Du khách nước ngoài tham quan tại tỉnh Tiền Giang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Năm 2009, du lịch Việt Nam cũng từng bị choáng váng bởi cú sốc khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1.
Lúc đó, để vực dậy thị trường, Tổng cục Du lịch đã thành lập nhóm kích cầu triển khai nhiều giải pháp như đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho khách du lịch.
Đặc biệt, các thực thể khác của thị trường đã tham gia, như các hãng hàng không cũng vào cuộc, giảm 55 - 60% giá vé máy bay...
Chương trình này đã có hiệu ứng không nhỏ. Hàng loạt khách sạn, phương tiện vận chuyển, dịch vụ khác cũng giảm giá mạnh mẽ.
Thời điểm đó, dù kinh tế đang rơi vào khủng hoảng nhưng các doanh nghiệp ngành du lịch đều khá bình tâm, thậm chí vì lo ngại dịch cúm A/H1N1 trên thế giới, khách dồn đi thị trường nội địa, những chuyến xe du lịch vẫn tấp nập trên các cung đường trong nước.
Ngành du lịch Việt Nam cũng đang bị tàn phá bởi dịch cúm nCoV, cùng chung tình hình với các nước trên thế giới.
Với diễn biến hiện nay, chắc chắn thị trường ngày càng khó khăn, những điểm đến đẹp sau tết như mùa hoa ban ở Tây Bắc, khám phá cung đường đẹp sau tết... sẽ không thể đón khách vì dịch bệnh.
Việc hạn chế tụ tập đám đông đã gián tiếp không khuyến khích hoạt động du lịch nữa, nếu không nghĩ đến một phương án hỗ trợ khẩn cấp từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp du lịch khó trụ nổi qua mùa dịch.
Hiệp hội du lịch các địa phương phải dựa lưng vào nhau, huy động các đơn vị cung ứng dịch vụ cùng hợp sức giảm giá thành.
Trong đó, trọng tâm phải là các doanh nghiệp hàng không, hiệu ứng kích cầu từ du lịch hàng không rất lớn, bài học từ gói kích cầu 2009 đã cho thấy điều đó.
Những người thực hiện đang mong muốn gói kích thích lần này có quy mô lớn hơn, các doanh nghiệp muốn tham gia chương trình này phải làm đơn và có cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu giảm giá, không giảm chất lượng, đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng.
Khi tâm lý của người dân còn e ngại thị trường nước ngoài, thì du lịch nội địa cần hành động sớm.
Thực tế hằng năm TP.HCM đều có chương trình kích cầu du lịch, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, ý nghĩa cũng như hiệu ứng chương trình này sẽ phải khác khi hầu hết địa phương đều chịu chung cảnh du khách sụt giảm, thất thu từ du lịch nên chương trình đòi hỏi quy mô hơn, mức giảm giá phải mạnh hơn, các sản phẩm đưa ra trong chương trình tiếp cận đến những thị trường gần trong khu vực.
Cùng với chương trình hỗ trợ du khách, doanh nghiệp bị thiệt hại cũng cần được cân nhắc hỗ trợ bằng các hình thức như giãn thuế, giảm thuế, giãn lãi suất cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển bị thiệt hại do dịch bệnh.
So với dịch SARS năm 2003 hay dịch cúm A/H1N1 năm 2009, khó khăn cũng như thiệt hại của doanh nghiệp du lịch trong dịch cúm nCoV lần này lớn hơn nhiều, do quy mô hoạt động của các doanh nghiệp hiện đã lớn hơn, và dịch bệnh đến nay vẫn rất khó lường.
Những ngày tới đây, khi các ảnh hưởng, thiệt hại của ngành du lịch chưa dừng lại vì dịch còn lan nhanh, cơ quan quản lý du lịch cũng nên nghĩ đến kịch bản vực thị trường, chẳng hạn một gói hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp du lịch tương tự nội các Thái Lan, Hàn Quốc đang triển khai.
Saigontourist Group công bố gói kích cầu lớn nhất từ trước đến nay
Ngày 11-2, Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết cùng với triển khai giải pháp phòng chống dịch nCoV, tổng công ty cũng đã triển khai kế hoạch chương trình kích cầu lần 1 năm 2020 trong toàn hệ thống, thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5-2020. Đây sẽ là một trong những chiến dịch kích cầu quy mô nhất của tổng công ty từ trước đến nay.
Theo đó, tất cả các đơn vị Saigontourist Group áp dụng chính sách giá linh hoạt, các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm nhằm tăng ấn tượng đối với khách hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Saigontourist Group cho biết trong chương trình kích cầu lần này khách có thể được tiếp cận những gói dịch vụ, combo giảm giá từ lưu trú, ẩm thực đến tour du lịch trong và ngoài nước, có giảm giá có thể lên trên 50%...
Trong khi đó, ngày 11-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Khánh - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM - cho biết hiệp hội đang chuẩn bị một kế hoạch kích cầu toàn diện cho các doanh nghiệp thành viên, với bước khởi đầu là thành lập ban chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch.
Ban chủ nhiệm mới dựa trên Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa có sẵn từ năm 2009 nhưng được bổ sung thêm thành viên đến từ ban hỗ trợ doanh nghiệp hội viên của hiệp hội.
Mở diễn đàn "Doanh nghiệp lấy lại phong độ sau nCoV"
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ quyết tâm lấy lại 5,9 - 7,7 tỉ USD thiệt hại vì nCoV.
Nhiều ý kiến đồng tình phải có sự chung tay để giảm thiểu khó khăn, tránh nguy cơ suy giảm kinh tế, mà ngay các doanh nghiệp, người dân có thể tham gia, trường hợp cần thiết đề nghị hỗ trợ của Nhà nước.
Vừa qua, người dân và nhiều tổ chức đã tham gia giải cứu nông sản. Nhưng thiệt hại với nhiều ngành, chỉ qua thời gian ngắn đã thấy quá lớn, khách vắng tanh, doanh thu giảm mạnh.
Tuổi Trẻ bắt đầu diễn đàn "Doanh nghiệp lấy lại phong độ sau nCoV" với ý kiến về ngành du lịch và mời gọi các ý kiến tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận