13/02/2020 11:58 GMT+7

Giúp doanh nghiệp lấy lại 'phong độ' sau covid-19: Kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Dịch bệnh Covid-19 có thể gây thiệt hại lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS, mức thiệt hại có thể lên tới 160 tỉ USD trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng nặng nhất.

Giúp doanh nghiệp lấy lại phong độ sau covid-19: Kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thanh long Bình Thuận hạ giá bán tại vỉa hè ven đường Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Đây là báo cáo đánh giá ảnh hưởng bởi dịch do virus corona gây ra đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 12-2.

GDP có thể chỉ đạt dưới 6%

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm có: nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp điện - điện tử, da giày, dệt may. Hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động khi nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI; các dự án đã đầu tư có khả năng hoãn tăng vốn.

Về du lịch, Bộ KH-ĐT đánh giá số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50-60% giai đoạn có dịch. Nếu dịch kéo dài hết quý 1, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD. Nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỉ USD. Các ngành vận tải, dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng.

Với hoạt động xuất nhập khẩu, trường hợp dịch kết thúc cuối quý 1-2020, ước tính quý 1 kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỉ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu cũng giảm.

Cũng theo bộ này, dịch bệnh cũng tác động đến CPI; trường hợp hết dịch trong quý 2-2020, dự báo CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 tăng tới 4,86%. Dự kiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, trường hợp khống chế được dịch trong quý 1-2020, tăng trưởng của VN dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2-2020, tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Miễn giảm thuế, tái cơ cấu ngành

Để đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng, Bộ KH-ĐT cho rằng cần "chủ động sớm dự liệu giải pháp". Theo đó, các nhóm giải pháp trọng tâm là ưu tiên các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch gắn với hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ. Bộ Tài chính có giải pháp cân đối thu chi ngân sách, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đảm bảo thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm phí điện, nước...

Ngay sau khi dập dịch thành công, cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, giải pháp tập trung như triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích mạnh mẽ hơn phát triển kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất nghiên cứu các phương án kích cầu nhằm bảo đảm giữ vững mục tiêu tăng trưởng như kích cầu, giảm giá du lịch, xem xét việc miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách. 

Khai thác hiệu quả thị trường nội địa, thương mại điện tử, dịch vụ giao vận và chuyển phát. Hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Chống virus corona và "virus trì trệ"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá tác động của dịch bệnh do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra chiều 12-2.

Thủ tướng nhấn mạnh các ngành lớn cần có đề án riêng để xử lý, giải quyết ảnh hưởng của dịch. Trong đó, không chỉ cần có biện pháp về kinh tế mà cả biện pháp về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho phát triển.

Thủ tướng khẳng định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng và nhấn mạnh tất cả cán bộ công chức không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn. Ông yêu cầu chống cả virus corona và "virus trì trệ", không dám tiến công, không hành động.

Thủ tướng cho biết đã nhận được bức thư của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cho rằng vào thời điểm này, các thị trường du lịch đường dài vẫn có nhiều cơ hội kinh doanh, trước mắt nên được xem xét là miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường.

Thủ tướng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác... Ông cũng yêu cầu tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.

Thủ tướng nhắc lại phát biểu: Việt Nam đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch Covid-19 thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Ông yêu cầu các ngành, địa phương phát động nhà máy, xí nghiệp, danh lam thắng cảnh... hoạt động bình thường.

Doanh nghiệp lấy lại Doanh nghiệp lấy lại 'phong độ' sau corona: Cùng hiến kế tìm lối ra

TTO - Để hỗ trợ, tránh suy giảm và khó khăn cho một số ngành đang bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do nCoV, không chỉ cần sự hỗ trợ mà là sự chung tay của từng doanh nghiệp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên