27/11/2021 11:05 GMT+7

Diễn đàn môi trường nơi tôi sống: Sớm 'ngầm hóa' các bô rác

THANH HIẾU
THANH HIẾU

TTO - Những bô rác (hay còn gọi là điểm tập kết rác tạm, trạm trung chuyển rác) nằm giữa các khu dân cư TP.HCM nhiều năm qua là nỗi ám ảnh của những người dân sống xung quanh.

Diễn đàn môi trường nơi tôi sống: Sớm ngầm hóa các bô rác - Ảnh 1.

Bô rác tạm tại đường Thủy Lợi (TP Thủ Đức) gây ô nhiễm, nhếch nhác đường phố - Ảnh: LÊ PHAN

Rác được tập kết về đây trước khi đưa đến các điểm xử lý rác của TP. Tuy nhiên vì một số lý do mà lượng rác bị tồn đọng lại bốc mùi hôi thối, nước rỉ rác chảy tràn ra gây ô nhiễm môi trường sống.

Nói nhiều, bàn nhiều nhưng giải pháp khắc phục tình trạng này còn chậm!

Rác tràn ra hết nửa đường

Gần 1 tháng qua, người dân sống kế cận bô rác Thủy Lợi trong khu dân cư đường Thủy Lợi, phường Phước Long A (TP Thủ Đức) ngao ngán với tình trạng ô nhiễm tại đây. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày, khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng khi mùi xú uế từ rác bốc lên xộc thẳng vào nhà.

Đến sáng 25-11, số lượng rác tràn ra chiếm nửa đường như người dân phản ảnh đã được đưa đi xử lý. Tuy nhiên khi vừa chạy vào đầu đường Thủy Lợi giao với đường Nam Hòa thì mùi rác đã bốc lên nồng nặc.

Tại khu vực bô rác, một nhà tôn rộng đã chứa đầy rác lên tới mái, số lượng rác đã chiếm gần hết diện tích nhà tôn này. Nước dơ từ rác chảy tràn ra, ứ đọng trên đường xe chạy, trong khi nửa phần đường tại khu vực này vẫn còn sót lại "tàn dư" của lượng rác chưa dọn hết. Để tránh phần mặt đường dơ bẩn, người dân qua lại phải chạy tránh qua làn đường hướng ngược lại.

"Mấy nay trời mưa cộng với rác đổ tràn ra đường khiến tình trạng ô nhiễm càng nặng. Nước chảy ra đường hôi thối, nhếch nhác, rác thì nhầy nhụa rất kinh khủng. Gia đình tôi phải đóng chặt cửa để ngăn mùi rác bay vào nhà. Nhất là lúc ăn cơm mà gặp phải luồng gió thì thôi rồi, cả nhà muốn bỏ bữa. 

Tôi mong dẹp được bô rác này để người dân đỡ khổ" - ông Sáu, người dân sống tại đường Thủy Lợi, cho hay.

Theo tìm hiểu, bô rác tạm này thuộc quản lý của quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức. Một nhân viên tại đây cho biết những ngày qua lượng rác người dân thải ra quá lớn khiến rác bị tồn đọng, đơn vị quản lý đã huy động nhiều xe để xử lý lượng rác thải trên.

Bao giờ ngầm hóa trạm trung chuyển rác?

Ngầm hóa những trạm trung chuyển rác là điểm nhấn đặc biệt trong Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025. 

Song song với đó, TP định hướng quy hoạch trạm trung chuyển chất thải rắn công suất lớn, xóa bỏ các trạm rác nằm trong khu dân cư và trên đường phố. Các trạm chất thải được quy hoạch trên các tuyến đường vành đai của TP, nới thuận lợi giao thông, xa khu dân cư.

Được biết từ nay đến năm 2025, TP sẽ hoàn thành 13 trạm trung chuyển hiện đại. Giai đoạn sau đó TP sẽ đầu tư thêm 2 trạm trung chuyển cấp TP tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh). 

Các trạm này sẽ được đầu tư công nghệ ép rác kín, có hệ thống xử lý môi trường, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, các chất thải nguy hại và các hệ thống hiện đại khác để quản lý lượng chất thải đưa về.

Trong khi chờ đợi việc đưa các trạm trung chuyển xuống đất, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM thông tin thời gian qua, để giám sát chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn theo chỉ thị 19 của Thành ủy, tối thiểu 2 lần/tháng sở này đã cho kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm trung chuyển rác của TP. 

Trước khi hoàn thành các công trình trong đồ án thì ở những điểm tập kết, trạm trung chuyển quá tải sẽ buộc đóng cửa và điều chuyển rác đi nơi khác để tránh gây ảnh hưởng đến người dân.

TP.HCM dành 14.500 tỉ đồng để chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn, trong đó 9.500 tỉ đồng để chuyển đổi công nghệ hai nhà máy hiện hữu và 5.000 tỉ đồng đầu tư xây dựng nhà máy mới công suất 2.000 tấn/ngày.

Chi phí cho đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu xử lý chất thải rắn tập trung ở Tây Bắc, Đa Phước và Khu công nghệ môi trường xanh (Long An) là 3.300 tỉ đồng.

Chi phí hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự và nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải rắn từ TP đến các quận, huyện là 1.250 tỉ đồng/5 năm...

LÊ PHAN

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Người lớn phải làm gương... Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Người lớn phải làm gương...

TTO - Với tôi, chính người lớn là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất lên thế hệ sau trong ý thức về rác, vệ sinh cộng đồng, đời sống tập thể.


THANH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên