18/05/2020 12:12 GMT+7

Điều tiết ngân sách cho TP.HCM: '18% đúng là xót xa, nhưng 33% thì rất khó'

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Ngày 18-5, tại buổi tiếp xúc với ĐBQH, cử tri các quận 5, 10 và 11 đã bày tỏ quan tâm về việc lựa chọn giám sát, quản lý cán bộ, vấn đề điều tiết ngân sách cho sự phát triển đô thị của TP.HCM.

Điều tiết ngân sách cho TP.HCM: 18% đúng là xót xa, nhưng 33% thì rất khó - Ảnh 1.

Buổi tiếp xúc cử tri ba quận 5, 10, 11 của tổ đại biểu Quốc hội ngày 18-5 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 18-5, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 gồm Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí; Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - Phạm Phú Quốc đã có buổi tiếp xúc cử tri ba quận 5, 10 và 11, TP.HCM.

Cử tri Trần Tương Lai (Q.11) cho rằng - TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp cho ngân sách cao nhất cả nước, nhưng tỷ lệ trung ương điều tiết ngân sách lại cho TP thì còn quá thấp, không đáp ứng yêu cầu phát triển xứng với tiềm năng, vị thế của TP. Do vậy, đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết này lên 33%.

Trả lời cử tri, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng vấn đề điều tiết ngân sách liên quan đến cách nhìn. Dưới góc độ tấm lòng của người TP.HCM thì mong muốn có nhiều tiềm lực hơn để thúc đẩy TP phát triển hơn nữa. Còn 62 tỉnh, thành khác lại nhìn ở góc độ TP.HCM phát triển rồi, nên cần sự chia sẻ cho các nơi khác để có sự phát triển toàn diện trong cả nước.

Ông Trí đưa thêm dẫn chứng để lý giải thêm, chẳng hạn như Huế nếu đòi phát triển như Đà Nẵng thì khó có thể giữ lại sông Hương đẹp như vậy. Còn các tỉnh biên giới thì còn phải giữ dân giữ đất, đảm bảo an ninh quốc phòng.

“Việc này chúng tôi tiếp thu để tiếp tục đề đạt thêm. Nhưng cũng cần nhìn sự việc ở nhiều khía cạnh. “Nghe đến con số 18% đúng là xót xa nhưng mà tăng lên 33% thì rất khó”- ông Trí nói.

Điều tiết ngân sách cho TP.HCM: 18% đúng là xót xa, nhưng 33% thì rất khó - Ảnh 2.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trả lời cử tri - Ảnh: TỰ TRUNG

Trả lời cử tri về giải pháp phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, ông Trí cho biết dù đạt được nhiều thành quả trong chống dịch, nhưng kinh tế xã hội hiện vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng.

“Chúng ta tự hào là qua chống dịch, lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước tăng lên. Vấn đề là chuyển hóa lòng tin này sang các lĩnh vực khác ra sao để góp phần khôi phục, phát triển đất nước” - ông Trí nhấn mạnh.

Liên quan đến mong muốn của cử tri về nhân sự cho đại hội Đảng và Quốc hội khóa tới, ông Trí khẳng định việc chọn người có đức có tài để làm được việc dân cần là mục tiêu quan trọng. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. 

Ông Trí cũng đồng tình với cử tri về việc cần nâng cao chức năng giám sát của Quốc hội trước những vụ việc nổi cộm mà xã hội quan tâm. Để làm được việc này, càng cần thiết thiết phải nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử trong thời gian tới.

Không để cán bộ lừa dân, lừa Đảng "nằm vùng" trong bộ máy

Quan tâm đến công tác cán bộ cho đại hội Đảng sắp tới, cử tri Nguyễn Thị Mộng Duyên bày tỏ: "Người nhận trọng trách trước Đảng, trước dân phải tự xem xét bản thân có đủ năng lực, trình độ hay không. Nếu không đáp ứng yêu cầu thì ngay từ đầu đừng nhận nhiệm vụ, đừng để xảy ra hậu quả rồi nói do năng lực yếu kém để biện minh cho sai phạm của mình".

Bà Duyên đề xuất cần có quy định rõ mỗi cán bộ từ cấp phường, xã cho đến trung ương, kể cả thành viên Bộ Chính trị trước lúc nhận nhiệm vụ phải lên được kế hoạch chương trình hành động để làm căn cứ cho dân giám sát. Đồng thời cần xem lại chính sách tiền lương cho hợp lý

"Nếu không làm tròn nhiệm vụ như đã cam kết thì nhẹ nhất là từ chức, bồi thường thiệt hại, nặng hơn thì truy cứu trách nhiệm hình sự" - bà Duyên đề nghị.

Còn cử tri Mai Thanh Hà (Q.5) thì co rằng: "Nếu không mở rộng điều tra, sàng lọc, xử lý thì những cán bộ dối Đảng lừa dân sẽ "nằm vùng" trong bộ máy. Lớp cán bộ đã có tì vết thì dễ có nguy cơ thành tay sai cho kẻ xấu" - ông Hà cảnh báo và nêu lý do hiện nay, các thể lực chống phá, ngoại bang rất tinh vi, họ có thể lợi dụng sự "nhúng chàm" của những cán bộ trong bộ máy để khống chế, tác động.

Vĩnh biệt Vĩnh biệt 'kiến trúc sư' công tác cán bộ

TTO - Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, nguyên trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, một 'kiến trúc sư' trong công tác cán bộ - đã qua đời ở tuổi 90 vào chiều 3-5.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên