22/09/2020 16:03 GMT+7

Điện mặt trời không lắp trên mái nhà sẽ không được hưởng giá ưu đãi

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Hệ thống mặt trời không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập, hệ thống mặt trời của trang trại với công suất trên 1 MW hoặc trên 1,25 MWp sẽ không được áp dụng giá bán điện ưu đãi là 1.943 đồng/kWh.

Điện mặt trời không lắp trên mái nhà sẽ không được hưởng giá ưu đãi - Ảnh 1.

Các công nhân trồng đinh lăng tại một dự án điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày 22-9, Bộ Công Thương đã có công văn hướng dẫn về việc đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Theo đó, hệ thống mặt trời có công suất không quá 1 MW nhưng không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập, hệ thống điện mặt trời của trang trại với công suất trên 1 MW hoặc trên 1,25 MWp và hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV sẽ không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời theo quy định tại Quyết định 13, tức giá mua điện 1.943 đồng/kWh.

Đối với nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà có tổng công suất trên 1 MW (mỗi hệ thống không quá 1 MW) trên một địa điểm được đấu nối trực tiếp, gián tiếp của một hoặc nhiều chủ đầu tư sẽ được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và miễn giấy phép hoạt động điện lực.

Đặc biệt, với quy định thế nào là "mái nhà" để lắp điện mặt trời, hưởng giá ưu đã cũng được Bộ Công thương chỉ rõ, trong đó các công trình trang trại lắp điện mặt trời muốn hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13 phải có mái.

Như vậy, các công trình lắp trực tiếp tấm quang điện lên hệ thống khung, giá đỡ sẽ không được hưởng giá mua điện 1.943 đồng/kWh.

Đối với kiến nghị ưu đãi cho trường hợp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà có công suất lớn hơn 1 MW, đầm tôm, trang trại trồng trọt... có nhu cầu sử dụng chính tấm quang điện làm mái, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng sau năm 2020.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống điện mặt trời được đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu, đặc biệt là hệ thống lưới điện 110 kV.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Đình Khánh, giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng HIGG, cho biết công văn này đã tháo gỡ "điểm nghẽn" về chính sách mà thời gian qua các doanh nghiệp gặp phải.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được ký hợp đồng mua bán điện và được thanh toán tiền điện khi đáp ứng các tiêu chí của công văn là lắp mái "phù hợp công năng, loại hình trang trại".

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp mua lại hệ thống điện mặt trời mái nhà nằm liền kề nhau cũng được ký hợp đồng và không phải xin giấy phép hoạt động điện lực.

Trong khi đó, đại diện một nhà đầu tư điện mặt trời nông nghiệp cho biết chiếu theo quy định tấm quang điện phải lắp trên mái mới được hưởng giá ưu đãi, doanh nghiệp buộc phải "cải tạo", lắp thêm mái tôn bên dưới tấm quang điện.

Như vậy, các doanh nghiệp sẽ đáp ứng tiêu chí để được ký hợp đồng mua bán điện và thanh toán tiền điện đã phát lên lưới lên đến hàng tỉ đồng. Tuy vậy, vị này cho biết mục đích ban đầu là để tận dụng ánh sáng, trồng cây bên dưới tấm quang điện sẽ không còn giá trị khi không thể vừa kết hợp giữa điện mặt trời và trồng cây bên dưới.

Điện mặt trời nông nghiệp sắp được tháo điểm nghẽn? Điện mặt trời nông nghiệp sắp được tháo điểm nghẽn?

TTO - Sau hàng loạt các vướng mắc liên quan đến việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà, nhất là trên mái các khu công nghiệp và mái nhà các dự án nông nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có nhiều kiến nghị gỡ vướng.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên