22/09/2020 09:27 GMT+7

Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp vẫn mòn mỏi chờ cơ chế

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Đầu tư khi chính sách cũ hết hiệu lực, chính sách mới được ban hành nhưng lại chậm trễ hướng dẫn khiến các doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái kết hợp nông nghiệp gặp muôn vàn khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản.

Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp vẫn mòn mỏi chờ cơ chế - Ảnh 1.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên các công trình xây dựng kiên cố tại các trang trại nông nghiệp - Ảnh: N.KH

Phải gửi đơn tới lần thứ 2 khi không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào từ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Tiến - chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ Tân Tiến (Ninh Phước - Bình Thuận) sốt ruột khi chính sách thay đổi liên tục mà chậm hướng dẫn. 

Đầu tư dự án nông nghiệp cách đây từ năm 2019 khi đang còn cơ chế ưu đãi theo quyết định 11/2017 của Chính phủ về khuyến khích đầu tư điện mặt trời, ông Tiến xây dựng kết hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà để có nguồn điện cho sản xuất. 

Tuy vậy, sau đó quyết định 11 hết hiệu lực và phải chờ tới 5 tháng sau, quyết định 13 mới được ban hành, nên lượng điện sản xuất chỉ được ghi nhận sản lượng lên lưới điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mà không có hướng dẫn.

Điều "tréo ngoe" là hiện nay căn cứ để cơ quan chức năng xây dựng hướng dẫn với hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, quyết định 13 quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống "các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng, có công suất dưới 1MW, thì được hưởng giá ưu đãi là 1.943 đồng/kWh. 

Thế nhưng, do đang còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm "mái nhà", bắt buộc các dự án nông nghiệp phải "có mái". "Chính sách thay đổi liên tục, cơ chế khuyến khích là vậy nhưng khi làm xong thì một chính sách mới ban hành và chỉ để quy định thêm "có mái" trong khi việc "có thêm mái" có thực sự cần thiết hay không hay chỉ làm tốn thêm tiền đầu tư, làm giảm hiệu suất của các tấm quang điện" - ông Tiến trăn trở. 

Thực tế, trong đơn gửi Thủ tướng và các bộ ngành mới đây, ông Tiến cho hay nếu thực hiện theo quyết định 13 trong việc lợp mái tole dưới hệ thống điện mặt trời, có thể dẫn tới hàng chục ha đất canh tác nông nghiệp do cây trồng thiếu ánh sáng, khiến dự án nông nghiệp hữu cơ có thể "chết", hàng trăm nông dân mất việc.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, với trường hợp những doanh nghiệp đã đầu tư trong thời điểm quyết định 11 còn hiệu lực, thì nên áp dụng để doanh nghiệp hưởng chính sách cũ để giảm rủi ro cho nhà đầu tư vì lỗi "chậm ban hành" của chính sách.

Tấm pin lắp trên mái là mái nhà, không nên phân biệt, chẻ nhỏ?

PGS.TS. Đặng Đình Thống, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng với điện mặt trời mái nhà, tất cả hệ thống nguồn điện mặt trời nào mà có dạng pin sản xuất lắp trên mái đều được gọi là điện mặt trời mái nhà, chứ không nên phân biệt, chẻ nhỏ ra như vậy.

Trao đổi với đại diện EVN, đơn vị này vẫn khẳng định chưa thể xác định được giá mua điện với những hệ thống này vì thiếu căn cứ hướng dẫn. Do đó, EVN vẫn đề nghị Bộ Công thương sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể, tạo thuận lợi cho việc xác định giá mua theo đúng quy định.

Khởi động nhà máy điện năng lượng mặt trời giai đoạn II hơn 3.000 tỉ đồng Khởi động nhà máy điện năng lượng mặt trời giai đoạn II hơn 3.000 tỉ đồng

TTO - Ngày 15-9, Tập đoàn Sao Mai tổ chức lễ khởi động lắp đặt hệ thống thiết bị chính của Nhà máy điện mặt trời Sao Mai giai đoạn II với tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên