25/08/2020 13:18 GMT+7

Điện mặt trời nông nghiệp sắp được tháo điểm nghẽn?

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Sau hàng loạt các vướng mắc liên quan đến việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà, nhất là trên mái các khu công nghiệp và mái nhà các dự án nông nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có nhiều kiến nghị gỡ vướng.

Điện mặt trời nông nghiệp sắp được tháo điểm nghẽn? - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp đang xây dựng các khung giá đỡ để lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp dự án nông nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN

Cụ thể, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) vừa có báo cáo nêu thực trạng, các vướng mắc và kiến nghị gỡ vướng cho các dự án điện mặt trời mái nhà. 

Trong đó, Cục đánh giá việc thực hiện phát triển điện mặt trời trên mái nhà theo cụm, mỗi hệ thống điện mặt trời không quá 1 MW là không trái với quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13 và Thông tư 18. Đồng thời, đơn vị lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. 

Đối với những trường hợp chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên... để đầu tư điện mặt trời mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng, ký hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng EVN được thực hiện ký hợp đồng mua bán điện nếu điện mặt trời trên mái nhà phù hợp với quy định.

Đáng chú ý, với những trường hợp lắp đặt điện mặt trời công suất đến 1 MW, lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái nhà), trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lớn hơn 1 MW, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã nêu rõ quan điểm. 

Trong đó, cục này cho rằng các công trình điện mặt trời trên mái nhà có công suất trên 1 MW hoặc không lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hoặc đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV, không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà (giá bán điện trên mái nhà là khoảng 1.943 đồng/kWh trong khi giá bán điện mặt đất  là 1.644 đồng/kWh - PV)

Do đó Cục kiến nghị chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà. 

Các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Đồng thời Cục cũng kiến nghị việc lắp điện mặt trời trong khu công nghiệp cần đánh giá đầy đủ tác động đối với EVN khi các khu công nghiệp lắp điện tự dùng nhưng EVN vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tư đường dây, trạm... đầy đủ để đảm bảo cung cấp đủ điện khi không có nắng, khi không có điện mặt trời.

EVN mới đây cũng đã 2 lần có văn bản nêu các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, kiến nghị Bộ Công thương gỡ vướng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tổng giám đốc một doanh nghiệp có nhiều dự án điện mặt trời nông nghiệp ở Tây Nguyên cho biết Thông tư số 18 sẽ có hiệu lực từ 31-8-2020, song đến nay (25-8), cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn các tiêu chí sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 23-8, cả nước có tổng 45.299 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MW, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh.

Lúng túng với điện mặt trời nông nghiệp Lúng túng với điện mặt trời nông nghiệp

TTO - Ngoài lý do vượt khả năng giải tỏa của lưới điện, nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) kết hợp với sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được ngành điện lực ký hợp đồng mua bán điện với lý do chưa xác định đây là ĐMT áp mái hay ĐMT mặt đất.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên