Ảnh minh họa. Nguồn: viet-bao.de
Thế nào là dinh dưỡng hợp lý?
Tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của mỗi cá thể chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó, chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng.
Dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người thông qua chế độ ăn uống, bồi dưỡng hàng ngày. Nhìn chung, dinh dưỡng cần phải đầy đủ và hợp lý đó là nền tảng cho sự phát triển và duy trì một cuộc sống khoẻ mạnh.
Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào tuổi, giới, thể trọng (cân nặng) của cơ thể, thời gian và cường độ lao động... Do vậy, khi nói "Dinh dưỡng hợp lý" có nghĩa là bữa ăn cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết (từ 4 nhóm thực phẩm) ở tỷ lệ cân đối, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Định nghĩa "Dinh dưỡng hợp lý" thì ngắn gọn và dễ hiểu như vậy, tuy nhiên, để thực hiện và duy trì một chế độ ăn hợp lý thì không đơn giản chút nào, đặc biệt trong những dịp lễ hội và những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Chế độ dinh dưỡng trong những ngày tết và lễ hội
Sau những ngày làm việc vất vả, những ngày Tết và lễ hội là dịp tốt cho mọi người được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thăm hỏi chúc tụng người thân, bạn bè.
Đây cũng là những phong tục tốt, hướng về cội nguồn tổ tiên, là dịp quan tâm đến đại gia đình (ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh em...) và những người thân để nói những lời "Chúc mừng năm mới" tốt đẹp nhất. Sau dịp lễ Tết nhìn chung mọi người đều cảm thấy vui vẻ thoải mái để có thể trở lại làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cũng vào những dịp lễ Tết này chế độ ăn uống có nhiều thay đổi và cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ nếu không duy trì chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý.
Đối với những nguời nghèo thì "ba ngày tết cũng phải no đủ hơn", cũng phải có "bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành ..." để có không khí của ngày Tết. Đối với những gia đình bình thường thì cũng phải sắm đầy đủ bánh chưng, thịt, giò chả, bánh mứt kẹo và hoa quả...
Phải chuẩn bị mâm cỗ để cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng mùng một tết và hoá vàng. Đối với những gia đình khá giả thì cầu kỳ hơn như chuẩn bị những món đặc sản, rượu bia, mứt kẹo... loại đặc biệt để đãi người thân, bạn bè thể hiện lòng hiếu khách.
Ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn giữ tập quán mỗi khi khách đến chúc tết là ngả mâm; "khách phải nâng cốc, cạn chén và ăn miếng bánh lấy may...".
Tuy nhiên, cạn chén ở nhiều nơi cũng có thể dẫn đến quá chén nếu không biết kiềm chế bớt rượu bia thì hậu quả là khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mỗi người mà còn có thể gây tai nạn giao thông khi đi lại.
Thời gian nghỉ Tết thường kéo dài và các cụ xưa thường nói "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" và các lễ hội còn kéo dài nữa sau thời gian nghỉ Tết nguyên đán.
Chính vì vậy mà sau những ngày tết hoặc lễ hội, mọi người thường "khen" nhau "mập ra", "béo tốt ra". Câu khen này đối với những thập kỷ trước kia khi còn đói kém, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng là chủ yếu thì rất phấn khởi, nhưng đến nay nếu được khen "mập ra" thì không phải ai cũng mừng, đặc biệt đối với những người thừa cân hoặc có nguy cơ thừa cân.
Những người bị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như huyết áp, tim mạch, gout... thường bị tái phát nhiều hơn.
Nhiều người tăng cân , bệnh tái phát sau lễ Tết
Trước tiên phải nói đến nhu cầu năng lượng trong những dịp lễ hội: Thường thì nhu cầu năng lượng của mọi người giảm hơn do thời gian nghỉ ngơi và ngủ nhiều lên; còn cường độ và thời gian hoạt động thể lực/lao động chân tay giảm đi.
Đối với những người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý: Mỗi miếng bánh chưng tuỳ loại và tuỳ miếng to nhỏ cũng góp thêm vào năng lượng khẩu phần của bạn khoảng từ 150 đến 250 kcalo, và nếu mỗi ngày ăn khoảng 2 đến 3 miếng bánh thì năng lượng khẩu phần của bạn đã tăng lên đáng kể, chưa tính đến các loại bánh kẹo khác và rượu bia.
Chế độ ăn uống nhiều thịt cá (tăng đạm nguồn gốc động vật): Thường thì ăn uống trong dịp tết không được điều độ, ăn không đúng bữa và số bữa ăn cũng tăng nhiều hơn.
Nhiều người còn quan niệm là "ăn cỗ hoặc đãi khách" trên mâm phải có nhiều món ăn, nhiều thịt và ít rau, do vậy mức tiêu thụ thịt cá các loại tăng lên rất nhiều so với bữa ăn hàng ngày, dẫn đến khẩu phần ăn bị mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người bị bệnh gout, cao huyết áp...
Trong dịp Tết bên cạnh khẩu phần đạm động vật tăng lên thì bánh mứt kẹo cũng ăn nhiều hơn, đặc biệt là trẻ em có thể mất cảm giác ngon miệng nếu ăn nhiều bánh kẹo và ăn gần những bữa ăn chính.
Ăn uống không điều độ khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hoá nhất là khi mứt kẹo bán trên thị trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, sau Tết cũng có nhiều trẻ bị sụt cân, bị suy dinh dưỡng.
Uống rượu bia nhiều trong những ngày tết, lễ hội không những ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đi ô tô, xe máy nguy hiểm mà còn có "nguy cơ cao" đối với những người bị các bệnh gout, tim mạch, cao huyết áp...
Để tết và lễ hội thực sự có ý nghĩa cả về thể chất và tinh thần được cải thiện, mỗi chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình: Cần duy trì tính đa dạng thực phẩm (4 nhóm thực phẩm), cân đối giữa các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
Đối với những người bị thừa cân, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng (tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, gout...) cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Còn đối với mọi người, để những lời chúc tốt đẹp nhân dịp đầu xuân mới "Sức khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng" thành hiện thực thì bên cạnh việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý cần được duy trì: Nên ăn tăng rau quả và hạn chế thịt, phủ tạng, hải sản và đặc biệt là hạn chế rượu bia trong dịp lễ tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận