25/06/2012 10:31 GMT+7

Đoàn tụ ở Trường Sa

TruongUy
TruongUy

TT - Ðã có rất nhiều nước mắt, nụ cười của niềm hạnh phúc ở Trường Sa trong những ngày giữa tháng 6 này, khi tàu HQ 571 chở đoàn thân nhân ra thăm những người thân đang canh giữ biển trời Tổ quốc.

KHWJBKFl.jpgPhóng to
Giây phút gặp gỡ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà và anh Nguyễn Đức Khánh trên đảo Đá Tây - Ảnh: Ngọc Nga

"Toàn tàu chú ý, đã đến đảo Ðá Tây, chuẩn bị thả neo". Khi lời thông báo ấy vừa dứt trên loa, chị Nguyễn Thị Hà đang nằm trên giường ngồi bật dậy nhanh chóng thu dọn đồ đạc. Cơn say sóng hành hạ chị mấy ngày nay như tan biến đâu mất. Chồng chị, anh Nguyễn Ðức Khánh, làm nhiệm vụ trên đảo Ðá Tây đã ba năm nay.

Chộn rộn theo con sóng

Con tàu tròng trành lắc lư theo từng đợt sóng mạnh, vậy mà chị Hà chạy đi chạy lại rất nhanh. Thay bộ quần áo đẹp nhất mình đang có, một chút son môi, một chút nước hoa và nụ cười rạng rỡ trên môi, chị chạy ào lên boong tàu ngóng về phía đảo.

Ðảo Ðá Tây đã ở phía trước, người vợ trẻ xúc động lạc cả giọng khi nói chuyện với chồng qua điện thoại: "Anh ơi, em nhìn thấy đảo rồi". Thời gian trôi qua, chị Hà hồi hộp chờ đợi từng phút để được xuống xuồng vào đảo. Nhưng "hiện nay sóng quá lớn và nước chưa lên nên sáng mai đoàn mới vào đảo được", lời thông báo trên loa phát thanh khiến đôi mắt chị Hà rưng rưng.

Ðêm, chị không ngủ được, lòng chộn rộn nằm nghe tiếng sóng vỗ mạnh vào mạn tàu.

Sáng hôm sau, khi chiếc xuồng chở chị Hà vừa vào đảo Ðá Tây thì mọi người trên đảo cho biết anh Khánh vì quá nóng lòng nên đã xung phong lái xuồng khác ra tàu đón vợ và đoàn công tác. Khuôn mặt chị ướt rượt vì sóng lại quay ra biển ngóng chồng.

Khi thấy anh trên chiếc xuồng đang cưỡi trên những con sóng bọt tung trắng xóa, bàn tay chị siết mạnh vào nhau, lòng nén một tiếng nấc. Xuồng cập bến, anh Khánh nhảy lên bờ. Hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau, niềm xúc động vỡ òa. "Em gầy đi nhiều quá" - anh Khánh nhìn vợ kêu lên rồi ôm chị vào lòng một lần nữa. Chị Hà vùi mặt vào ngực chồng, nước mắt trào ra. Mọi người xung quanh vỗ tay vui mừng, tiếng cười rộn rã dưới bầu trời đảo Ðá Tây trong vắt. Anh Khánh nhanh chóng cầm tay vợ dẫn đi khắp đảo giới thiệu từng căn phòng, từng gian bếp và cả những chậu rau xanh be bé xinh xinh trên đảo. Sóng Ðá Tây như dịu êm hơn trước hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Ðến từ khắp mọi miền đất nước, mỗi người một hoàn cảnh nhưng thân nhân trên con tàu này đều chung nhau ở niềm mong chờ được gặp con, được gặp chồng ở Trường Sa đến chộn rộn. Ông bố Nguyễn Văn Xiến từ Quảng Bình thăm con trai ở đảo Ðá Ðông B. Trong hành lý của người bố ấy chỉ vài bộ đồ đã cũ là cho mình, còn lại toàn khoai lang và đậu phộng. "Thằng Thêu hắn thích mấy thứ ni lắm, toàn là thứ nhà trồng được. Trông trời mau lên đến đảo cho hắn ăn" - người bố ấy giải thích về những món quà quê mang ra cho con.

Ông bố Vũ Hồng Quang ở Ninh Bình thăm con trên đảo Ðá Lát, lúc ở trên xuồng thấy con trai đứng nghiêm trang trên đảo chuẩn bị đón bố đã reo lên át cả tiếng máy xuồng: "Thằng Phương của bố kia rồi". Người mẹ như bà Huỳnh Thị Ðông ở Quảng Ngãi thăm con trên đảo Phan Vinh đã may chiếc quần mới, nhất định để dành lúc lên đảo gặp con trai mới dám mặc. Tàu chưa đến đảo mà người mẹ ấy cứ đưa ra, gấp vào chiếc quần mới thật nhiều lần...

"Đây là Trường Sa của con"

Ðó là câu nói đầu tiên mà bà Lương Thị Huệ (Bình Dương) nghe con trai mình, Tạ Ngọc Bảo, giới thiệu khi vừa bước chân lên đảo Trường Sa Lớn. Từ trên tàu nhìn con trai duy nhất của mình đen giòn, rắn rỏi trong bộ quân phục, bà Huệ suýt bật khóc. Cầm tay mẹ dắt đi trên đường băng lộng gió và nắng, anh Bảo giới thiệu thật chi tiết về Trường Sa với mẹ. "Ừ Trường Sa của con thật đẹp, nhưng Trường Sa cũng là của mẹ nữa chớ". Cứ vậy mẹ và con tay không rời nhau đi thăm hòn đảo mà mẹ đã có biết bao mong chờ, tưởng tượng qua lời kể của con.

Trên đường băng, dưới những tán bàng vuông xanh lá, trên bờ biển có rất nhiều người như anh Bảo dẫn người thân của mình thăm Trường Sa thân yêu. Nhưng dường như thế vẫn chưa đủ để hiểu hết Trường Sa nên có người chồng dậy sớm chỉ cho vợ biết bình minh ở Trường Sa đẹp thế nào. Có cậu con trai canh bằng được lúc bàng vuông nở để chỉ cho mẹ biết hoa ở Trường Sa đẹp ra sao... Ðể rồi những ông bố, bà mẹ, những người vợ cứ thốt lên hạnh phúc: "Trường Sa mình đẹp quá".

Dưới tán bàng vuông xanh rợp lá, chiến sĩ và sĩ quan trạm rađa 11 - Quân chủng phòng không không quân đang cùng nhau làm bữa cơm trưa để liên hoan chào mừng các mẹ, các bố và vợ từ đất liền ra thăm Trường Sa. Mấy chiến sĩ của trạm xúm quanh bà mẹ Lê Thị Quế (Nghệ An) đang nướng bánh đa. Người quạt lửa, người trở bánh, xúm xít tiếng gọi mẹ. Trong trạm lần này chỉ mình anh Ðình có mẹ ra thăm, không sao bởi vì "mẹ chung của tụi mình mà" - những chiến sĩ ở đây hóm hỉnh.

Ðể chuẩn bị chuyến đi Trường Sa thăm con trai Trần Văn Ðình trên đảo Trường Sa Lớn, bà Quế đã tự tay làm rất nhiều bánh đa mang ra đảo cho con. "Ðến đây, thấy con chững chạc trưởng thành, thấy Trường Sa đẹp quá, tui mừng đến ứa nước mắt" - bà Quế xúc động chia sẻ.

Cũng chung niềm vui khi thấy con trai thật chững chạc sau một thời gian rèn luyện nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, bà Lê Thị Ái (Thanh Hóa) suốt đêm không thể ngủ được. Những cảm xúc dạt dào đã khiến bà thức cả một đêm để làm thơ về Trường Sa. Cảm ơn Trường Sa/ Giúp con trai mẹ/ Biết yêu Tổ quốc... - những câu thơ chân chất, giản dị ấy của bà mẹ quanh năm chỉ biết ruộng đồng, chưa một lần làm thơ khiến nhiều người xúc động.

NGỌC NGA

Nhật ký mong chờ

8g ngày 15-6, hai tàu HQ 571 và HQ 996 xuất phát từ cảng Cát Lái (TP.HCM) chia làm hai hướng đưa 210 thân nhân của các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ra thăm đảo. Tàu HQ 571 cùng 112 thân nhân và đoàn công tác đi đến các đảo phía bắc.

Vừa khởi hành thì nghe tin ngoài biển đang có sóng lớn. Càng đi sóng càng lớn hơn. Những con sóng bạc đầu lớp lớp ùa vào thân tàu. Trên tàu có 53 thân nhân nữ thì gần 40 người bị say sóng. Vượt qua chặng đường xa xôi, chiều 17-6 đảo Song Tử hiện ra trước mắt trong sự vui mừng ra mặt của mọi người. Các mẹ, các chị đang say sóng cũng chạy lên boong hướng về đảo, trên tay khư khư điện thoại gọi cho chồng, con trong đảo. Chuông điện thoại và tiếng nói chuyện điện thoại làm huyên náo cả boong tàu.

Tàu cất ba hồi còi chào đảo nhưng không thể đưa thân nhân vào được, vì muốn đưa người vào đảo phải dùng xuồng nhưng sóng to quá nên xuồng không thể vào được.

Sáng 18-6, sóng vẫn không có dấu hiệu yếu đi. Ðoàn công tác quyết định đưa bốn thân nhân lên đảo Ðá Nam, sau đó sẽ căn cứ theo tình hình sóng gió để đưa thân nhân lên đảo Song Tử. Toàn bộ thân nhân của các cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử đã chuẩn bị sẵn sàng. Quà mang theo được đưa ra hành lang, hành lý cũng được thu xếp gọn gàng để lên xuồng, nhưng cuối cùng sóng vẫn không chiều lòng người. Mọi người lại giở hành lý ra ở lại trên tàu thêm một ngày...

ÐÌNH KHÁNH

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên