Nhiều doanh nghiệp mong cách tiếp cận gói hỗ trợ thay đổi để sớm vượt qua khó khăn. Trong ảnh: Xuất khẩu hàng hóa của một doanh nghiệp phía Nam - Ảnh: D.S.
Tôi cũng đi vay, có ngân hàng làm liền, có ngân hàng ngâm hồ sơ, lơ luôn hoặc nếu cho vay thì biên độ giảm lãi cũng tùy từng nơi, không biết dựa vào tiêu chí gì.
Ông ĐẶNG HỒNG ANH
* Vì sao ông cho rằng cần có cách tiếp cận ngược?
- Thủ tướng đã có chỉ thị số 11 và nhiều ban ngành cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Chính sách này được ban hành khi dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng nặng nề như hiện nay.
Tình hình đã chuyển biến rất khác, hầu hết nền kinh tế đều bị thiệt hại. Do vậy, cần phải xem hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế đều đã bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, chỉ có một số ít không bị ảnh hưởng như sản xuất thực phẩm (trong đó có mì gói) và trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn)... Các nhóm ngành không bị ảnh hưởng vốn chiếm rất ít, còn lại là cần hỗ trợ ở các mức khác nhau, từ đó có các giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Cụ thể, với các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần được hỗ trợ khẩn cấp như miễn giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0, giãn nợ vay ngân hàng, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm.
Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay ngân hàng từ 1-2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ ngân hàng để có thể tiếp tục vay mới...
Các giải pháp cần rõ ràng, cụ thể và phù hợp tiềm lực để DN cảm thấy an tâm. Các DN chỉ cần gửi văn bản cho cục thuế và ngân hàng nêu rõ lý do là lập tức được giải quyết. Được như vậy sẽ hạn chế được cơ chế "xin - cho".
* Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm lãi suất, theo ông, các ngân hàng triển khai ra sao từ thực tế của các doanh nghiệp trẻ?
- Việc giảm lãi suất, theo tôi, phải chia theo lĩnh vực và cần đánh giá lại. Hiện ai cũng gửi hồ sơ, bài toán đặt ra là duyệt thế nào? Dù Thủ tướng đã nói rằng hạn chế "xin - cho", nhưng không có giải pháp căn cơ chắc chắn sẽ có bất cập này. Bản thân tôi cũng đi vay, có ngân hàng làm liền, có ngân hàng cũng ngâm hồ sơ, lơ luôn hoặc nếu cho vay thì biên độ giảm cũng tùy từng nơi, không biết dựa vào tiêu chí gì.
Để giúp doanh nghiệp nhỏ vốn rất dễ tổn thương trong đại dịch, các ngân hàng cần có chính sách cụ thể như phải trích ra bao nhiêu phần trăm để cho DN vừa và nhỏ vay, điều kiện ra sao... Minh bạch như vậy các DN vừa và nhỏ mới có cơ hội tiếp cận, còn không sẽ nhiêu khê và khi ngân hàng thẩm định, họ sẽ đưa ra các điều kiện, rất khó để vay. "Sức khỏe" DN bây giờ tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa nên biện pháp thiết thực nhất, cần làm ngay là giảm, giãn nợ.
* Ngoài các biện pháp hỗ trợ về tài chính, theo kinh nghiệm của ông, các DN nên làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Tôi cho rằng DN nên chuyển sang trạng thái "ngủ đông" thời khủng hoảng, bởi doanh thu giảm sút hoặc không có. DN cần tồn tại qua khủng hoảng, mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Với DN, tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng ngắn hạn để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khó khăn. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc. Thực hiện các giải pháp "ngủ đông" giúp DN duy trì được dòng tiền tối thiểu vượt qua khủng hoảng, giữ được bộ máy chủ chốt để có thể phục hồi kinh doanh ngay sau khi kết thúc khó khăn.
Nên khảo sát cập nhật "sức khỏe" doanh nghiệp
Các ngân hàng cũng chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận. Vì vậy, nhiều khi người đi vay phải tác động đến lãnh đạo ngân hàng họ mới xem xét hồ sơ nhanh, được hỗ trợ. Nói đến giảm lãi là ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, được cho người vay nhưng không có lợi cho ngân hàng, nó xung đột lợi ích ngay lập tức nên ngân hàng phải cân nhắc. Do đó, cần cụ thể hóa chính sách từ Ngân hàng Nhà nước để có những giải pháp hạ lãi suất, có cơ chế bù cho các ngân hàng hoặc nới tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng kiếm nguồn bù lại khoản đã giảm cho DN...
* Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết sẽ liên tục và định kỳ khảo sát rộng khắp trong các DN hội viên về tình hình hoạt động của DN, những khó khăn và các kiến nghị cần thiết để trình Chính phủ và các cơ quan hữu quan có giải pháp phù hợp.
Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 diễn biến quá nhanh, nhiều bất ngờ, tác động rất lớn đến đời sống DN, vì thế cần phải cập nhật ngay "sức khỏe" DN để có kiến nghị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận