30/04/2024 10:18 GMT+7

Địa đạo và giấc mơ 10 năm của Bùi Thạc Chuyên về bộ phim cho ngày hòa bình

'Toàn bộ ê kíp đều mong muốn làm nên một bộ phim chiếu vào dịp 30-4-2025 và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình'.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên theo dõi monitor và chỉ đạo ê kíp trên trường quay - Ảnh: Mi Ly

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên theo dõi monitor và chỉ đạo ê kíp trên trường quay - Ảnh: Mi Ly

Tôi muốn xây dựng một trận chiến chứa đựng sự thật trong đó, mô tả chiến tranh rất nghiệt ngã với sự tàn bạo vốn có của nó nhưng chủ đề hướng tới là sự hòa giải.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Trong tháng 3 và tháng 4, kịch bản Địa đạo mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm huyết 10 năm được quay thành phim. Địa đạo quay chính ở hai địa điểm: trường quay mô phỏng thật tại TP.HCM và địa đạo Củ Chi - nơi chủ yếu là bối cảnh ngoài trời. 

Giữa trường quay Địa đạo ở TP.HCM, Bùi Thạc Chuyên chia sẻ về những khó khăn và tâm huyết của anh khi làm phim về những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc.

ĐỊA ĐẠO: MẶT TRỜI TRONG BÓNG TỐI | FIRST LOOK TRAILER | DỰ KIẾN KHỞI CHIẾU 30.04.2025

10 phút phim và 10 năm giấc mơ của Bùi Thạc Chuyên

10 năm trước, vào năm 2014, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được mời làm dự án phim 3D về địa đạo Củ Chi. 

Thước phim chỉ dài 10 phút, hiện được chiếu ở địa đạo Củ Chi, nhưng là sự mở đầu cho một mối duyên của đạo diễn, mở ra 10 năm miệt mài với kịch bản, những lần kêu gọi đầu tư, những cuộc vào Nam ra Bắc tìm hiểu thực tế. 

Dù trong thời gian đó anh vẫn làm phim khác (Tro tàn rực rỡ, ra mắt năm 2022), giấc mơ một bộ phim lớn về địa đạo Củ Chi vẫn luôn ở đó. Một giấc mơ đầy chông gai nhưng không phải là không tưởng.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trên trường quay phim Địa đạo tại Củ Chi - Ảnh: C.K.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trên trường quay phim Địa đạo tại Củ Chi - Ảnh: C.K.

"Tôi nhận ra câu chuyện đầy hào hùng, đầy con người. Tôi đã phỏng vấn một số cô chú từng chiến đấu ở địa đạo Củ Chi. Câu chuyện vô cùng thú vị. Tôi cũng tìm hiểu những tài liệu của Việt Nam, của Mỹ về Củ Chi rồi bắt tay vào viết kịch bản. Và những câu chuyện tôi thấy hay nhất tôi đã đưa vào phim", anh nói.

Địa đạo là một phim truyện hư cấu, lấy cảm hứng từ những chuyện có thật, lấy mốc thời gian năm 1967 sau trận càn Cedar Falls nhưng sẽ không phải một bộ phim rập khuôn nguyên xi từ thực tế. 

Thông qua câu chuyện có nhiều yếu tố hư cấu, Bùi Thạc Chuyên muốn kể lại cuộc chiến thực sự, cho thấy địa đạo vận hành, cấu tạo, hoạt động ra sao. 

Và những người du kích Việt Nam đã sống, chiến đấu như thế nào trong lòng vùng "đất thép hóa thành đồng", đối đầu với "đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới", khi đó là quân Mỹ... 

Để cho người xem thấy cuộc chiến tranh của Việt Nam thực sự là chiến tranh nhân dân.

Kịch bản Địa đạo được Bùi Thạc Chuyên bắt đầu viết từ năm 2014, hoàn thành năm 2016, đến năm 2017 suýt nữa đã được làm phim nhưng lại không đủ tiền nên phải chờ. Anh kể cũng có một bên khác muốn đầu tư cho phim nhưng bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. 

Đến năm 2022, anh tin đây là thời điểm đã đến. Từ năm 2022-2024, anh dồn sức chuẩn bị cho hành trình làm phim.

Một cửa hầm và lối đi trong địa đạo Củ Chi do đoàn phim dựng lên trên trường quay mô phỏng đời thực - Ảnh: Mi Ly

Một cửa hầm và lối đi trong địa đạo Củ Chi do đoàn phim dựng lên trên trường quay mô phỏng đời thực - Ảnh: Mi Ly

Một trong số bốn nhà đầu tư chính, doanh nhân Nguyễn Thành Nam (phó chủ tịch Đại học FPT) cho biết từ năm 2014, anh đã gặp đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi cùng tham gia sản xuất phim 3D giới thiệu về địa đạo Củ Chi để chiếu ở di tích.

Khi đó, Nguyễn Thành Nam đã viết những dòng cảm nghĩ về Củ Chi bất khuất kiên cường

"Bất cứ một khách du lịch nước ngoài nào đến Sài Gòn cũng sẽ được dẫn đến địa đạo Củ Chi, được giới thiệu về Tam giác sắt. 

Họ sẽ ồ à khi không thể tưởng tượng được là làm sao có thể di chuyển và sinh sống năm này sang năm khác trong những đường hầm bé tí như vậy. Và để làm gì nhỉ?

Kinh ngạc, nể trọng nhưng thời nay người ta sẽ nghĩ: Chẳng có ích gì cho hiện tại, làm sao có thể thắng trên thương trường bằng cách chui lủi như vậy được? 

Chúng ta nhún vai bỏ đi và sẽ quên ngay những người nông dân nhỏ thó này. Thật không có gì sai lầm hơn! Chỉ có những tướng lĩnh và những nhà lãnh đạo Mỹ thời đó mới hiểu được đối thủ của họ mạnh mẽ và thông minh đến chừng nào?".

10 năm sau, Bùi Thạc Chuyên và Nguyễn Thành Nam hội ngộ khi anh Nam trở thành một trong những nhà đầu tư cho phim. 

"Cuộc chiến cha ông ta đã tiến hành là một kho tàng tri thức vô giá mà các thế hệ sau cần phải khai thác nếu muốn góp sức mình cho một nước Việt Nam hùng cường", anh Nam bày tỏ.

Những ngày quay phim khổ cực và ý nghĩa

Để đi đến được ngày khởi quay, Địa đạo nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Đặc biệt yếu tố kỹ thuật quân sự rất quan trọng với một bộ phim chiến đấu và có rất nhiều cảnh chiến tranh cần đến các thiết bị như xe tăng, máy bay, các vật liệu nổ, súng ống... mà nếu không có sự ủng hộ của quân đội thì không thể làm được.

"Có lẽ tôi cũng may mắn vì làm phim về Củ Chi, một địa danh quá nổi tiếng với câu chuyện quá hào hùng nên tất cả mọi người đều có niềm tự hào khi nhắc đến Củ Chi. Khi đọc kịch bản, mọi người có góp ý cho tôi để bộ phim hoàn thiện hơn", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ. Đến được chặng đường này, anh nói mình may mắn. 

Anh nói: "Toàn bộ các nhà đầu tư và ê kíp đều mong muốn làm nên được một bộ phim để chiếu vào dịp 30-4-2025 và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình".

Khi bộ phim mới công bố khởi quay, một số khán giả yêu điện ảnh đã bình luận khích lệ, cho biết họ rất mong đợi.

Bùi Thạc Chuyên có lẽ là người ôm ấp nhiều hy vọng nhất. Anh nói: "Tôi hy vọng mọi người sẽ quan tâm, đó là một dịp rất tốt để được quan tâm. 

Hơn nữa bộ phim cũng đề cao tinh thần dân tộc. Vấn đề là phải làm sao cho hay. Nếu mình làm tốt, khán giả sẽ đón nhận. 

Tôi tin mình đang làm một điều có ích, khó khăn chỉ làm mình thêm cố gắng. Tôi tin kịch bản rất tốt, anh em khi làm việc đều yêu thích và hăng say. 

Diễn viên rất khổ cực nhưng sẵn sàng nhịn ăn trước hai tháng trời, đi tập quân sự bắn đạn thật giữa trời nắng, lăn lê bò toài rất cực, người đen xì và xước hết chân tay. 

Nhưng họ đều rất quyết tâm vì cảm thấy mình đang làm một điều ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình đang nhận được ơn phước".

Phim lịch sử khi ra mắt khán giả sẽ rất chú ý đến trang phục và đạo cụ. Bùi Thạc Chuyên nói có khá nhiều tư liệu cả về phía Mỹ và phía Việt Nam. Anh cũng tìm đến các chuyên gia, các cô chú du kích để xác nhận. 

Nhưng về mặt sử liệu, anh cho rằng Việt Nam chưa có thói quen hay chính sách lưu giữ sử liệu về trang phục một cách chi tiết và chính xác nên người làm phim buộc phải áng chừng.

"Ví dụ phim này, tôi sử dụng áo bà ba là nhiều nhưng diễn viên vẫn mặc những áo bình thường vì họ là du kích, không có đồng phục.

Có người nói du kích thường mặc áo đen thôi nhưng thứ nhất là phim hư cấu, thứ hai là phim quay trong địa đạo tối, nếu chỉ có áo đen thì không ai nhìn ra nhân vật. Vậy nên tôi để du kích mặc áo màu khác đi, kiểu khác đi. Thời đó người ta cũng mặc nhiều loại quần áo chứ không chỉ bà ba", anh phân tích.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê kíp sản xuất tại lễ khai máy phim điện ảnh Địa đạo - Ảnh: Facebook Nguyễn Trí Viễn

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê kíp sản xuất tại lễ khai máy phim điện ảnh Địa đạo - Ảnh: Facebook Nguyễn Trí Viễn

Tất cả diễn viên đóng vai du kích đều rất gầy và đen. Theo đạo diễn, yếu tố ngoại hình này là rất quan trọng, anh yêu cầu mỗi diễn viên đều phải giảm dưới mức tối thiểu. 

Như diễn viên Thái Hòa phải giảm ít nhất 6 - 7kg, quyết tâm tập luyện, ăn kiêng cực khổ ngay dịp Tết vì rất yêu phim này. Diễn viên Hồ Thu Anh tập luyện giảm cân trước ba tháng để chuẩn bị cho phim. 

Bùi Thạc Chuyên lý giải người gầy mắt sáng hơn. Ngày trước, những bức ảnh của người lính hay người dân ngày xưa, mắt họ đều sáng rực.

Diễn viên Thái Hòa trong trang phục du kích của vai diễn Bảy Theo - Ảnh: Facebook Lương Bích Ngọc

Diễn viên Thái Hòa trong trang phục du kích của vai diễn Bảy Theo - Ảnh: Facebook Lương Bích Ngọc

Lâu nay, cũng như Bùi Thạc Chuyên, nhiều đạo diễn Việt ước mơ làm phim lịch sử. 

Có những kịch bản đã được viết ra về các trận đánh vĩ đại trong lịch sử đất nước nhưng quá trình làm phim dường như vẫn quá chông gai. 

Và cũng như anh nói, chi phí không phải là tất cả. Nhưng động đến một phim lịch sử thì có rất nhiều thứ phải chi tiền. 

Ví dụ ban đầu anh mong muốn có một đội ngũ cố vấn nghiên cứu về lịch sử một cách kỹ lưỡng cho phim, nhưng sát đến ngày mới biết là có tiền hay không. 

Mà việc nghiên cứu phải thực hiện trước cả năm trời thì mới làm phim một cách cẩn thận được.

Anh phân tích: "Động đến phim lịch sử, có rất nhiều khía cạnh tôi nhận ra ở mình chưa có khả năng. Mình chưa có thói quen nghiên cứu. 

Việc làm khói lửa, cháy nổ thì ở Việt Nam bây giờ hầu như không còn ai làm, có một vài người nhưng không làm hết tất cả được. 

Phim này phải mời chuyên gia nước ngoài. Bởi nghề này ở Việt Nam không có đất dụng võ nữa, ngày xưa có các hãng phim nhà nước.

Tôi biết những người làm cháy nổ, khói lửa ở Việt Nam ngày trước là những người làm công binh ra, họ toàn chơi thuốc nổ thật, nổ thì đẹp mắt nhưng rất nguy hiểm. Với điện ảnh như vậy không được. 

Chuyên gia nước ngoài có thể cho nổ rất gần, hôm qua tôi vừa cho nổ thử ngay trong đường hầm, chỉ cách người diễn viên ở trong đường hầm khoảng 2m nhưng diễn viên vẫn không sao cả, mà cảnh nổ trông vẫn kinh khủng. Để làm được như vậy chuyên gia của nước ngoài phải học và nghiên cứu rất nhiều.

Khi quay Người Mỹ trầm lặng, người Mỹ cũng từng cho nổ cả cái ô tô, mảnh vỡ bay khắp nơi mà diễn viên đứng cách đó có 4m. Nhưng tôi cũng hiểu là các anh em ở Việt Nam phải có việc để làm thì mới giỏi được. Chẳng có cách nào khác là mình phải làm thôi".

TP.HCM quan tâm, động viên

Địa đạo và giấc mơ 10 năm của Bùi Thạc Chuyên về bộ phim cho ngày hòa bình- Ảnh 9.

Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, nói về phim Địa đạo trong Liên hoan phim quốc tế TP.HCM vừa qua:

"Đây là bộ phim rất ý nghĩa và mang giá trị thực tiễn, giúp chúng ta hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm sau.

Với ý nghĩa lịch sử như vậy và cả chiều dài lịch sử được tái hiện trong phim, đây là công việc không hề đơn giản.

Vậy làm sao để nhà làm phim có thể thực hiện được trong điều kiện hiện tại?

Cần rất nhiều cơ quan chức năng phải hỗ trợ, phối hợp và nhiều cơ quan ở các cấp thẩm quyền khác nhau".

Tin vào tài năng Bùi Thạc Chuyên

Doanh nhân Nguyễn Thành Nam

Doanh nhân Nguyễn Thành Nam

10 năm qua đi, quá nhiều việc nên tôi đã quên.

Nhưng Chuyên không quên. Năm ngoái, bạn tôi, người đã giới thiệu Chuyên với tôi hồi đó, nói:

"Nam, tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bọn mình (cùng với mấy người bạn) cùng nhau giúp em ấy thực hiện dự án này nhé". Tôi đã đồng ý ngay.

Chuyên đến gặp tôi nói: Em muốn cho khán giả nước ngoài, nhất là Mỹ biết về cuộc chiến từ góc nhìn của Việt Nam. Hollywood đã làm rất nhiều phim về chiến tranh Việt Nam, nhưng chủ yếu là về họ, những cựu binh Mỹ.

Tôi đã hào hứng đọc kịch bản. Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với Chuyên, những người "nông dân" du kích, đúng là rất dũng cảm. Nhưng chỉ dũng cảm không đủ. Đối thủ của họ, những người lính Mỹ và đồng minh cũng rất dũng cảm, còn được trang bị đầy đủ tận răng, được hỗ trợ bằng cả một hệ thống hùng mạnh.

Để khuất phục đối thủ, những người du kích còn phải rất thông minh và sáng tạo, có tính ngang tàng phá cách. Bởi vậy tôi mê nhân vật Tư Đạp.

Tất nhiên phim như một tác phẩm nghệ thuật, trước khi nói đến chuyện thông điệp này nọ thì phải đủ hấp dẫn để kéo thế hệ trẻ của chính Việt Nam đến rạp. Tôi tin vào tài năng của Chuyên, dàn diễn viên và đội sản xuất của HKPhim và nóng lòng chờ ngày phim ra mắt.

Nhà đầu tư, doanh nhân Nguyễn Thành Nam

Sau 10 năm ấp ủ, phim Địa đạo khởi quay để chiếu dịp 50 năm giải phóng miền NamSau 10 năm ấp ủ, phim Địa đạo khởi quay để chiếu dịp 50 năm giải phóng miền Nam

Phim điện ảnh Địa đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khởi quay với dàn diễn viên Thái Hòa, Quang Tuấn, Diễm Hằng Lamoon, Anh Tú Wilson, Hồ Thu Anh...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên