07/04/2005 00:31 GMT+7

Củ Chi máu và hoa

ĐẶNG ĐẠI
ĐẶNG ĐẠI

TT - Kết thúc cuộc chiến tranh, Củ Chi có 13 xã anh hùng, 28 anh hùng lực lượng vũ trang, 715 bà mẹ VN anh hùng, 1.800 người được phong dũng sĩ. Nhưng phía sau tấm huân chương ấy, Củ Chi cũng đã mất đi 10.000 chàng trai cô gái đang phơi phới tuổi xuân.

QDv9OKCH.jpgPhóng to
Quân y viện dã chiến ở địa đạo tại chiến trường Củ Chi - Ảnh tư liệu

Trên toàn chiến trường Củ Chi có trên 50.000 liệt sĩ ngã xuống, trong đó có 34.063 liệt sĩ sinh ra và lớn lên trên đất Sài Gòn.

Vành khăn trắng

Người du kích năm xưa Võ Văn Cậm (Tư Cậm) chỉ tay về phía sau hè nhà ông Ba Rô đối diện UBND xã Nhuận Đức: “Năm kia (2002) anh em tụi tui mới qui tập được hài cốt của mấy người bạn về nghĩa trang liệt sĩ thành phố...”.

Đó là trận đánh năm 1972. Khi đang cố thủ trong địa đạo sau khi hất lui nhiều đợt tấn công của địch thì ổ chiến đấu của ba du kích và một bộ đội chủ lực bị vùi bởi một loạt bom. Anh em dùng dao lê, cuốc thuổng đào bới ròng rã suốt ngày, đến tối chỉ lôi lên được du kích Út Lắm đang thoi thóp...

Năm 1968, đợt hai của cuộc tấn công Mậu Thân, Huyện ủy Củ Chi được giao phối hợp với đặc công miền tập kích căn cứ Đồng Dù. Đây là căn cứ đầu não kiên cố của sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” Mỹ, nằm trên một diện tích rộng khoảng 600ha kề trục tỉnh lộ 8 đi Bình Dương và cách quốc lộ 22 (đường xuyên Á) chừng 2km.

Nhật ký của chiến sĩ Trần Bản, đề ngày 11-1-1966 trong rừng Hố Bò, tức khu vực cơ quan đầu não của khu Sài Gòn - Gia Định, Bộ chỉ huy Quân khu. Đây là thời gian diễn ra trận càn Crimp ác liệt.

“...Nhiều hầm sập đổ. Nhiều đồng đội bị kẹt trong hầm, chưa ra được. Chưa rõ số phận của cô Ba, cô Bảy, Hồng Hạnh và Tám Hà ở trong hầm ra sao. Các cô Tâm và Út đã hy sinh khi bảo vệ đường dây. Chưa kịp chôn cất các cô, thân thể bị thối rữa...

Buổi chiều một du kích trong ấp đi trinh sát, cố đến gần địch, đã bị bắn chết. Chưa lấy xác ra được... Nhà cửa sụp đổ, cây cối tan hoang. Mình đang nói chuyện thì một trái rocket nổ cách 200m và bom bắt đầu rơi như mưa...

Những ngày ở trong lòng đất thật gian nan. Cơm nguội ăn với muối rang, uống nước lạnh...”.

Anh Bản đã hi sinh dưới lòng địa đạo. Người thu được cuốn nhật ký là một công binh Úc, thuộc trung đội 3.

Vòng ngoài được quây bọc, bảo vệ kiên cố và bên trong thường có tới 4.500 quân với bãi trực thăng, xe tăng, kho vũ khí... đầy ắp. Các cánh quân trong một đêm đã đột nhập và giáng những đòn sấm sét bất ngờ lên đầu giặc. Không chính xác nhưng Hai Thành cho biết địch chết rất nhiều. Quân ta cũng một số hi sinh... Địch phản công dữ dội. Ta rút.

Đơn vị Hai Thành và một đại đội đặc công Miền rút về Bà Giã, không kịp ra. Tình thế càng nguy ngập khi địch phát hiện được và chúng huy động một trung đoàn xe tăng hùng hổ ầm ào lao đến và quần thảo. Đêm đến, nhóm quân địa phương Hai Thành trinh sát dò đường trước rồi làm hiệu lệnh để đặc công đi sau.

Nhóm Hai Thành vượt được 50m an toàn, quay ra làm hiệu lệnh nhưng số anh em đặc công (đa số là người Bắc) không hiểu... Nấn ná một chút địch phát hiện được và tức thời chúng dộng súng cối và huy động xe tăng đến quần thảo, ủi sập, san bằng tất cả. Tất cả bị chôn vùi và không còn dấu tích...

Chín Cheng ngày đó vừa là du kích, vừa làm nhiệm vụ y tá. Trên mình mang hàng chục vết thương, trên cổ giờ này vẫn còn nguyên miểng đạn nhưng nhắc về chuyện thương vong thì anh rươm rướm: “Có những cái chết lẽ ra đâu phải chết...”.

Hôm đó Chín Cheng thoát ra ngoài là hừng sáng. Anh lần về xóm Chùa thì gặp ngay lúc du kích Út Dừa vướng trái gài gãy ống quyển, phải cưa đùi. Không nước biển, không thuốc gây mê, mất máu nhiều, thấy Út Dừa chết lịm dần dần mà không ai cứu được...

Suốt cuộc chiến 21 năm trời ròng rã, quân dân Củ Chi tiêu diệt trên 20.000 tên địch nhưng tổn thất của quân dân ở đây cũng không phải nhỏ. Máu nhuộm từng đoạn hào, từng khúc địa đạo. Các chiến sĩ du kích già như Chín Ảnh, Út Kang, Tư Cậm, Chín Cheng, Sáu Dừa… lâu lâu ngồi lại buồn thiu: “Tuổi của tụi tui anh em hi sinh hết rồi...”.

Các ông may mắn hơn nhưng trên người cũng đầy thương tích, lần đâu trên người cũng lỗ chỗ vết thương. Đền Bến Dược lưu danh 44.357 anh hùng liệt sĩ trên các miền đất nước đã hi sinh trên chiến trường này. Nhưng còn bao chiến sĩ vô danh khác vẫn chưa lần ra tung tích. Đại tá Hai Thành cho biết ngày đó có người hi sinh thì anh em ghi tờ giấy nhỏ, bỏ vào chai pi (ampicillin) cất theo người.

Thế nhưng dưới bánh xích xe tăng và bom đạn Mỹ, những cái chai thủy tinh bé nhỏ làm sao còn nguyên vẹn nổi! Ông Chín Ảnh nói trong nỗi buồn vô hạn: “Căm thù giặc quá mà đánh chí chết mới thôi. Thấy bạn bè ngã xuống thì mình tiến lên. Cứ vài ba ngày lại thấy thiếu đi một đứa...”.

Sự bình dị lấp lánh

i242r6XX.jpgPhóng to
"Chuột cống" hốt hoảng chui ra khỏi địa đạo - Ảnh tư liệu
Chạng vạng một buổi chiều, tôi một mình ở nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi. Nghĩa trang thanh bình như một công viên. Phía bắc là vùng di tích địa đạo Bến Dược. Phía nam là địa đạo Bến Đình. Trước mặt là con sông Sài Gòn và bên kia là Bến Cát (Bình Dương). Nơi họ nằm xuống chính là tâm điểm của chiến trường ác liệt, Tam giác sắt.

Nhưng dấu tích ngày xưa giờ chỉ còn lại những hàng bia mộ tăm tắp đều san sát bên nhau. Những cái tên trên bia mộ dung dị và gần gũi với làng quê. Những con số về năm sinh, năm mất cũng rất gần nhau, đều nói rằng người hi sinh còn rất trẻ: 18, 19, 20... Tuổi mà trong hòa bình chúng tôi còn học tập, còn mộng mơ và yêu đương nồng nàn nhất...

Trong mắt tuổi trẻ chúng tôi hôm nay, Củ Chi là một làng quê thanh bình. Đâu cũng thấy màu xanh. Phía bắc Củ Chi là khu công nghiệp. Nhiều nhà máy đã mọc lên trên những đoạn hầm hào, địa đạo ngày xưa. Những người chiến sĩ du kích năm xưa, bỏ cây súng xuống lại thành nông dân, giờ chỉ toàn nói chuyện vườn tược, cây trái.

Vợ chồng ông Chín Ảnh - bà Chín Lan đã già, lịnh xịnh trong nhà, nuôi con gà con heo. Các ông Út Kang, Tư Cậm, Chín Cheng sức cũng còn khá, khoe rằng “tao còn mần ruộng tốt”. Ông Út Kang làm được 6 sào lúa, ông Tư Cậm ít đất hơn, được 2,5 sào. Ông Sáu Liễng, ông Trần Văn Hồ... cũng thanh thản với mảnh vườn và chăm sóc hoa trái trong vườn.

Những người nông dân của ruộng của vườn giờ đang sống bình yên trên mảnh đất cha ông, với những lo toan thường nhật: lo nắng hạn làm chết cây lúa cây rau; lo dịch bệnh gia cầm phải tiêu gà hủy vịt. Lo cho con ăn học, lo cho chúng việc làm, lo dựng vợ gả chồng và lo những cái lo bình dị...

Đến Củ Chi là gặp sự bình dị, sự bình dị lấp lánh...

Với hệ thống địa đạo liên hoàn phức tạp và cực kỳ bí hiểm trên, suốt từ năm 1960-1975, quân dân du kích Củ Chi đã khiến cho bộ máy chiến tranh đồ sộ và hiện đại bậc nhất thế giới của Mỹ - ngụy ở chiến trường Nam VN lồng lộn, tức tối vì bị thiệt hại nặng nề mà vẫn cay cú vì bất lực.

Hàng vạn tấn bom đã rải xuống, băm vằm nát đất Củ Chi nhưng địa đạo và quân dân Củ Chi vẫn như những thiên thần thoắt ẩn thoắt hiện, liên tiếp gây cho địch những tổn thất nặng nề.

Trên chiến trường này, quân dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 Mỹ - ngụy; phá hủy trên 5.000 xe tăng và thiết giáp; bắn rơi và bị thương 256 máy bay các loại; bắn chìm và phá hỏng 22 tàu chiến; phá hủy và bức rút 270 lượt đồn bót.

Trong đó, có những trận quân dân Củ Chi đã xóa sổ phiên hiệu cả trung đoàn Mỹ. Chiến công lẫy lừng của đoàn quân từ lòng đất còn là những trận chống càn qui mô lớn, bẻ gãy các chiến dịch hành quân của lính viễn chinh Mỹ...

Theo Địa đạo Củ Chi

----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 8: “Tư lệnh” vùng đất thép- Kỳ 7: Đội quân “xuất quỷ nhập thần”- Kỳ 6: Kỳ quan trong lòng đất- Kỳ 5: Củ Chi: từ hầm bí mật đến địa đạo chiến- Kỳ 4: Con sinh ra từ lòng đất- Kỳ 3: 30 nấm mồ tập thể- Kỳ 2: Vịnh Mốc - Cồn Cỏ: hành trình máu!- Kỳ 1: Những ngôi làng bên dưới cuộc chiến

ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên