30/12/2021 08:27 GMT+7

Hướng vốn vào sản xuất, kinh doanh

L.THANH - A.HỒNG
L.THANH - A.HỒNG

TTO - Các ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng...

Hướng vốn vào sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Giao dịch tại một ngân hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) năm 2022 vào chiều 29-12.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành NH đạt được, đặc biệt là mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,8%, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng ông Lê Minh Khái cho rằng các NH vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Nâng chất lượng tín dụng, giảm lãi suất

Trong bối cảnh dịch COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp trong năm 2022, ông Khái yêu cầu NH Nhà nước tập trung điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu năm 2022 vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua.

Đặc biệt, ông Khái nhấn mạnh phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng... Kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trong đó kiểm soát chặt chẽ mua trái phiếu của tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro hệ thống.

"Câu chuyện giảm lãi suất được nêu và trao đổi rất nhiều. Lãi suất phụ thuộc vào lạm phát, lãi suất huy động, các chi phí liên quan đến hoạt động nhiệm vụ của NH. Lạm phát năm nay tương đối thấp... Với các tham số này, tôi đề nghị NH Nhà nước tính toán tăng cái nào, giảm cái nào để giảm lãi suất như ý kiến của lãnh đạo cao cấp, góp phần ổn định kinh tế vi mô và thúc đẩy kinh tế" - Phó thủ tướng nói.

NH Nhà nước cũng được yêu cầu phải đánh giá tình hình nợ xấu và cùng với các bộ ngành đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Tính tổng thể cả nợ xấu bán cho Công ty VAMC, nợ đang cơ cấu có nguy cơ tiềm ẩn thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu khoảng 7,31%.

Mặt khác phải tạo điều kiện cho các NH có tiềm năng phát triển trở thành các NH ngang tầm khu vực, đồng thời có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các NH yếu kém, nhất là những NH bị giám sát tăng cường và thuộc diện kiểm soát đặc biệt...

Lo nợ xấu gia tăng

Cũng tại hội nghị, phó thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến 24-12, tín dụng tăng trưởng 12,97%, ước cả năm tăng hơn 13% so với cuối năm 2020. Các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo ông Tú, do tác động của đại dịch khiến doanh nghiệp khó khăn không trả được nợ, nợ xấu sẽ tăng lên, đến thời điểm này là 7,31%. Để xử lý nợ xấu, giải pháp trước hết là phải đảm bảo được an toàn tài chính cho các tổ chức tín dụng và có những biện pháp để nợ xấu không tăng lên. 

NH Nhà nước có thể sẽ phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu và đề xuất Chính phủ trình Quốc hội nâng nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội thành Luật xử lý nợ xấu để vừa ngăn chặn nợ xấu phát sinh và cũng vừa giải quyết nợ xấu trong năm sau và những năm tới.

Ông Phan Đức Tú - chủ tịch HĐQT BIDV - đề nghị Chính phủ và NH Nhà nước tạo điều kiện tăng vốn cho các NH thương mại nhà nước và kéo dài, luật hóa nghị định 42 nhằm nâng cao tỉ lệ an toàn vốn và có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng. Ông Phạm Đức Ân - chủ tịch HĐTV Agribank - cũng đề nghị Chính phủ và NH Nhà nước tạo điều kiện tăng vốn cho NH này trước thời điểm cổ phần hóa để xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Ân, việc tăng vốn, tăng năng lực tài chính cho các NH là điều kiện tiên quyết, đặc biệt trong bối cảnh tới đây khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao. Thời gian tới khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, ông Ân đề xuất Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo rõ đối tượng, phạm vi hỗ trợ, tránh dàn trải. Chính sách chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp có phương án, dự án kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ cho NH.

Kể từ khi có dịch bệnh đến ngày 20-12, khoảng 607.000 tỉ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đến nay có 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỉ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng miễn giảm lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,78 triệu tỉ đồng. Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay được miễn, giảm đạt khoảng 34.900 tỉ đồng...

Ngân hàng sẽ bị chế tài, không được nới ‘room’ tín dụng nếu không giảm lãi suất cho vay Ngân hàng sẽ bị chế tài, không được nới ‘room’ tín dụng nếu không giảm lãi suất cho vay

TTO - Ngân hàng Nhà nước TP.HCM sẽ giám sát việc thực hiện giảm lãi suất cho vay theo sự đồng thuận của 16 ngân hàng với Hiệp hội Ngân hàng. Ngân hàng nào không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý.

L.THANH - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên