Phóng to |
Anh Nguyễn Văn Lập treo bảng bán xe đã mấy ngày nay. Nếu bán được xe anh sẽ về quê ở Hà Nam xin làm tài xế chạy xe tải thuê - Ảnh: ĐỖ PHI |
Trưa nắng rát mặt, xe cộ lưu thông vội vã hơn. Trong bãi xe ba gác chở hàng sát bến xe An Sương (Q.12, TP.HCM), ông Nguyễn Chánh Thi ngồi ngủ gật chờ khách dưới mái hiên nóng hầm hập. Ông mua chiếc xe để chở hàng cách đây hai năm với giá hơn 80 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày ông kiếm được khoảng 100.000 đồng. “Hằng ngày tui tốn khoảng 50.000 đồng tiền đổ xăng. Xăng tăng giá như vậy, tốn thêm mấy chục ngàn đồng nhưng tui không thể tăng giá chở hàng, vì tăng thì khách không chịu” - ông Thi nói.
Từ “phơi nắng” đến bán xe
Ở bãi xe này trước đây có bảy chiếc chia nhau chở hàng (chủ yếu là hàng của các công ty hoặc công nhân ở các xí nghiệp có nhu cầu dọn phòng ở). Hiện nay bãi xe chỉ còn hai chiếc của ông Thi và ông Huỳnh Cẩn nhưng đã mấy ngày nay không có khách thuê chở hàng. Đối với những người chạy xe ôm, xe ba gác chở hàng không thể tăng giá vận chuyển thì lựa chọn duy nhất của họ lúc này là bán xe hoặc chuyển nghề khác. Ông Thi cho biết đang có ý định bỏ nghề, chuyển qua làm thợ hồ. Còn ông Nguyễn Việt Cường (nhà ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) đã bán xe ba gác chở hàng của mình tháng trước vì thu nhập giảm hẳn từ khi xăng tăng giá.
Ông Trương Thanh Tùng (đường D5, Q.Bình Thạnh, chạy xe ba gác máy gần mười năm) cho biết giá xăng tăng nhưng ông không thể tăng giá vận chuyển. “Tui định bán xe nhưng không biết bán thì làm gì để sống. Mấy người chạy xe gần đây cũng bán xe rồi. Khu này trước đây có 4-5 chiếc xe ba gác máy chuyên chở hàng, nay chỉ còn hai chiếc” - ông nói.
Ông Trần Thanh Dũng (quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh) kể trước đây mua chiếc xe ba gác máy hết 70 triệu đồng. Ông tâm sự: “Cái xe giờ bán lại chỉ được chừng 30 triệu đồng. Tui tính bán xe rồi chuyển qua làm công nhân, nhưng mấy hôm nay chưa bán được”. Anh Nguyễn Văn Lập (quê Hà Nam, trọ ở Q.Thủ Đức) cũng treo bảng bán xe nhưng vẫn chưa có ai hỏi mua. Anh nói: “Nếu bán được xe, tôi sẽ về quê xin làm tài xế chạy xe tải thuê. Bình thường tôi chở hàng đi 100 cây số hết 5,5 lít xăng, được 700.000-800.000 đồng tiền công. Nay xăng tăng, mình tăng giá chở hàng thì khách không chịu, mà bán xe thì khó”.
“Cày” đêm
Bên hông chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn), những tài xế kiêm bốc vác các xe tải chở hàng đang tất bật bốc dỡ hàng. Anh Nguyễn Bảo Trung, chở khóm (thơm) từ Bến Lức (Long An) lên chợ với giá mỗi chuyến là 1,2 triệu đồng. Nay anh tăng thêm 100.000 đồng/chuyến. “Trừ chi phí ra thì mỗi chuyến tui chỉ kiếm được 200.000-300.000 đồng, thay vì 500.000 đồng như trước đây” - anh cho biết. Tương tự, ông Đặng Đình Thanh mỗi ngày chở thuê ba chuyến rau củ các loại từ chợ đầu mối qua chợ nhỏ ở Q.Tân Phú cho một tiểu thương ở chợ. Ông nói: “Từ một tuần nay, tôi phải tăng từ 200.000 đồng lên 220.000 đồng/chuyến để bù đắp giá xăng và các chi phí khác”.
Anh Nguyễn Hữu Tính (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) kể sáng nào cũng chạy xe ba gác từ Q.12 đến bên hông bến xe miền Đông bán trái cây, mỗi ngày kiếm được khoảng 300.000 đồng. Bình thường anh tốn khoảng 35.000 đồng tiền xăng/ngày, nhưng nay tốn đến 50.000 đồng. “Nhưng tui cũng chẳng biết đổi sang nghề gì nên cố chắt mót ăn uống tiết kiệm để nuôi vợ con” - anh than thở.
Với những người chạy xe ôm như ông Nguyễn Văn Phú (P.Cô Giang, Q.1), xăng tăng nhưng ông không thể tăng giá do khách không đồng ý. Ông sống với vợ và hai con trai nhỏ cùng bốn người thân trong căn nhà chưa đầy 11m2. “Trước đây, tui chỉ chạy xe đến 5g chiều là về nhà. Nay tôi chạy thêm buổi tối, có khi đến 12g khuya để kiếm thêm tiền bù lại chi phí bỏ ra khi xăng tăng giá” - ông Phú nói.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (57 tuổi, thuê nhà số tại khu phố 5, P.1, Q.8) vừa chạy xe ôm vừa bán xôi tại bến xe buýt Bến Thành cho biết: “Giá xăng tăng liên tục. Mình nói giá cao một tí thì khách không đi, lấy giá mềm để chiều khách thì huề vốn tiền xăng hay chỉ kiếm được chút ít không đủ tiền nuôi mấy đứa nhỏ ở nhà. Tui mới làm thêm cái xe bán xôi, khi nào không có khách thì ngồi bán xôi kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó”.
Xe ôm gặp khó Ông Nguyễn Thanh Mai - chủ tịch nghiệp đoàn xe ôm P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 (khu vực bến xe buýt Bến Thành) - cho biết: “Đội xe ôm có 187 người, đa số đều là dân lao động thuộc diện khó khăn. Giá xăng hiện giờ cứ tăng liên tục ảnh hưởng rất lớn đến những người dân lao động kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm. Dạo này anh em trong đội xe ôm cũng muốn tăng giá thêm chút ít để đảm bảo thu nhập hằng ngày nhưng cũng rất khó vì giá cao thì mất khách, còn giữ nguyên giá thì thu nhập không đủ nuôi gia đình. Vì vậy thay vì trước đây chỉ làm đến 17g-18g là về, hiện nay mọi người cố gắng chạy đến tận 21g-22g. Ngoài ra, cũng có một số anh em vừa chạy xe ôm vừa tranh thủ lúc nào không có khách thì bán thêm xôi, bánh mì... Mong sao giá xăng xuống chút ít để anh em chạy xe có cuộc sống tốt hơn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận