nhiều hơn, giúp cho ngành nông sản có điều kiện phát triển", ông Lam đề xuất.

Trên 50% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động ngay khi trở lại ‘bình thường mới’ Trên 50% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động ngay khi trở lại ‘bình thường mới’

TTO - Báo cáo Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ tư năm 2021 tổng hợp ý kiến 400 doanh nghiệp và 1.200 ứng viên được Navigos Group công bố, cho biết hơn 50% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động khi trở lại bình thường mới.

CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên