Hôm 21-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã bắn tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào một cơ sở quân sự ở Ukraine.
Đòn tấn công này diễn ra sau khi Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất hôm 19-11, sau đó là bằng tên lửa Storm Shadow của Anh và pháo HIMARS của Mỹ hôm 21-11. Washington được cho là đã "bật đèn xanh" cho Kiev dùng vũ khí tầm xa tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga tuyên bố diễn biến nêu trên cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã "xuất hiện các yếu tố mang tính toàn cầu".
"Thông điệp quan trọng nhất là các quyết định và hành động liều lĩnh của các nước phương Tây - sản xuất, cung cấp tên lửa cho Ukraine và sau đó tham gia vào các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga - không thể không nhận được phản ứng từ phía Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới vào ngày 22-11.
Ông Peskov tuyên bố Nga đã chứng minh rõ ràng năng lực của mình, đồng thời vạch rõ các bước hành động trả đũa tiếp theo trong trường hợp những quan ngại của nước này không được xem xét.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh Nga không có nghĩa vụ phải cảnh báo Mỹ về việc tấn công Ukraine nhưng đã thông báo cho Washington 30 phút trước khi các tên lửa rời khỏi bệ phóng.
"Tổng thống Putin vẫn cởi mở với đối thoại" - ông Peskov nói, nhưng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden "muốn tiếp tục đi theo con đường leo thang".
Liên quan đến diễn biến này, Hãng tin Reuters đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tổ chức họp khẩn với Ukraine tại trụ sở của NATO ở Brussels vào ngày 26-11.
Liên minh quân sự này xác nhận Hội đồng NATO - Ukraine, các đại sứ NATO và đại diện Ukraine sẽ nhóm họp theo đề nghị của Kiev, song không cung cấp chi tiết về chủ đề thảo luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận