Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo AFP ngày 18-2, Nhật Bản đã hoàn tất xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 3.700 hành khách trên du thuyền Diamond Princess, theo đó phát hiện thêm 88 ca dương tính với virus corona chủng mới, nâng tổng số ca dương tính trên du thuyền này lên 542 ca.
Đáng chú ý, 65 trong số 88 ca dương tính mới trên Diamond Princess chưa xuất hiện triệu chứng, theo hãng tin AFP.
Đài Loan thuê máy báy sơ tán dân trên du thuyền Diamond Princess
Theo Reuters, Đài Loan ngày 18-2 thông báo sẽ thuê máy báy sơ tán công dân trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở Nhật.
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih Chung cho biết có tất cả 20 người Đài Loan trên tàu và 4 người đã dương tính với virus corona. Tuy nhiên ông Chen chưa nói việc sơ tán sẽ diễn ra khi nào.
Singapore công bố ngân sách 4,6 tỉ USD đối phó tác động của corona
Singapore công bố ngân sách khổng lồ trị giá 6,4 tỉ đôla Singapore (4,6 tỉ USD) để đối phó tác động của sự bùng phát virus corona - vốn đang phá vỡ chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch thế giới.
Gói ngân sách này bao gồm gói chăm sóc sức khỏe trị giá 800 triệu đôla Singapore, 4 tỉ đôla Singapore cho doanh nghiệp và người lao động và 1,6 tỉ đôla Singapore cho các hộ gia đình để vượt qua khó khăn.
Học sinh Thượng Hải học trực tuyến để "né" corona
Chính quyền thành phố Thượng Hải ngày 18-2 cho biết học sinh sẽ không trở lại trường học và học kỳ mới sẽ bắt đầu bằng chương trình giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại thành phố Thượng Hải sẽ bắt đầu chương trình học trực tuyến từ 2-3. Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải từng thông báo sẽ không mở lại trường học trong thành phố cho đến cuối tháng 2.
Nhân viên y tế động viên tinh thần bệnh nhân trong khu cách ly của bệnh viện trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Giang Tây ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 18-2-2020 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Số người nhiễm virus ngoài tỉnh Hồ Bắc giảm ngày thứ 14 liên tiếp
Ngày 18-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cập nhật mới cho biết các ca nhiễm mới virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) bên ngoài vùng tâm dịch Hồ Bắc của nước này đã giảm ngày thứ 14 liên tiếp, với tổng số 79 ca.
Đến nay có tổng cộng 890 ca nhiễm mới được ghi nhận bên ngoài tâm dịch Hồ Bắc kể từ ngày 3-2.
Triều Tiên tái khẳng định không có ca COVID-19 nào
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 18-2 đưa tin tờ báo chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên là Rodong Sinmun đã tái khẳng định rằng không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào trên lãnh thổ nước này, trong bối cảnh xuất hiện những suy đoán về khả năng Bình Nhưỡng đang giấu dịch.
Rodong Sinmun đã dẫn lời một quan chức y tế cộng đồng Triều Tiên nhấn mạnh rằng "không có trường hợp nào được xác nhận" nhiễm COVID-19 và khẳng định các biện pháp phòng ngừa trên toàn quốc đã tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn sự lây lan của virus vào nước này.
Cùng ngày, Yonhap đưa tin Hàn Quốc có thêm 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 31 ca. Bệnh nhân là một bà cụ 60 tuổi, bị nhiễm dù không hề đi ra nước ngoài.
32 công dân Canada trên du thuyền Diamond Princess nhiễm bệnh
Chính phủ Canada thông báo ít nhất 32 trong số 256 công dân Canada trên du thuyền đang bị cách ly Diamond Princess đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.
Theo hãng tin Reuters ngày 18-2, đến nay đã có 454 người trên chiếc du thuyền này nhiễm bệnh.
Anh chuẩn bị sơ tán công dân khỏi du thuyền Diamond Princess
Sau Mỹ, Canada và Úc, nay đến lượt Anh chuẩn bị điều máy bay sang Nhật để sơ tán các công dân của nước này, đang được cách ly trên du thuyền Diamond Princess.
"Nhân viên của chúng tôi đang liên hệ với các công dân Anh trên du thuyền để tiến hành các sắp xếp cần thiết" - Bộ Ngoại giao Anh thông tin ngày 18-2. Bộ này cũng cho biết sẽ sắp xếp chuyến bay càng sớm càng tốt để đưa các công dân Anh về nước.
Hiện Diamond Princess đang đậu ngoài khơi thành phố Yokohama, Nhật để cách ly và là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai sau Trung Quốc với hơn 400 người mắc bệnh trong tổng số khoảng 3.700 người trên du thuyền.
Một phụ nữ đeo khẩu trang và mặc áo mưa để bảo vệ mình tại một ga tàu ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS
Singapore Airlines cắt giảm các chuyến bay vì COVID-19
Hãng hàng không Singapore Airlines ngày 18-2 thông báo sẽ tạm cắt giảm các chuyến bay trên mạng lưới toàn cầu của hãng này trong tháng 3, 4 và 5 vì nhu cầu thấp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo Reuters, các chuyến bay có điểm đến là Los Angeles (Mỹ), Frankfurt (Đức), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật), Seoul (Hàn Quốc), Jakarta (Indonesia), Sydney (Úc) và Mumbai (Ấn Độ) nằm trong số các chuyến bị cắt giảm.
Trước đó, Singapore Airlines đã thông báo cắt giảm các chuyến bay tới Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Aeroflot dừng một số chuyến bay tới Trung Quốc
Kể từ ngày 28-3, hãng hàng không Nga Aeroflot sẽ chỉ duy trì chặng bay tới Bắc Kinh và Thượng Hải một chuyến/ngày, thay vì 2 chuyến mỗi ngày như trước.
Aeroflot cũng đã giảm một số chuyến bay tới thành phố Quảng Châu từ 17-2 và từ ngày 1-3 sẽ ngừng một số chuyến tới Hong Kong và duy trì 4 chuyến/tuần tới mỗi điểm đến trên.
Tất cả các hãng hàng không lớn khác của Nga đều thông báo ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc kể từ ngày 31-1.
Cảnh báo thế giới thiếu thuốc kháng sinh
Ông Joerg Wuttke, chủ tịch Hội doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, ngày 18-2 cảnh báo thế giới có thể thiếu hụt thuốc kháng sinh nếu các vấn đề về nguồn cung của ngành công nghiệp dược phẩm này, liên quan đến dịch COVID-19 tại Trung Quốc, không được giải quyết sớm.
Ngoài ra, theo Reuters, ông Wuttke cũng lưu ý rằng các công ty đang phải đối mặt với việc thiếu nguyên vật liệu đóng gói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Samsung Electronics tung dịch vụ thử sản phẩm mới tại nhà
Samsung Electronics tung ra dịch vụ thử sản phẩm mới tại nhà trong bối cảnh dịch COVID-19 buộc gã khổng lồ công nghệ này phải hủy các buổi quảng cáo sản phẩm mới và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Hãng tin Reuters ngày 18-2 dẫn hai nguồn tin cho biết nhân viên chuyển phát nhanh sẽ giao Galaxy S20 đến tận cửa cho khách hàng muốn dùng thử sản phẩm này của Samsung. Khách hàng sẽ được trải nghiệm sản phẩm trong 24 giờ trước khi nhân viên chuyển phát đến lấy lại sản phẩm.
Động thái này cho thấy những nỗ lực của ngành công nghiệp điện thoại thông minh toàn cầu, một trong những lĩnh vực công nghệ bị tổn thương nhiều nhất vì dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, để hạn chế các tác động lên công việc kinh doanh.
Hong Kong tăng quỹ khắc phục hậu quả dịch COVID-19 lên 3,6 tỉ USD
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam ngày 18-2 cho biết chính quyền đặc khu sẽ tăng quỹ dùng để khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 từ 25 tỉ đôla Hong Kong lên 28 tỉ đôla Hong Kong (3,6 tỉ USD).
Theo hãng tin Reuters, động thái này của chính quyền Hong Kong là nhằm giảm bớt các tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế của đặc khu. Tuần trước, bà Lam nói rằng chính quyền sẽ dùng quỹ này để hỗ trợ các doanh nghiệp và bệnh viện trong thành phố.
Hơn 300 người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess về đến Mỹ
Hãng tin Reuters cho biết có 338 công dân Mỹ đã đến Mỹ và được cách ly ngày 17-2, sau hai tuần bị kẹt lại trên du thuyền Diamond Princess neo đậu ở Yokohama, Nhật Bản.
Trong số này, 14 người dương tính với virus corona chủng mới cũng được phép lên máy bay vào phút chót. Họ đã được cách ly tại các khu đặc biệt trên hai chuyến bay do Mỹ thuê để chở tới các căn cứ quân sự Mỹ cách ly, theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thêm 93 người chết ở Hồ Bắc
Số liệu cập nhật lúc 6h sáng 18-2 từ Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho thấy tính tới cuối ngày 17-2, có thêm 1.807 ca nhiễm mới và 93 ca tử vong mới trên toàn tỉnh Hồ Bắc vì dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).
Trong đó chỉ riêng tâm dịch Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc), có 1.600 ca nhiễm mới và 72 ca tử vong mới.
Như vậy, tổng số ca nhiễm do COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc hiện là 59.989 ca và số tử vong là 1.789 ca. Trước đó một ngày, tỉnh này công bố có 1.933 ca nhiễm mới và 100 ca tử vong mới.
Số liệu cập nhật từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) lúc 7h15 cho thấy tính đến cuối ngày 17-2, ở Trung Quốc đại lục có tổng cộng 1.868 ca tử vong do COVID-19, tăng 98 ca so với ngày trước đó. Trong khi đó, có 1.886 ca nhiễm mới trên toàn Trung Quốc đại lục, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 72.436 ca.
Như vậy trên toàn thế giới, tính tới 7h15 ngày 18-2, có 1.873 người chết (gồm 1.868 ca ở Trung Quốc đại lục và 5 ca bên ngoài Trung Quốc đại lục), 73.427 ca nhiễm và 12.687 ca hồi phục.
Dùng huyết tương là cách tiếp cận "rất có giá trị"
Các bác sĩ ở Thượng Hải đang sử dụng phương pháp truyền huyết tương từ người nhiễm COVID-19 đã hồi phục để chữa trị cho những người đang bị nhiễm, sau khi phát hiện các kháng thể trong huyết tương của họ có khả năng chống lại virus corona chủng mới. Ông Lư Hồng Châu tại Trung tâm lâm sàng y tế công cộng Thượng Hải tin tưởng rằng phương pháp này có thể "rất hiệu quả".
Hãng tin Reuters ngày 18-2 dẫn lời tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bình luận đây là một cách tiếp cận "rất có giá trị".
"Đây là một lĩnh vực khám phá rất quan trọng và tôi tin rằng họ đang bắt đầu các cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc. Đây là một cách rất có giá trị để tìm ra cách chữa bệnh, đặc biệt khi chúng ta không có vắcxin và không có các thuốc đặc trị virus corona chủng mới" - ông Ryan bình luận, nhưng cho biết phải có sự tính toán thời gian chính xác để tăng cường tối đa hệ miễn dịch của người bệnh.
Cần chặn đứng lây lan từ người sang người
Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn nhấn mạnh tình hình dịch COVID-19 tại Vũ Hán phụ thuộc vào việc ngăn chặn việc lây lan từ người sang người.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18-2 ở tỉnh Quảng Đông, nhà khoa học Trung Quốc cho biết việc lây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới vẫn đang diễn ra ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
“Làm sao để phân tách bệnh nhân COVID-19 với bệnh nhân mắc cúm mùa, và phân tách các bệnh nhân khác với bệnh nhân COVID-19: nếu không thể giải quyết được vấn đề đó, việc lây lan từ người sang người sẽ không dừng lại” - ông Chung nói sau khi nhóm của ông tiến hành phân tích 1.099 ca bệnh ở Trung Quốc.
Kết quả phân tích 1.099 ca bệnh này cho thấy những người bị cách ly có thời gian ủ bệnh lâu hơn mức trung bình là 2-7 ngày. Trong số này, chỉ một người có thời gian ủ bệnh hơn 24 ngày và ba người ủ bệnh lâu hơn 14 ngày, theo South China Morning Post.
Ông Chung cũng cho biết chính quyền Quảng Đông sẽ điều trị các ca nhiễm COVID-19 nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã hồi phục nhưng sẽ không áp dụng cho những trường hợp nguy kịch, do điều kiện bệnh phức tạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận